Chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân ở xã La Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai phải liều mình đu cáp treo tự chế vượt suối Đôi mỗi ngày, ắt sẽ không ít người phải kinh sợ. Có lẽ quá nguy hiểm nên rất nhiều phụ huynh nơi đây không cho con đến trường.
Hàng trăm hộ dân kể trên thuộc các làng Mook Trang, Mook Trê, Mook Đen và công nhân của các đội 15, 17, 18 thuộc Công ty 72 (Binh đoàn 15).
Sợi dây cáp dài khoảng 50 mét, buộc vào thân cây hai bên suối. Trên dây cáp có hai chiếc ròng rọc nối với khung sắt có chiều dài 1,2 mét, rộng 60 cm để làm chỗ ngồi. Mỗi lần đi, cáp treo có thể chở tối đa được 3 người lớn. Được người dân hùn lại 5 triệu đồng để "thi công".
Bà Hồng Thị Anh (54 tuổi) một người dân địa phương cho biết, trước đây vẫn thường lội qua suối để đến trung tâm xã, nhưng mùa mưa nước lớn không dám lội, muốn mua thức ăn phải gọi điện nhờ người bên kia suối mua giúp sau đó cho vào túi ném sang.
Để rồi giờ đây có cáp treo bà Anh cũng... không dám đi. Bởi theo bà Anh, đã có không ít những vụ đi cáp treo qua suối gặp tai nạn. "Cách đây không lâu, cháu Trần Văn Sang (16 tuổi) khi đu cáp qua suối không may bị trượt chân ngã gãy chân" - bà Anh chia sẻ.
Ông Trần Văn Duy (67 tuổi, đội 15) có 5 ha rẫy bên kia suối nên ngày nào hai vợ chồng ông cũng phải đu cáp treo qua suối để đi làm. "Lắm hôm tôi bị ốm bà nhà tôi phải đi làm một mình, nghĩ đến việc bà ấy đu qua suối nên tôi không yên tâm nên gắng dậy đưa bà qua suối đến khi về rồi lại đi đón" - ông Duy than thở.
Hàng ngày hàng trăm lượt người, có cả trẻ em đu cáp treo tự chế qua suối - nhìn hết sức nguy hiểm.
Còn theo chia sẻ của anh Trần Phương Nam (29 tuổi, quê Cà Mau) giờ đây ngày nào anh cũng phải sống trong sợ hãi khi mỗi ngày anh phải đu cáp treo ít nhất 2 lần qua suối để đi làm thuê.
Tuy nhiên, anh Nam cũng cho rằng, đi cáp treo tự chế dẫu có sợ nhưng cũng không sợ bằng vượt suối đi làm, đi chợ.
"Cách đây khoảng 4 năm, chưa có dây cáp treo này nên vợ tôi lúc đó mới 23 tuổi phải lội qua suối để đi mua thức ăn. Khi về không may bị trượt chân ngã xuống suối phải 4 ngày sau mới tìm thấy xác. Nếu có cầu vợ tôi đâu có chết", anh Nam, bức xúc kể lại.Qua suối chỉ có các đu cáp treo hoặc lội nước
Qua suối chỉ có cách đu cáp treo hoặc lội nước
Người dân phải đu cáp treo qua suối để đi làm, đi chợ
Cũng vì đi lại khó khăn nên hàng chục trẻ em đang độ tuổi đi học phải nghỉ học ở nhà.
Bà Hồng Thị Anh cho biết, cả xóm ngụ cư có khoảng 25 trẻ em đang ở độ tuổi đi học nhưng chỉ có 1 em học lớp 2 là được tới lớp. "Cả xóm này trẻ em nghỉ học hết vì từ quê Cà Mau lên trú ngụ không có giấy tờ, hơn nữa đi lại quá khó khăn, nguy hiểm nên đành để chúng ở nhà cho mù chữ. Chỉ có con bé học lớp 2 là gửi nhà người quen nên mới được tới trường".
Đi lại khó khăn, nguy hiểm nên hàng chục trẻ em đang ở tuổi đi học không được cha mẹ cho đến trường
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chủ tịch UBND xã La Dom cho biết có 16 hộ dân quê Cà Mau và Thanh Hóa sinh sống ở bên kia suối. Bên cạnh đó có hàng trăm hộ dân có đất canh tác bên kia suối nên hàng ngày có hàng trăm lượt người đu cáp treo qua suối Đôi để đi làm. UBND xã biết việc đu cáp treo qua sông là rất nguy hiểm nhưng hiện vẫn chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng cầu cho bà con đi lại an toàn.