Năm 2019, Giáo dục Việt Nam ghi dấu của nhiều nhân vật tiêu biểu với những thành tích rực rỡ đáng tự hào.
Từ chối lời mời đến Canada làm việc của đại diện Tập đoàn Microsoft Canada, cô giáo Trần Thị Thúy trở về Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Với những hành động tiên phong trong đổi mới công nghệ giáo dục trung học phổ thông 4.0, đưa học sinh Hưng Yên kết nối thế giới, cô giáo Trần Thị Thúy được tổ chức giáo dục Varkey Foundation bầu chọn vào top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, chọn lọc từ hơn 10.000 giáo viên tới từ 178 quốc gia trên khắp thế giới. Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Ông Hà Quang Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp nơi cô Thúy công tác) chia sẻ: "Chắc hẳn nhiều người sẽ rất bất ngờ khi một cô giáo trường làng gần như cuối tuần nào cũng kín lịch đến các trường Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Cô Thúy không chỉ đưa công nghệ giáo dục đến với học trò vùng quê, tạo được hứng khởi học tập cho các em mà còn truyền cảm hứng cho giáo viên trường khác".
Cô giáo Trần Thị Thúy lọt Top 50 giáo viên toàn cầu được vinh danh từ Tổ chức Varkey Foundation
Khi đang ngồi trên giảng đường đại học, cô Thúy miệt mài lên phòng máy tính của thư viện để nghe chương trình tiếng Anh và giao tiếp với các bạn. Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo.
Tham gia Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng của Microsoft (MEC), cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án. Sau đó, nhiều giáo viên trong trường học hỏi phương pháp mới của cô Thúy.
Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi... Có lần, học sinh mang dụng cụ lên lớp hướng dẫn qua skype cách làm bánh trôi, chè kho cho các bạn Nhật Bản.
Cô Trần Thị Thúy giương cao lá cờ Việt Nam khi chiến thắng tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017.
Năm 2016, cô Thúy đã cùng các em học sinh thực hiện Dự án Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại. Dự án cũng vượt khỏi cánh cổng làng quê để nhận được sự hưởng ứng, góp ý của học sinh giáo viên trên thế giới, bằng tiếng Anh.
Theo cô Thúy, sau khi tiếp xúc với các giáo viên xuất sắc trên thế giới, cô nhận thấy xu hướng mới nhất mà mọi người quan tâm là mang lại cho trẻ em những giá trị sống, khơi gợi ở các em những cảm xúc – biết yêu thương, biết cảm thông, biết đứng dậy sau thất bại… Vì thế trong mỗi bài giảng, cô luôn liên hệ kiến thức với những thực tế ở địa phương, những tình huống gần gũi với các em. "Tôi luôn nói với các em rằng ở tuổi của các em, tiếng Anh của cô tệ hơn các em. Tôi muốn khuyến khích các em bước qua vùng an toàn của bản thân”, cô Thúy nói.
Cô giáo Trần Thị Thuý cũng là một trong 25 điển hình tiên tiến được vinh danh trong Chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" diễn ra sáng ngày 19/8.
Sau màn thể hiện thuyết phục tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia, Trần Thế Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An) đã trở thành nhà vô địch năm thứ 19 của sân chơi trí tuệ này. Chiến thắng của nam sinh làm nức lòng người dân Nghệ An khi lần đầu tiên nơi đây có Quán quân Olympia.
Thế Trung sở hữu thành tích học tập đáng nể: Thủ khoa đầu vào khối chuyên Lý THPT chuyên Phan Bội Châu, Huy chương bạc IOE (Olympic tiếng Anh toàn quốc) 2017, Giải nhì Olympic toán tuổi thơ cấp tỉnh 2013, Giải ba tin học trẻ tỉnh 2013. Giải nhất Olympia cấp trường năm học 2017-2018. Giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý năm học 2018 - 2019.
Ngoài ra, nam sinh này còn được biết đến là gương mặt tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như Cố vấn ban kĩ thuật nội san của trường, MC cuộc thi Olympia của trường, đại biểu, thành viên BTC các sự kiện “Hội đồng Mô phỏng Liên Hợp Quốc”, là thành viên của nhiều câu lạc bộ trong trường…
Thế Trung cho biết em bắt đầu xem và làm quen với các câu hỏi của Đường lên đỉnh Olympia từ khi còn học tiểu học, dù ngày ấy em không trả lời được nhiều câu hỏi ở chương trình.
"Mặc dù đã theo dõi chương trình từ khi còn nhỏ nhưng phải đến khi cùng chị gái theo dõi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15, em mới quyết tâm tham gia cuộc thi trong tương lai. Lúc đó, chị gái của em đã bày tỏ mong muốn được thấy em tham gia cuộc thi này, muốn em có thể đặt chân tới trận chung kết", Thế Trung cho biết.
Năm lớp 9, chị gái Trung không may qua đời, đây là một cú sốc lớn với gia đình cũng như bản thân Trung. Khi ấy, em càng quyết tâm biến mong muốn khi xưa của chị thành hiện thực.
Ngay sau khi được trao vòng nguyệt quế, Thế Trung bày tỏ trong xúc động: "Em vẫn chưa tin được. Em đã hoàn thành được ước mơ lớn nhất là đội trên mình chiếc vòng nguyệt quế danh giá của trận Chung kết. Đầu tiên, em muốn dành thành tích này cho chị gái - người đã truyền lửa, truyền cảm hứng và ước mơ cho em thi Olympia từ còn rất sớm. Tiếp theo em xin dành tặng bố mẹ, thầy cô và bạn bè những người đã đồng hành với em trong suốt hành trình dài".
Nói về tương lai, Thế Trung cho biết sẽ cân nhắc suất học bổng của chương trình và mong muốn nếu có đi du học thì cũng sẽ trở về quê hương Việt Nam.
Trước thềm năm học mới 2019-2020, lá thư gửi hơn 40 thầy cô hiệu trưởng ở Hà Nội với mong muốn không thả bóng bay trong ngày khai giảng của cô học sinh lớp 6 Nguyễn Nguyệt Linh thật sự đã chạm tới trái tim của nhiều người.
Từ lá thư của Nguyệt Linh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ mong muốn các trường học trên cả nước sẽ nói không với bóng bay trong lễ khai giảng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã gửi thư khen ngợi em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh, một em học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội - vấn đề ô nhiễm môi trường, và có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.
Bức thư của em những ngày qua đã truyền cảm hứng và “đánh thức” người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay - một việc thường được làm trong mỗi dịp khai giảng nhưng ít ai nghĩ về tác hại của nó. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực của em Nguyệt Linh.
Được biết, vào mùa hè 2018, Nguyệt Linh tham gia lớp học nhiếp ảnh của thầy Lekima - người từng có chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh rác gây ấn tượng. Sau khi theo dõi theo dõi toàn bộ chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh rác của thầy, Nguyệt Linh tìm hiểu được nhiều thông tin, trong đó có thông tin bóng bay có thể gây hại cho một số động vật.
Trong một bữa cơm, Nguyệt Linh tâm sự với bố mẹ lại sắp khai giảng, các trường lại thả nhiều bóng bay và điều này ảnh hưởng đến nhiều loài vật. Em nói sẽ viết thư gửi các trường đề nghị không thảo bóng bay trong ngày khai giảng rồi tự lên google tìm địa chỉ các trường để gửi thư.
Thật không ngờ, bức thư của em lại có sức lan tỏa đến vậy. Hưởng ứng thông điệp của Nguyệt Linh, nhiều trường học trên cả nước nói không với thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang của Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội, ngôi trường mà Nguyệt Linh đang theo học, không chỉ đồng ý với không thả bóng bay trong lễ khai giảng, mà còn tổ chức một lễ khai giảng mang tên "Khai giảng Nguyệt Linh".
Năm 2019, những thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia 2019 được xướng danh đến từ Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội và Nghệ An.
Ngô Thu Hà – cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ chính là nữ thủ khoa khối B. Em đạt số điểm thuyết phục với tổng điểm 3 môn 29,8, cụ thể môm Hoá: 10, Sinh: 10 và Toán: 9,8.
Thu Hà chia sẻ rằng sau khi kết thúc môn thi cuối, em nghĩ mình sẽ đạt điểm cao bởi các môn em đều làm bài tốt, nhưng không ngờ em lại trở thành thủ khoa khối B.
“Em rất vui và bất ngờ. Khi em báo tin vui cho gia đình, bố mẹ cười và đập tay với em”, Hà vui mừng nói.
Thủ khoa khối D1 là em Nguyễn Thị Trà My – cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phương, Hà Nội. Em có tổng điểm 3 môn xét tuyển khối D1 cao nhất cả nước năm 2019 (Toán 9,4; Ngữ văn 9 và Tiếng Anh 10 tuyệt đối).
“Khi so với đáp án của Bộ GD-ĐT công bố thì em cũng áng được mức điểm của mình nhưng đến khi điểm thi được công bố vẫn cảm thấy hồi hộp. Đến giờ e vẫn không tin mình là thủ khoa khối D1", Trà My vỡ òa trong sung sướng.
Với tổng điểm 3 môn khối A 29,05 điểm, Vũ Đức Anh – cựu học sinh lớp 12T1, Trường THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa đã trở thành thủ khoa khối A của cả nước. Điểm ba môn Toán, Lý, Hóa của em lần lượt là 9.8, 9.25 và 10 điểm.
Thành tích thủ khoa khối A của nam sinh xứ Thanh được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng nhìn vào toàn bộ điểm thi THPT Quốc gia 2019, Đức Anh khiến không ít người bất ngờ bởi điểm thi môn tiếng Anh chỉ đạt 1,4 điểm.
Đức Anh cho biết tiếng Anh chính là điểm yếu của em. Vì vậy sau khi vào đại học, em sẽ cố gắng trau dồi thêm bộ môn này.
Hoàng Thị Thái Bảo – cựu học sinh lớp 12C1, THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An gây ấn tượng khi đạt tổng điểm 28,75 và là thủ khoa khối C toàn quốc (Ngữ văn 9,25; Lịch sử 9,75 và Địa lý 9,75).
Nguyễn Thuận Hưng, cựu học sinh lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), là một trong 2 học sinh của đoàn Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2019 tổ chức hồi tháng 7. Thuận Hưng đạt 32/50 điểm.
Hưng tâm sự em đam mê Toán học từ nhỏ, thường giải bài trên tạp chí Toán Tuổi Thơ rồi gửi đến tòa soạn. Khi Hưng được giải thưởng của tạp chí và báo đăng, gia đình mới biết.
Chị Bùi Thị Họa (mẹ của Hưng) cho biết từ bé Hưng có năng khiếu về Toán và ngay từ cấp 1 đã có sự thích thú với môn Toán. Cấp Tiểu học Hưng đã thường xuyên giải các bài toán trên tạp chí Toán tuổi thơ và gần như số báo nào cũng xuất hiện bài giải của em trên đó.
Nguyễn Thuận Hưng (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2019.
Lớn hơn chút, Hưng tự tìm tòi và giải các bài toán qua mạng chứ cũng không phải do bố mẹ yêu cầu. Và cứ như thế em say sưa với môn học này chứ cũng không có bí quyết gì quá đặc biệt.
Lên lớp 10, Hưng thể hiện năng lực khi đỗ thủ khoa vào Trường THPT Chuyên Trần Phú. Năm lớp 11, Hưng cũng giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán. Và năm lớp 12, Hưng mang về tấm huy chương Vàng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Hà (bố Hưng) cho hay anh dạy con không chỉ biết học trong sách vở, ở trường, mà phải biết chơi nhiều, giỏi kiến thức xã hội, trải nghiệm cuộc sống. Hưng rất thích đá bóng, chơi bóng rổ, nhảy dancesport. Thậm chí, ngay từ nhỏ, Hưng còn vượt bố về khả năng chơi bóng.
“Việc học của con, gia đình hoàn toàn không ép, vì bố mẹ cũng không đủ kiến thức để dạy. Tôi để Hưng học tự do và cháu trưởng thành nhờ tự lập sớm”, anh Hà nói.