Hình thức lừa đảo mới: Mất sạch tiền trong thẻ ngân hàng chỉ sau cuộc gọi đổi sang sim 4G

H.G - Ngày 06/01/2022 09:43 AM (GMT+7)

Nạn nhân tiết lộ mã OTP điện thoại rồi đau đớn nhận ra mình là "con mồi" cho đối tượng lừa đảo, mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ sau 10 phút.

10 phút sau cuộc gọi của giả danh nhân viên nhà mạng, nạn nhân mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng

Mới đây, mạng xã hội xôn xao bài cảnh báo của một nạn nhân bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng khi làm theo hướng dẫn chuyển đổi SIM 3G sang 4G của đối tượng tự xưng là tư vấn viên của nhà mạng Mobifone. Thủ đoạn cực kì tinh vi và sự chuyên nghiệp của những người này khiến chính chủ không kịp trở tay. 

Nạn nhân trong bài đăng nhận được điện thoại từ đầu số 028 99991115, liên hệ để chuyển đổi SIM cho khách hàng, đọc số CMND và ngày tháng năm sinh rành rọt như một nhân viên thực thụ. Sau đó, người này yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP từ ứng dụng MyMobiFone, nhưng nghi ngờ lừa đảo nên nạn nhân đã từ chối. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo tiếp tục lấy lòng tin bằng cách khẳng định đây chỉ là OTP của nhà mạng với mục đích nâng cấp sim điện thoại, không liên quan gì đến ngân hàng. 

Số điện thoại đã thực hiện nhiều cuộc gọi lừa đảo trong thời gian gần đây

Số điện thoại đã thực hiện nhiều cuộc gọi lừa đảo trong thời gian gần đây

Chính vì những lời tư vấn rất thuyết phục nên cô gái đã nhẹ dạ đọc mã OTP cho bên kia mặc dù có sự cảnh báo từ chồng. Cô cho rằng chỉ có nhân viên thật mới biết được thông tin cá nhân và có cả tin nhắn từ tổng đài nên đã loại bỏ nghi ngờ.

Ngay sau đó, cô mới ngã ngửa khi biết được chiêu thức tinh vi mà những đối tượng lừa đảo đã nhắm vào mình: "Sau khi đọc xong mã OTP, điện thoại mình hoàn toàn không sử dụng được, mình tưởng bị mất hết tiền điện thoại nên lại nạp thêm 50.000 rồi mới liên lạc cho Mobifone xem thế nào. Tuy nhiên, nạp rồi vẫn không gọi được, và lúc đó mình mới phát hiện ra là bọn lừa đảo đã cướp số điện thoại mình, chuyển thành esim, toàn quyền sử dụng điện thoại. Lúc đó mình nghĩ bọn lừa đảo sẽ dùng điện thoại mình để mạo danh mình và lừa người thân bạn bè mình để mượn tiền. Vì vậy, mình lấy điện thoại ông xã mình gọi cho mobifone để khoá số điện thoại, khoá chiều đi và đến cả tin nhắn và cuộc gọi. Sau đó mình mới ra mobifone để lấy lại số của mình", nạn nhân chia sẻ thêm.

Hình thức lừa đảo mới: Mất sạch tiền trong thẻ ngân hàng chỉ sau cuộc gọi đổi sang sim 4G - 2

Sự việc chưa dừng lại tại đó khi cô biết kẻ xấu ngay khi cướp được số điện thoại chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử bằng cách đổi mật khẩu thông qua email và số điện thoại. Chúng chuyển hết sạch tiền trong tài khoản cho 3 tài khoản khác nhau. Khi nạn nhân khóa toàn bộ dịch vụ chuyển tiền trực tuyến và thẻ tín dụng thì đã quá muộn. Chỉ sau khoảng 10 phút, nạn nhân mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng.

Những chiều trò lừa đảo ngày càng tinh vi

Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, tuy nhiên các đối tượng ngày càng tinh vi và quỷ quyệt hơn khiến cho ngay cả những người dùng cẩn thận nhất cũng dễ rơi vào bẫy. Lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi SIM 4G của các nhà mạng, kẻ xấu đã xây dựng những lý lẽ đầy thuyết phục như đổi SIM từ xa nhằm hạn chế tiếp xúc vì ảnh hưởng của dịch bệnh, đổi SIM online để được miễn phí và nhận các gói khuyến mãi, thậm chí "dọa" nếu không nhanh chóng đổi SIM thì sẽ bị khóa và không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của nhà mạng.  

Một nạn nhân khác đăng bài cảnh báo bạn bè, người thân

Một nạn nhân khác đăng bài cảnh báo bạn bè, người thân

Đây là những nhóm người hoạt động một cách bài bản, có kịch bản rõ ràng. Người tự xưng là tư vấn viên tư vấn rất chuyên nghiệp, cách nói không khác gì những nhân viên tổng đài của nhà mạng. Sau khi chiếm được quyền kiểm soát số điện thoại, nạn nhân sẽ bị ăn cắp tiền trong tài khoản ngân hàng, thanh toán các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng hoặc dùng thông tin để vay tiêu dùng hoặc các ứng dụng vay tín dụng đen. 

Nạn nhân trong bài cảnh báo trên đã nhanh chóng trình báo công an, tuy nhiên khả năng lấy lại tài sản gần như bằng không mặc dù ngân hàng đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản nhận tiền. Hiện nay việc tạo tài khoản online rất đơn giản, kẻ lừa đảo dựa vào những sơ hở trong khâu này của một số ngân hàng để tạo số tài khoản ảo từ thông tin ăn cắp của người khác. 

Trước đó không lâu, một nạn nhân khác ở TP HCM cũng đã mất hơn 4 triệu đồng trong ví điện tử sau đọc OTP cho một đối tượng giả danh nhân viên tổng đài hỗ trợ chuyển đổi SIM. Mặc dù đã liên hệ nhưng phía MOMO không đưa ra được phương án giải quyết hợp lý. 

Nạn nhân bị đăng xuất ra khỏi tài khoản và chiếm đoạt tiền

Nạn nhân bị đăng xuất ra khỏi tài khoản và chiếm đoạt tiền

Liên hệ qua tổng đài hỗ trợ MobiFone, nhân viên tư vấn khẳng định phía nhà mạng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, cho dù là từ ứng dụng MyMobiFone được cài đặt trên điện thoại. Khi có nghi ngờ, hãy từ chối và liên lạc vào số điện thoại hỗ trợ để được giải đáp tất cả các thắc mắc hoặc đến trực tiếp chi nhánh gần nhất để được hỗ trợ. Hiện nay nhà mạng MobiFone đang sử dụng hai tổng đài là 1800 1090 và 9090. 

Chị Phương Thảo (28 tuổi, sống tại quận Gò Vấp) biết mình đã từng nhận được điện thoại mời chuyển đổi SIM, tuy nhiên chị nhanh chóng nhận ra mánh khóe lừa đảo vì bản thân đã sử dụng SIM 4G hơn 1 năm nay. Chị cho biết việc đổi SIM được chị thực hiện tại chi nhánh của nhà mạng và không mất khoản phí nào. 

Rất nhiều người khác bị lừa bởi mánh khóe này

Rất nhiều người khác bị lừa bởi mánh khóe này

Tương tự như chị Thảo, chị Ngọc Hà (25 tuổi, quận 9) cũng đã cảnh giác để không mắc mưu của kẻ xấu. Ngay khi nhận được điện thoại, chị cáo bận và đề nghị liên lạc lại vào thời gian khác. Sau đó chị Hà đã ngay lập tức gọi điện đến tổng đài để xác nhận thông tin, chính điều này đã giúp chị tránh được việc bị chiếm đoạt tài sản.

Chị Hà đã tỉnh táo gọi điện trực tiếp đến tổng đài để xác minh

Chị Hà đã tỉnh táo gọi điện trực tiếp đến tổng đài để xác minh 

Cảnh báo từ nhà mạng

Hiện nay, nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc rò rỉ thông tin cá nhân và những hệ lụy đi kèm. Tháng 5/2021, vụ việc 17 GB thông tin CMND của người Việt bị rao bán trên diễn đàn diễn đàn RaidForums đã dấy lên những nghi ngại về độ bảo mật thông tin cá nhân. Kẻ rao bán tuyên bố sở hữu một gói dữ liệu lớn gồm các thông tin xác định danh tính như tên, ngày sinh, hình ảnh, địa chỉ, email, điện thoại, CMND, hình chụp mặt trước CMND, hình chụp mặt sau CMND...

Khi bị lộ thông tin cá nhân, người dùng sẽ phải đối mặt với một số mối nguy như sao chép thông tin thật để làm CMND giả và thay đổi hình ảnh để vay tiền online; bị đăng ảnh CMND lên mạng với thông tin gây sốc như tố cáo lừa đảo, vay tiền không trả, hoặc vu khống tình ái...

Nhà mạng MobiFone nhắn tin cảnh báo khách hàng

Nhà mạng MobiFone nhắn tin cảnh báo khách hàng

Các nhà mạng liên tục đưa ra cảnh báo khách hàng trước chiêu trò này, tuy nhiên với sự tinh vi của tội phạm công nghệ mạng, người dùng chỉ cần một chút sơ hở đã có thể mất sạch tài sản trước những mánh khóe tưởng như không chút sơ sở.

Thời điểm cận kề Tết Nguyên Đán đều liên tục xảy ra nhiều hình thức lừa đảo, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cũng đã đăng bài cảnh báo về tình trạng này. Anh đưa lời khuyên nên Khi có sự cố nên liên hệ ngay với nhà mạng để khóa số lại. Và ngay lập tức rà soát lại các tài khoản email, ngân hàng... và luôn đặt chế độ bảo mật 2 bước OTP thông qua ứng dụng phần mềm, hạn chế và tránh đặt OTP qua tin nhắn SMS. 

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới, tinh vi: Nhận chuyển khoản trên trời, bỗng dưng thành con nợ
Khi hệ thống thanh toán và chuyển khoản trực tuyến được sử dụng rộng rãi thì các hình thức lừa đảo nhắm vào đó cũng ngày càng tinh vi và biến tướng....

Lừa đảo

H.G
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lừa đảo