“Theo cá nhân tôi, chúng ta nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì số lượng học sinh trượt tốt nghiệp không đáng bao nhiêu”, PGS.TS Nguyễn Duy Bính nêu quan điểm.
Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Nhiều môn thi có “mưa” điểm 10 và một số tỉnh thành chia sẻ kết quả đỗ tốt nghiệp gần 93%. Các học sinh vừa đỗ tốt nghiệp đang bắt đầu với lựa chọn đăng ký trường gì, học ngành gì. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc kỳ thi này, nhiều chuyên gia giáo dục lại tiếp tục nêu quan điểm nên chăng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT khi mà kết quả luôn “đẹp”.
PGS.TS Nguyễn Duy Bính, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Kỳ thi này là kỳ thi hai mục tiêu, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đầu vào ĐH nên đề thi không thể ra quá khó được. Vấn đề ở đây, đầu tiên là đề dễ. Hình thức thi trắc nghiệm làm học sinh đánh đại cũng vẫn được. Chính vì đánh đại nên học sinh bị điểm liệt cũng không khó lý giải. Bởi các em không biết gì”.
PGS.TS Nguyễn Duy Bính kể lại: “Tôi cũng đi coi thi và thấy có em ngủ từ đầu đến cuối. Đến lúc dậy, nhiều em khoanh đại đáp án. Vì các em đó có biết, có học gì đâu mà thi với thố.
Nhìn vào phổ điểm môn Sử, các con số chứng tỏ học sinh vẫn không yêu thích môn này. Số điểm dưới 5 môn Sử chiếm hơn 60%. Nhìn vào phổ điểm Sử cho thấy, đề có sự phân hóa nhưng tôi đánh giá là dễ vì đây là năm đầu tiên môn này thi trắc nghiệm và đề ra cho học sinh tốt nghiệp phổ thông.
Dễ nhưng với các em có học, có biết, còn khó với những em chẳng đọc, chẳng học gì. Mỗi thí sinh một mã đề, câu hỏi, kiến thức tương đối nhiều nên việc học tủ, học lệch là không hữu hiệu nữa”.
Trước câu hỏi của PV, liên quan đến phổ điểm khối C như năm nay thì việc tuyển sinh của các trường có thay đổi gì nhiều so với mọi năm, TS. Nguyễn Duy Bính cho rằng: “Các nghề "hot" chắc chắn vẫn lấy điểm cao. Còn nói chung là nhiều năm gần đây, học sinh ít chọn khối C để xét tuyển ĐH, CĐ. Vì các ngành khối C ra trường khó xin việc. Chính vì thế, tôi cho rằng, điểm số không phải là điều quan trọng nhất mà chủ yếu là các em có yêu nghề đó hay không”.
Quay lại với câu chuyện kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, TS. Nguyễn Duy Bính nêu quan điểm cá nhân: “Chắc chắn kết quả đỗ tốt nghiệp sẽ cao. Và nếu như năm nào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng khoảng hơn 90% thì năm sau chúng ta có cần tổ chức kỳ thi này? Theo cá nhân tôi, chúng ta nên bỏ. Vì số lượng học sinh trượt tốt nghiệp không đáng bao nhiêu. Và làm như thế này sẽ là tốn kém”.
TS. Bính cho rằng: “Theo tôi, chúng ta nên xét tốt nghiệp. Và các trường ĐH,CĐ sẽ chủ động phương thức, cách thức tuyển sinh. Đối với các trường ĐH top trên như ĐH Y, ĐH Xây dựng…, nói chung với các nghề phải đào tạo cẩn thận, có yếu tố kỹ thuật cao, chắc chắn cần phải chọn những em thật sự giỏi.
Còn những trường đào tạo thiên về buôn bán, kinh doanh, công việc có ít nhiều thiên về phải có chút năng khiếu, yêu cầu những người 10 điểm Toán vào đó là không cần thiết. Tiếp đó, với các nghề như công an, sư phạm thì cần sơ tuyển trước. Vì trước tiên, cần những người yêu nghề đã. Tiếp đó, phải có năng khiếu về nói, viết, đạo đức tốt, thể lực tốt để đáp ứng công việc trong tương lai”.
Cùng quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, một chuyên gia giáo dục phân tích, thực tiễn hiện nay, tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện cần để các thí sinh được dự thi, dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các trường ĐH, CĐ không quan tâm tới hạng bằng tốt nghiệp THPT của thí sinh.
Vị này chia sẻ thêm, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội, ngân sách. Vì có tổ chức kỳ thi, kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp rất cao.