Hôm nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Đây là một năm học rất đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện đối với tất cả các khối lớp, đồng thời cũng là năm chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện chương trình giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương đã lên kế hoạch tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo không khí của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Ngày 4/9, Trường Tiểu học Liêng Srônh tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025 tại Điểm trường 179 (Tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Đây là điểm trường xa nhất và còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Đam Rông.
Sáng 5/9, hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô Hà Nội chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước, ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đào tạo Thủ đô đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Một trong những nhiệm vụ được Hà Nội ưu tiên thực hiện trong năm học mới là khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, trong đó thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đặc biệt là một số môn học như: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc...
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý nghiêm túc thực hiện việc giãn thời gian thu các khoản; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Về hoạt động đón học sinh đầu cấp học, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các cơ sở giáo dục cần đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh lớp 1. Đối với cấp học mầm non sẽ tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường. Thời lượng tổ chức lễ khai giảng tối đa là 60 phút.
Tại TP Hồ Chí Minh, lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 cũng được Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức tối đa trong vòng 60 phút đảm bảo tính an toàn, vui tươi, ý nghĩa, ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, tạo dấu ấn giúp học sinh có những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên của năm học mới theo đặc thù của từng cấp học. Trong đó, các trường mầm non triển khai tổ chức ngày hội "Bé vui đến trường", tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú phù hợp từng đơn vị; tập trung các không gian để bố trí các hoạt động như: trò chơi vận động, các hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối… tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ. Với các trường tiểu học, THCS, THPT nếu không đủ điều kiện cho toàn bộ học sinh dự khai giảng thì để 100% học sinh đầu cấp và cuối cấp tham dự phần lễ nhưng phải đảm bảo 100% học sinh được tham dự phần hội chào đón năm học mới sau phần lễ…
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, dự báo có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 gọn nhẹ, an toàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tuyệt đối không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học mới 2024-2025, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung vào 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ ưu tiên triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngành Giáo dục cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây như Công điện ngày 23/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo; sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung; chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ đạo "nóng" về khai giảng năm học mới
Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn có công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc chủ động ứng phó bão số 3.
Công điện nêu rõ, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 3/9, vị trí tâm bão số 3 (Yagi) đang ở trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Dự báo bão số 3 có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra nghiêm túc triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ứng trực 24/24 giờ; giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 gọn nhẹ, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tuyệt đối không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng.
Bộ GD&ĐT đề nghị, các địa phương xây dựng các phương án và kịp di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn, bảo đảm không hư hại, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời, khẩn trương khắc phục thiệt hại; dọn dẹp, vệ sinh trường/lớp học ngay sau mưa bão, bảo đảm an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh để chuẩn bị các điều kiện phục vụ năm học mới.