Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sỹ đến tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có các điều kiện như có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.
Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.
Việc xem xét kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đến độ tuổi nghỉ hưu cần được thông báo cho giảng viên biết trước khi đến thời điểm nghỉ hưu 3 tháng.
Giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên.
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thẩm quyền ra quyết định kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sỹ đến tuổi nghỉ hưu thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ GD-ĐT - Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.