Kỳ thi THPT quốc gia: Thầy cô “bình” đề thi mẫu của Bộ GDĐT

Ngày 02/04/2015 20:47 PM (GMT+7)

Các thầy cô giáo từng bộ môn đã có những đánh giá, nhận định và góp ý với những đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 vừa được Bộ GDĐT giới thiệu tới các thí sinh ngày 31/3.

Về đề thi minh họa môn Toán, thầy Lê Anh Tuấn (giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) đánh giá đề thi đảm bảo phân loại thí sinh với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH bằng 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, đề thi đã chia nhỏ thành 10 câu với 12 ý, hướng đến mở rộng cơ hội học sinh gia tăng điểm số, đặc biệt là với học sinh có mục tiêu đỗ tốt nghiệp. Cùng đó, đề thi phân hóa thành 4 mức độ: dễ, trung bình, khó và cực khó.

Kỳ thi THPT quốc gia: Thầy cô “bình” đề thi mẫu của Bộ GDĐT - 1

“Những câu hỏi ở mức độ cực khó, khó bao gồm bất đẳng thức, giá trị lớn nhất-giá trị nhỏ nhất và Hình giải tích phẳng (Hệ tọa độ Oxy). Trong đó, câu 10 (Bất đẳng thức, Gía trị nhỏ nhất - Giá trị lớn nhất) có mức độ khó hơn các năm trước, học sinh có thể dễ dàng nhận diện được phương pháp làm nhưng lại rất khó trong quá trình giải.

Đặc biệt, câu hỏi Giải tích phẳng với sự xuất hiện kiến thức đường tròn bàng tiếp (hiếm khi xuất hiện trong đề thi 5 năm gần đây) chứng tỏ kiến thức trong đề thi sẽ rất rộng và lạ.

Những câu hỏi ở mức độ trung bình – khó bao gồm câu hỏi Câu 9 (xác suất thống kê), Câu 4 (Bất phương trình), Câu 6 (Hình học không gian). Những câu hỏi này tương tự như đề thi năm trước. Những câu hỏi còn lại ở mức độ dễ, giúp học sinh dễ dàng lấy điểm”, thầy Tuấn phân tích.

Theo thầy Tuấn, đảm bảo phân loại học sinh với đề thi rộng, lạ, đồng thời với việc gia tăng số lượng câu hỏi dễ là việc gia tăng mức độ câu hỏi khó. Vì thế, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 đến 6,5 điểm.

Còn môn Vật Lý, thầy Đỗ Ngọc Hà (Trung tâm Học Mãi) đánh giá về mặt cấu trúc vẫn giữ nguyên như đề thi ĐH năm 2014, nội dung kiến thức chủ yếu thuộc chương trình THPT Vật lí 12. Đề thi quét toàn bộ các phần: Dao động cơ, Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều; Dao động điện từ; Sóng ánh sáng; Lượng tử ánh sáng; Hạt nhân nguyên tử và có thêm một phần Thí nghiệm Vật lí và thực hành ứng dụng.

“Về nội dung, các câu lí thuyết đa phần là các câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần nhớ kiến thức trong SGK là có thể làm được. Các câu hỏi ở mức độ trung bình chủ yếu là áp dụng những công thức đơn giản hoặc chỉ qua một, hai bước biến đổi là có kết quả.

Trong đề thi có khoảng 34% câu khó, đặc biệt có 5 câu cực khó dành cho học sinh giỏi. Còn 12 câu còn lại, học sinh khá học tốt các dạng bài tính toán đã từng xuất hiện trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước sẽ làm được. Các câu cực khó thuộc các chuyên đề như Dao động cơ học 1 câu, Sóng cơ học 2 câu, Điện xoay chiều 2 câu, Dao động điện từ 1 câu. Các chuyên đề lượng tử ánh sáng và Sóng ánh sáng hầu như không có câu hỏi khó.

Đối với môn Hóa học, theo thầy Vũ Khắc Ngọc (trung tâm Học Mãi), xét về tổng thể cấu trúc, đề thi tương tự đề thi khối A năm 2014. Trong đó, số lượng câu hỏi dễ tăng lên, song số lượng câu hỏi khó, cực khó cũng tăng lên. Thậm chí, có những câu hỏi khó hơn câu khó nhất trong đề thi khối B 2014 (Ví dụ: câu 25, 43, 21, 49…).

Từ đó, thầy Ngọc đánh giá, đề thi mở rộng cơ hội đỗ tốt nghiệp cho học sinh với khoảng điểm từ 4 – 5 điểm. Tuy nhiên, rất khó để đạt điểm 9, 10 bởi đề thi không chỉ đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức mà cần có khả năng tổng hợp, biết cách vận dụng kiến thức.

Ngoài ra, thầy Ngọc còn chỉ ra những điểm chưa hợp lý của đề thi: “Hầu hết các câu hỏi lí thuyết đều dễ, rất dễ, một vài câu còn trùng lặp về ý tưởng. Câu hỏi bài tập hầu như đều rất khó. Số lượng câu hỏi bài tập liên hệ thực tiễn hơi nhiều và đơn điệu, ví dụ như các câu 13, câu 2, câu 34.

Một số nội dung kiến thức quan trọng còn chưa được đề cập trong đề thi. Đề thi hầu như tập trung vào một số dạng câu hỏi lí thuyết và bài tập nhất định trong đề thi. Mặc dù đã phân loại được nhóm thí sinh trung bình và giỏi, tuy nhiên, rất khó để phân loại thí sinh ở phổ điểm từ 6 đến 8 điểm”

Với môn Ngữ Văn, thầy Phạm Hữu Cường (Trung tâm Học Mãi) cho rằng, đề thi minh họa của Bộ GDĐT đảm bảo phân loại thí sinh với sự thay đổi lớn về cấu trúc đề thi, thang điểm. Cụ thể, số lượng và tỉ trọng điểm câu hỏi nhận biết, thông hiểu tăng lên so với 5 năm trước đây, câu Đọc – hiểu chiếm đến 3 điểm với 8 ý nhỏ trong đề thi. Theo thầy Cường, đây chính là cơ hội để học sinh dễ dàng có được 2,5 đến 3 điểm.

“Câu hỏi Nghị luận xã hội vẫn chiếm 3 điểm trong đề thi, tuy nhiên, trong đề minh họa, vấn đề được đưa ra là một vấn đề tổng hợp (về nghề nghiệp) chứ không cụ thể là nghị luận về tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống…  Mặc dù giữ nguyên tỉ trọng điểm, nhưng những sự thay đổi này giúp phân loại thí sinh với yêu cầu cao hơn trong vấn đề nghị luận, đòi hỏi học sinh cần tổng hợp, tư duy và bày tỏ quan điểm cá nhân rõ nét”, thầy Cường nói.

Cùng đó, thầy Cường cho hay, câu hỏi Nghị luận văn học chiếm 4 điểm thay vì 5 điểm như 5 năm gần đây tuy nhiên, yêu cầu trong đề thi không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, dù đề thi minh họa giới hạn trong 2 tác phẩm thơ nhưng đề thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể ra với thể loại khác với những yêu cầu khác.

Đề thi minh họa môn Tiếng Anh, theo cô giáo Nguyệt Ca (Trung tâm Học Mãi), có sự thay đổi về cấu trúc và nội dung đề thi. Cụ thể, về cấu trúc, đề thi mẫu gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận thay vì hoàn toàn trắc nghiệm như 5 năm gần đây.

Phần trắc nghiệm: gồm 6 dạng bài trắc nghiệm (Ngữ âm, Ngữ pháp tổng hợp, Tìm từ đồng nghĩa, Phát hiện lỗi sai, Đọc hiểu, Điền từ) đòi hỏi các kĩ năng như Kĩ năng viết, Kĩ năng đọc, Cách sử dụng từ/cụm từ, Chức năng giao tiếp… Phần tự luận bao gồm 1 bài viết lại câu và 1 bài viết đoạn văn. Phần thi này yêu cầu học sinh phải có các kĩ năng tổng hợp về ngữ pháp-từ vựng và kĩ năng viết cơ bản.

Về nội dung, theo cô Nguyệt Ca đề thi minh họa đảm bảo tính phân hóa cao bởi có thêm phần thi tự luận và tỉ lệ độ khó các câu hỏi có thể sẽ là: 20% dễ, 40% trung bình và 40% khó.

Câu hỏi dễ và trung bình có kiến thức thuộc các Chuyên đề: Ngữ âm, Ngữ pháp, Chức năng giao tiếp. Ngoài ra, đề thi yêu cầu học sinh có khả năng vận dụng các cấu trúc ngữ pháp cơ bản (Mệnh đề, Câu) để làm bài Viết lại câu và Viết đoạn văn trong phần thi Tự luận.

Câu hỏi khó có kiến thức thuộc các Chuyên đề ngữ pháp và từ vựng nâng cao (Đảo ngữ, Phrasal verbs, Idioms….) và kĩ năng Đọc - hiểu. Đồng thời, phần thi tự luận yêu cầu học sinh vận dụng nhuần nhuyễn kĩ năng Viết câu và viết đoạn văn.

Theo Thanh Hùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan