Hàng chục hộ dân tại Mai Châu (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) đang hàng ngày đu dây cáp qua sông để đi làm.
Có mặt tại thôn Mai Châu (Đông Anh, Hà Nội) vào thời điểm sáng sớm, một số người dân có mặt để chuẩn bị "đu cáp" sang phía bên kia sông Hồng làm vườn. Việc "làm xiếc" qua sông này đã tồn tại khoảng hơn một năm nay.
Ông Hải (Đại Mạch, Đông Anh) cho biết, ông là một trong những người đầu tiên sáng tạo ra cách dùng cáp treo sang sông. Những năm trước đây, mỗi khi mùa lũ về, ông cùng bà con trong thôn rất vất vả vận chuyển phân bón cũng như các sản phẩm sau khi thu hoạch từ phía bên kia bờ sông về. “Sau nhiều lần đi du lịch, thấy người ta sử dụng cáp treo để vận chuyển người và đồ đạc. Về nhà tôi bàn cùng một số bà con sáng tạo ra cáp treo băng qua sông. Cả thôn này có 3 chiếc. Mỗi chiếc trị giá khoảng 20 triệu đồng", ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết, thời gian đầu chỉ dùng cáp treo với mục đích vận chuyển hàng hóa, lương thực. Nhưng tới mùa lũ về, nước chảy xiết, chứng kiến có nhiều thuyền bị lật nên cáp treo có thêm chức năng vận chuyển người. "Thời gian đầu, nhìn chiếc cáp treo chênh vênh lại không có chỗ bám, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng sau một thời gian đi quen, họ bỏ hẳn thuyền và qua sông bằng cáp treo", ông Hải cho biết thêm.
Cả thôn có ba chiếc cáp treo đều do người dân tự bỏ tiền làm và cùng nhau sử dụng. Nhiều người dân không ở trong thôn nhưng có đất canh tác tại bãi giữa cũng được cho mượn cáp treo để sử dụng. Ông Dưa, một trong những hộ cũng có "cổ phần" sử dụng cáp treo chia sẻ, mỗi ngày ông và bà xã phải sử dụng cáp treo ít nhất 2 lượt đi, về để sang sông thăm vườn và làm cỏ. "Nếu trước đây qua sông mất từ 10 - 15 phút thì giờ mất khoảng 1 phút là sang đến nơi. Muốn "tiếp đất" an toàn thì khi cáp treo gần vào tới bờ, người ngồi phải co chân lên nếu không muốn bị đập chân xuống nền đất. Vì lúc đó vận tốc của cáp treo là lớn nhất", ông Dưa chia sẻ bí quyết qua sông an toàn.
Từ khi có cáp treo, người dân bỏ hẳn thuyền. Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc, liệu qua sông thế này có bớt nguy hiểm hơn đi thuyền, chị Tâm (43 tuổi), tâm sự, chị đã có một lần "chết hụt" khi sử dụng cáp treo. Lần đó, cũng đang mùa lũ, chị qua sông bằng cáp treo đi làm vườn. Đến giữa sông, dây cáp bị chùng xuống, cả người và ghế ngồi đều chìm xuống nước. "Tôi chỉ biết bám chắc vào sợi dây cáp vì lúc đó lùi không được mà tiến cũng không xong. Chồng tôi phải chạy đi gọi thêm 5 thanh niên khỏe mạnh và sử dụng hết công suất máy kéo tôi vào bờ. Giờ nghĩ tới tôi lại thấy sợ vì tôi không biết bơi, nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chịu, đi dần rồi cũng bớt sợ", chị Tâm chia sẻ.
Hàng ngày, người dân thôn Mai Châu (Đông Anh, Hà Nội) qua sông bằng cáp treo để đi làm.
Có cáp treo, thuyền bè gần như "tuyệt chủng".
"Đối tượng" vận chuyển chủ yếu là hàng hóa, phân bón...
... nông sản sau khi được thu hoạch...
và cả người.
Mỗi khi thu hoạch, sẽ có một người đứng bên kia sông để vận chuyển hàng lên cáp treo và một người phía bên này sông mang hàng vào bờ.
Phương tiện di chuyển trên bãi của người dân chủ yếu là xe máy.
Cáp treo có cấu tạo đơn giản, chỉ cần một chiếc máy tự chế...
... và chiếc ròng rọc để vận chuyển là có thể qua sông dễ dàng.
Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là xăng...
... và khi khởi động phải dùng chân đạp...
... tay phải vít ga không khác gì xe máy.