Mất việc làm, thu nhập bằng 0, những hộ gia đình đi thuê trọ tại các thành phố lớn đang gặp không ít khó khăn khi ngoài tiền thuê nhà, nhiều người còn đang phải trả tiền điện với giá cao, lên đến 4-5.000 đồng/kWh.
Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khoảng gần 10 năm nay, từ khi xuống Hà Nội làm thuê, chuyển qua nhiều khu trọ nhưng chị vẫn phải trả mức giá 4.000 đồng/số. Khi thắc mắc, chị được chủ nhà trọ thông tin, đây là giá chung của tất cả các nhà cho thuê trọ.
Theo chị Dung, trước khi dịch Covid-19 diễn ra, vợ chồng chị làm nghề bán hàng rong, thu nhập đều đặn mỗi tháng 5-6 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng gần 2 tháng nay, thành phố áp dụng lệnh giãn cách xã hội nên vợ chồng chị phải ở nhà, thu nhập bằng 0.
Dãy trọ 6 phòng trọ nhưng chỉ còn 2 phòng ở lại vì khó khăn không đủ tiền trả tiền thuê nhà và điện nước.
“Từ tháng 5, vợ chồng tôi phải gửi con về quê cho ông bà. Tiền phòng trọ là 2,5 triệu đồng/tháng, tiền nước là 25.000 đồng/m3, tiền điện 4.000 đồng/số. Khó khăn mà xin chủ nhà bớt tiền thuê trọ họ cũng không bớt, xin hoãn đóng tiền nhà họ cũng không cho, tiền điện cao nên dù nóng hai vợ chồng cũng không dám bật điều hòa nhưng tháng nào cũng hết hơn 200 số”, chị Dung kể.
Tiền thuê trọ và tiền điện quá cao nên dãy trọ của chị Dung có 6 phòng thì đến 4 phòng để trống không có người ở. Những hộ gia đình khác đều đã về quê từ khi chớm dịch. Vợ chồng chị cố gắng bám trụ lại để kiếm tiền nuôi con nhưng gần 2 tháng nay đều phải nghỉ ở nhà.
Chị Huệ, người thuê trọ ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi chị thì mới sinh, chồng thất nghiệp vì Covid-19 nhưng tiền nhà không được giảm, tiền điện phải trả mỗi tháng bằng tiền thuê nhà.
Bức xúc vì tiền điện giá cao, chị Huệ lên mạng xã hội hỏi thì được biết hầu hết những người đi thuê trọ đều phải chịu mức giá điện như mình. (Ảnh chụp màn hình).
“Tiền điện chỗ tôi 4.000 đồng/số, thắc mắc thì họ bảo mình không ở thì để người khác thuê. Nhà có con nhỏ, phải bật điều hòa suốt nên tháng vừa rồi tiền điện mất 1,5 triệu đồng. Con tôi mới sinh 1,5 tháng nhưng mới chậm đóng tiền vài ngày chủ nhà đã rút điện không cho bật điều hòa. Con nóng không chịu được khóc suốt, phải bế trên tay cả ngày”, chị Huệ nói.
Theo chị Huệ, không chỉ một mình khu chị ở thu tiền điện 4.000 đồng/số mà đây là “giá chung” của các nhà có phòng trọ cho thuê ở Hà Nội vì hơn 10 năm qua chị đã nhiều lần chuyển nhà trọ và đều cho biết tiền điện họ thu 4.000 đồng/số.
Bài viết của chị Huệ thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ về giá điện. (Ảnh chụp màn hình).
Cũng phải đi thuê trọ nhưng anh H, thuê nhà ở ngõ 125 Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn đang phải trả 5.000 đồng/số điện sinh hoạt cho chủ nhà cho thuê.
Theo anh H, gia đình anh có 4 người, vì dịch bệnh nên cả nhà không đi làm được. Bản thân anh bị thoát vị đĩa đệm không làm được việc nặng, dịch bệnh không có việc làm, gia đình rất khó khăn, anh phải lên nhóm zalo connect để kêu gọi hỗ trợ lương thực, mắm muối, dầu ăn, mì tôm.
“Khu tôi thuê thuộc phần đất chủ nhà lấn chiếm nên không làm được tạm trú, cũng không có số nhà. Mỗi tháng tiết kiệm lắm, dùng 100 số điện cũng phải đóng 500.000 đồng. Tôi nghe nói nhà nước hỗ trợ giảm tiền điện nhưng chúng tôi đi thuê, nhà chủ thu bao nhiêu tiền cũng phải chịu, có được giảm đồng nào đâu”, anh H thở dài.
Nhiều người đi thuê trọ phải trả tiền điện giá cao nên trời nóng vẫn "nhịn" điều hòa.
Trường hợp chị Dung, chị Huệ hay anh H chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều cá nhân, gia đình đang đi thuê nhà trọ tên địa bàn Hà Nội phải chịu cảnh tiền điện giá cao. Mặc dù theo Bộ Công thương, nếu chủ nhà trọ không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì người thuê trọ được ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Giá bán điện bậc 3 hiện được quy định là 2.014 đồng/kWh.
Ngày 15/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết tính đến hết ngày 30/6, có 16.358 chủ nhà trọ đã ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng giá quy định. Trong đó, 2.334 hộ được áp định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang và 14.024 hộ được áp giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thứ 3.
Để bảo đảm các đối tượng là sinh viên, công nhân, người lao động thuê trọ được hưởng chính sách giá điện của nhà nước, EVNHANOI đã hướng dẫn các chủ trọ lập sổ ghi chép, lưu thông tin sản lượng điện tiêu thụ, tiền điện phải trả của từng phòng trọ, ký xác nhận trả tiền của người thuê trọ mỗi tháng.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các chủ nhà trọ có hành vi thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn giá quy định, báo cáo đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu chủ nhà trọ mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, nhưng thu tiền cao hơn so với quy định trên thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức tiền phạt dao động khoảng 7-10 triệu đồng, theo điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ.
Nếu phát hiện vi phạm về việc không áp dụng đúng quy định về giá bán điện cho người thuê trọ trên địa bàn, khách hàng liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 19001288 để ngành điện kiểm tra và xử lý.