Do thực hiện tự chủ tài chính, mức thu học phí tại một số trường đại học tăng vọt, thậm chí gấp đôi so với hiện tại.
Ngoài các trường đại học (ĐH) giữ nguyên học phí như năm trước, một số trường sẽ tăng học phí theo lộ trình bắt đầu từ năm 2021. Đặc biệt, ở các trường ĐH top trên năm nay đều chia thành rất nhiều hệ với mức học phí từ khoảng 20 triệu cho tới hơn ba trăm triệu đồng cho khóa học 4 năm.
Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học.
Năm 2021, học phí nhiều trường ĐH tăng mạnh. Ảnh minh họa
Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Nhà trường cho biết, lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
ĐH Ngoại thương mới đây cũng thông báo, học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến 60 triệu đồng/năm.
Học viện Ngân hàng cũng áp dụng theo quy dịnh mới về khung học phí năm học 2021-2022. Cụ thể, học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/ 4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120-160 triệu đồng/4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với ĐH Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng phải nói lại, cùng với việc tăng học phí, kỳ tuyển sinh năm nay, các trường tự chủ cũng đã sử dụng nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, chính sách học phí, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho sinh viên.
Dù vậy, việc tăng học phí do trường thực hiện tự chủ tài chính khiến không ít người, đặc biệt các thí sinh lo lắng.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính (bộ GD&ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.
Tuy nhiên, tất cả cơ sở giáo dục phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, nhà trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo quy định.
Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Ngoài ra, nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD&ĐT công lập.
Theo lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính, đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD&ĐT.