Xuất sắc giành điểm 10 cho bài khóa luận, cô nữ sinh người Thái Lalitpat Kerdkrung trở thành thủ khoa tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vừa qua, thông tin cô nàng người Thái Lan Lalitpat Kerdkrung (SN1995) hoàn thành chương trình học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm xuất sắc khiến nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Với 10 điểm khóa luận, 3.92/4 điểm tổng kết, Lalitpat Kerdkrung là người nước ngoài đầu tiên trở thành thủ khoa tại ngôi trường danh tiếng này.
Liên hệ với cô nàng Lalitpat (tên Tiếng Việt là Trang), cô cho hay, sau khi biết mình là thủ khoa, cô vẫn chưa hết ngỡ ngàng, càng bất ngờ hơn nữa khi có không dưới 10 trang báo đã liên lạc xin phỏng vấn.
"Thật ra mình vô cùng bất ngờ vì không hề biết trước về chuyện này. Đến lúc thầy nói chúc mừng trên sân khấu thì mình mới biết bản thân là thủ khoa đầu ra của trường. Đây có thể coi như là một món quà bất ngờ cũng như vinh dự đối với mình. Với tư cách là sinh viên nước ngoài học tập bằng tiếng Việt, mình cảm thấy sự nỗ lực trong suốt 4 năm qua đã có được thành công khá lớn", Lalitpat Kerdkrung chia sẻ.
Lalitpat Kerdkrung - người nước ngoài đầu tiên đoạt danh hiệu thủ khoa tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.
Ấn tượng với bề dày lịch sử của Việt Nam trong những năm học cấp 3 ở Thái Lan, Lalitpat ao ước được đến và tìm hiểu nhiều hơn về mảnh đất này. Cô quyết định thi học bổng chính phủ Thái Lan và đã xuất sắc giành được học bổng qua Việt Nam du học.
Sau khi tìm hiểu loạt trường đại học ở Việt Nam để ghi danh, cô đã lựa chọn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: "Để tìm hiểu thêm về con người và đất nước Việt Nam, mình quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Với danh hiệu nổi bật là một trong những trường đại học tốt nhất về việc nghiên cứu các ngành liên quan đến khoa học xã hội, mình lựa chọn nhân văn với mong muốn nơi đây sẽ cung cấp cho mình kiến thức bao quát về Việt Nam; tạo nhiều cơ hội để mình có thể giao tiếp cũng như tham gia các hoạt động cùng với sinh viên Việt Nam và nước ngoài".
Những ngày đầu đến Việt Nam, Lalitpat không tránh khỏi nỗi cô đơn khi phải làm quen với một nơi hoàn toàn xa lạ, chương trình học đều bằng Tiếng Việt khiến cô luôn phải kè kè cuốn từ điển. "Bên cạnh đó, tiếng lóng hoặc những từ viết tắt của giới trẻ cũng là một thách thức quan trọng đối với người nước ngoài học tiếng Việt như mình. Vì học tiếng Việt trong lớp cũng không thể có kiến thức đầy đủ để sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống thực tế", Lalitpat tâm sự.
Ấn tượng với bề dày lịch sử của Việt Nam trong những năm học cấp 3 ở Thái Lan, Lalitpat ao ước được đến và tìm hiểu nhiều hơn về mảnh đất này.
Để hòa nhập được với môi trường mới và hoàn thành chương trình học, Lalitpat chia sẻ: "Mình bắt đầu mở lòng rồi đi tiếp xúc với người xung quanh nhiều hơn, nói chuyện rồi trao đổi ý kiến về các vấn đề với người Việt".
Trước khi đến Việt Nam, Lalitpat không thể tưởng tượng ra được đây là một đất nước như thế nào. Cô chỉ biết cơ sở vật chất, phương tiện giao thông ở đây chưa thuận lợi như quê hương Thái Lan của cô. Tuy nhiên, sau 4 năm học ở đây, Việt Nam trong cái nhìn của Lalitpat đã có rất nhiều thay đổi.
"Về mặt cuộc sống và tâm linh, Việt Nam gây ấn tượng sâu sắc cho mình hơn bất kỳ nơi đâu mình đã từng sinh sống. Việt Nam đưa mình tới một cuộc sống chậm hơn, thoát khỏi những ngày vất vả, vội vàng của cuộc sống trong thành phố lớn. Có thể nói rằng mình thích sống ở Hà Nội hơn là Bangkok và nếu có cơ hội ở lại mình vẫn muốn tiếp tục sinh sống và làm việc tại đây", cô chia sẻ.
Cô nàng thích sống ở Hà Nội hơn là Bangkok và nếu có cơ hội ở lại vẫn muốn tiếp tục sinh sống và làm việc tại đây.
Về dự định trong tương lai, cô nữ sinh cho biết, tháng 9 tới cô sẽ tiếp tục học cao học tại nước Anh và một năm sau nữa cô sẽ về làm việc tại Bộ Ngoại giao Thái Lan. "Trong tương lai, nếu có thể lựa chọn nơi làm việc thì mình cũng có mong muốn được quay lại làm việc ở Việt Nam", Lalitpat khẳng định.