Kiểm tra an ninh thầy cô chấm thi: Thất bại của nền giáo dục để xảy ra gian lận

Ngày 09/07/2019 09:22 AM (GMT+7)

"Tại sao lại đối xử với thầy cô chấm thi và làm công tác kiểm tra thi như những tội phạm? Phải chăng đây là thất bại từ nền giáo dục để xảy ra gian lận? ", một giáo viên đặt câu hỏi.

Ngày 3/7, đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã đến “điểm nóng” thi cử Sơn La khi năm 2018 nơi này đã xảy ra vụ gian lận thi cử “vô tiền khoáng hậu”. 

Khu vực chấm thi ở Sơn La được công an bảo vệ 3 vòng nghiêm ngặt, trong đó vòng 1 có 4 công an bảo vệ khu vực chấm thi tự luận và khu vực chấm thi trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi. Vòng 2 có 2 nhân viên an ninh trực 24/24h, vòng 3 có cảnh sát bảo vệ trong giờ làm việc. Các phòng bảo quản bài thi, chấm thi đều theo đúng quy định. Các cán bộ lên khu vực chấm thi phải được cán bộ an ninh quét các thiết bị điện tử. 

Kiểm tra an ninh thầy cô chấm thi: Thất bại của nền giáo dục để xảy ra gian lận - 1

Gian lận thi cử Sơn La năm 2018 khiến công tác kiểm tra an ninh giáo viên chấm thi năm 2019 có những hình ảnh khiến dư luận cho là phản cảm

Ngay sau khi bức ảnh về khu vực chấm thi ở Sơn La được đăng tải đã gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ: “Ban đầu tôi tưởng đây là an ninh sân bay đang làm nhiệm vụ kiểm tra hành khách trước khi bay. Ai ngờ đó lại là cảnh nhân viên công an, bảo vệ đang khám xét các cô giáo trước khi vào phòng chấm thi.

Tôi không hiểu tại sao phải làm thế này. Phòng chấm thi đã gắn máy quay 24/24, có người quản lí việc chấm bài... sao còn phải khám xét giáo viên như thế? Cần có biện pháp để ngăn chặn gian lận trong thi cử là đúng nhưng không phải thế này, không làm thế được; không thể xúc phạm lòng tự trọng vốn đã đầy thương tích của người thầy.

Kiểm tra an ninh thầy cô chấm thi: Thất bại của nền giáo dục để xảy ra gian lận - 2

Cán bộ bị kiểm tra an ninh gây tranh cãi - Ảnh: Lao động

Làm thế chỉ cho thấy hoặc là xã hội rất coi thường người thầy, không còn chút niềm tin nào với họ, hoặc là đội ngũ giáo viên rất tệ, đáng bị coi thường, không có lòng tự trọng, không thể tin được... Dù hiểu cách nào thì việc làm ấy cũng thể hiện sự thất bại thê thảm của 1 nền giáo dục thiếu niềm tin và lòng tự trọng. Nếu đi chấm thi bị như thế tôi sẽ bỏ về ngay lập tức”.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, một giáo viên giấu tên ở Sơn La cho hay: “Giáo viên chấm thi như chúng tôi chịu quá nhiều áp lực từ sai phạm của một số lãnh đạo Sở GD&ĐT Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhiều người nói sao thấy bị xúc phạm mà không bỏ về? Xin thưa, nếu bỏ về thì chúng tôi bị kỷ luật. Lại đang giảm biên chế với lại trả lương theo vị trí việc làm nữa. Không có lương thì lấy gì nuôi con.…”.

Một giáo viên khác chấm thi THPT quốc gia 2019 từ "tâm bão" Sơn La tâm sự: "Phải trực tiếp đi chấm thi mới thấu hiết những tổn thương và áp lực mà giáo viên phải chịu sau những sai phạm của năm 2018.

Chúng tôi không khác gì những tội phạm buôn lậu ma túy, làm nhiệm vụ mà trải qua bao giám sát, thanh tra, camera, máy quét...Còn những người kiểm tra lại đánh đồng giáo viên với tội phạm chẳng có chút liêm sỉ nào.

Gian lận thi cử năm 2018 từ đâu? Sai sót từ giáo viên trực tiếp chấm thi ư? Chẳng phải gian lận từ những cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Sơn La, thế tại sao lại đối xử với thầy cô chấm thi và làm công tác kiểm tra thi như vậy? Phải chăng đây là thất bại từ nền giáo dục để xảy ra gian lận? ". 

Gặp gỡ nữ sinh Thái Lan tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Xuất sắc giành điểm 10 cho bài khóa luận, cô nữ sinh người Thái Lalitpat Kerdkrung trở thành thủ khoa tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và...
Theo Hoàng Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia