Trong lúc ngồi chơi cùng bà và mẹ, cháu bé 10 tháng tuổi chẳng may nuốt phải kim băng.
Được biết, cách đây 2 tuần, bé Lê Anh Thơ, ở Xuân Lộc, Hà Tĩnh chẳng may nuốt phải chiếc kim băng của bà làm rơi. Ngay lập tức, mẹ bé ngồi cạnh đó đã dùng tay móc miệng để lấy chiếc kim băng. Tuy nhiên do quá hoảng sợ, bé Anh Thơ khóc thét lên và nuốt chiếc kim băng vào trong bụng. Người nhà đã cố làm cho bé ho và nôn với hi vọng dị vật sẽ bắn ra ngoài nhưng bé không ho và nôn được.
Bé được đưa đến khoa Tai mũi họng, BV tỉnh rồi chuyển thẳng ra BV Nhi trung ương. Tại đây, kết quả chụp X-quang ngực thẳng và nghiêng cho thấy, chiếc kim băng nằm trong đường thở, tận phế quản gốc trái. Kim băng mở, đầu nhọn quay lên trên và vào trong.
Các bác sĩ quyết định nội soi phế quản lấy dị vật cho bệnh nhi. ThS -BS Lê Thanh Chương, Khoa Hô hấp, BV Nhi trung ương, người trực tiếp thực hiện cho biết, bệnh nhi được gây mê toàn thân, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Kiểm tra đường thở bằng ống soi mềm thấy kim băng mở nằm ở phế quản gốc trái, đầu nhọn quay lên trên và ngập sâu vào niêm mạc phế quản .
Kết quả chụp Xquang cho thấy chiếc kim băng mở trong phế quản của bệnh nhi
Theo BS Chương, khó khăn lớn nhất của ca bệnh này là đầu kim băng nhọn mở, lại quay lên trên, quá trình lấy dị vật kim băng mở dễ đâm thủng thành phế quản gây tràn khí trung thất hoặc chọc vào tim, mạch máu lớn, trẻ có thể tử vong ngay. Ban đầu các bác sĩ đã dùng ống soi cứng, kìm lấy dị vật chuyên dụng dưới sự dẫn đường của camera nhưng không thể lấy dị vật ra an toàn.
Do đó, các bác sĩ nội soi quyết định đẩy kim xuống sâu hơn, dùng các cấu trúc giải phẫu của phế quản làm điểm tì để bẻ thẳng kim băng. Kiên nhẫn từng mi-li-mét, cuối cùng kim băng cũng được bẻ thẳng hơn, đầu nhọn quay xuống dưới và được lấy ra khỏi đường thở của trẻ. Soi kiểm tra lại bằng ống mềm thấy đường thở chỉ bị tổn thương rất nhẹ. Trẻ được thoát mê và tự thở tốt.
Kết quả chụp Xquang sau khi bác sĩ lấy kim băng ra khỏi phế quản
Sau 2 giờ, ca nội soi phế quản lấy kim băng đã thành công tốt đẹp, tránh cho trẻ được một cuộc mổ mở ngực lấy dị vật. Ngay ngày hôm sau bé Anh Thơ đã có thẻ ăn chơi bình thường, không khó thở. Kết quả chụp Xquang phổi bình thường, bé được ra viện.
Các bác sĩ cảnh báo, trẻ nuốt phải kim băng không phải trường hợp hiếm gặp vì kim băng là vật dụng quen thuộc không thể thiếu trong chăm sóc trẻ em. Các bà mẹ thường dùng kim băng để ghim tã, đeo bùa, gài yếm, áo, khăn quấn… cho trẻ. Trẻ nuốt kim băng thường do tính thích khám phá xung quanh, khi tìm thấy hay nhặt được đồ vật nhỏ, chúng thích cho ngay vào miệng.
Với những trường hợp nhẹ, chỉ có thể nhận biết được trẻ đã nuốt kim băng khi nó thải ra ngoài an toàn qua đường tiêu hóa. Nếu trẻ nuốt phải chiếc kim băng mở bung, dễ có nguy cơ ghim băng đâm vướng ở họng, thực quản, dạ dày và bị kẹt lại gây nghẹt thở hoặc làm loét, trầy trợt, thậm chí gây thủng ở ống tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, người lớn không nên để kim băng cũng như các đồ vật nhỏ, nhọn, sắc trong tầm với của trẻ.