Những người khuyết tật nhún nhảy, lắc lư theo điệu nhạc sôi động trên xe lăn. Những giọt mồ hôi rơi dài trên má, áo ướt đẫm nhưng không một ai có ý định dừng lại…
Trong khoảng thời gian dài, người khuyết tật ở TP.HCM đã quá quen thuộc với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển Đời Rất Đẹp – DRD (quận 10, TP.HCM). Trung tâm nằm lẩn khuất trong một con hẻm nhỏ của đường Hòa Hưng. Mới đây, trung tâm này lại được người khuyết tật đặc biệt chú ý với lớp học dance sport cho những người đang ngồi trên xe lăn.
Giấc mơ nhảy, khiêu vũ của người khuyết tật không còn xa vời
Từ trước đến nay, các vũ điệu chỉ dành cho người lành lặn. Thế nhưng, hiện nay, các bạn bị khuyết tật có ước mơ nhảy múa vẫn có thể thực hiện được ước mơ. Bên cạnh đó, trung tâm đang hy vọng mở rộng lớp học dạy nhảy này để tạo sân chơi, đồng thời giúp các bạn khuyết tật tốt hơn trong cách bảo vệ sức khỏe của mình.
Dưới ánh đèn mờ ảo, thiếu sáng, hơn 20 bạn trẻ khuyết tật dập dình theo tiếng nhạc từ chiếc catset đã cũ. Dường như, ai cũng nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt hấp háy. Những cánh tay nâng lên, hạ xuống, thân thể uốn éo trên chiếc xe lăn khiến không ít người lành lặn phải bất ngờ. Điều tưởng chừng chỉ có trong mơ nay đã thành hiện thực, người khuyết tật vẫn có thể khiêu vũ.
Các bạn khuyết tật nhún nhảy theo điệu nhạc sôi động
Được biết, tất cả những bạn đến với lớp học nhảy này đều có công việc gắn với máy tính hoặc công việc bằng tay như đan lát, may, thêu thùa… Thời gian ngồi lâu, khiến sóng lưng khá mệt mỏi. Chính vì vậy, những động tác tay, vai, cổ, lưng, hông giúp cơ thể uốn dẻo khiến các bạn cảm thấy đỡ mỏi hơn.
Đến với lớp học nhảy, bạn nào chân quá yếu thì ngồi xe lăn. Bạn nào chân có thể nẹp lại di chuyển được nhưng khá khó khăn thì có thể ngồi trên ghế nhựa. Cứ thế, họ nhún nhảy, lắc lư theo điệu nhạc sôi động. Những giọt mồ hôi rơi dài trên má, áo ướt đẫm nhưng không một ai có ý định dừng lại… Giờ giải lao, các bạn lại chia nhau ly nước đá để thỏa cơn khát. Chân tật nguyền nhưng tâm hồn họ đang độ xuân sắc.
Chị Vũ Thị Kim Thủy (ngụ quận 8) cho biết, đôi chân không thể hoạt động từ lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, chị cố gắng tập luyện và nay đôi chân nẹp cẩn thận vẫn có thể tự di chuyển dù chậm chạp. Tuy nhiên, khi biết lớp học nhảy mới mở, chị cũng đến tham gia với hy vọng tìm được nguồn vui sống.
Cả lớp hào hứng tập theo thầy giáo
Chị Khuất Như Quỳnh chia sẻ: “Người khuyết tật thường chịu nhiều thiệt thòi đối với những người bình thường. Từ trước đến nay, khi nhìn thấy mọi người nhảy, tôi rất thích. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ có thể nhảy khi ngồi trên xe lăn. Thế nhưng, khi hay tin có lớp dạy cho người khuyết tật, tôi đã đăng ký tham gia. Dù lớp chỉ mới hoạt động được hai buổi, nhưng tôi đã cảm thấy thích thú”. Bên cạnh đó, chị khẳng định tham gia lớp học nhảy này lâu dài và nếu có cuộc thi nào tổ chức thì chắc chắn sẽ tham gia.
Chi Lê Anh Thư (quận Phú Nhuận) cho biết, từ trước đến nay chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có thể nhảy hay khiêu vũ. Chị luôn cảm thấy mặc cảm với đôi chân tật nguyền. Thế nhưng, bây giờ, khi lớp học được mở. Với các động tác từ giáo viên dạy, chị đã có thể hòa mình với những điệu nhảy.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tùng (quận 7) lại cho hay, thời gian trước, có xem trên mạng các clip về người khuyết tật khiêu vũ. Là người yêu âm nhạc, anh cũng nung nấu ý định được học nhảy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, niềm mơ ấy chưa bao giờ có người nào chấp cánh. Do đó, khi lớp học mở ra, anh đã có thể tiếp cận, thỏa mãn niềm mong mỏi của mình.
Dù mệt nhưng những nụ cười vẫn luôn hiện hữu
Phó giám đốc trung tâm, chị Lưu Ánh Loan cười tươi cho biết, bị khuyết tật suốt 12 năm nên nắm bắt khá rõ tâm lý của những người cùng cảnh ngộ. Hiện nay, sân chơi dành cho người khuyết tật khá ít, nên khi thầy Đinh Thanh Hiếu đến đặt vấn đề mở lớp dạy nhảy dành cho người khuyết tật liền gật đầu đồng ý. Sau khi lấy ý kiến của các bạn, lớp học này đã được mở.
Chị Loan hy vọng, lớp học nhảy, khiêu vũ sẽ là hoạt động tích cực nhằm nâng cao tinh thần, sức khỏe cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, lớp học sẽ là sự mở đầu cho các bạn khuyết tật vượt qua rào cản để hòa nhập cộng đồng.