Đã vài ngày trôi qua, ký ức hãi hùng giờ phút bị dân phòng giữ xe, còng tay đưa về trụ sở phường khi đang bán rau củ tại một khu chợ tạm ở chung cư 304 đường D1 (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn ám ảnh anh Trịnh Xuân Tình (SN 1979, thường trú tại Yên Định, Thanh Hóa, tạm trú ở Dĩ An, Bình Dương).
Trong căn phòng ẩm thấp, chật hẹp ở khu nhà trọ giá rẻ dành cho dân nhập cư trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, anh Tình cố ngồi gượng dậy tiếp chuyện khi biết có người đến thăm.
Ký ức kinh hoàng
Nhắc đến giây phút kinh hoàng đó, anh Tình khẽ rùng mình kể lại: "Khoảng 16h ngày 6/12/2013, sau khi chạy hết các "mối ruột" mà vẫn chưa bán hết hàng tôi đành phải vòng lên khu chợ tạm Văn Thánh bán tiếp. Đứng chừng 5 phút thì tôi nghe tiếng bạn hàng la có dân phòng tới, rồi mạnh ai nấy chạy. Kẻ bày hàng ra đường thì lôi tuột vào trong nhà, người có xe thì nổ ga bỏ chạy, vì không quen địa thế, theo quán tính tôi quay đầu xe chạy bừa ra hướng đường chính. Chạy chừng 10m thì gặp tổ trật tự, họ chặn phía trước giữ đầu xe lại. Trong thời khắc ấy trong đầu tôi chỉ có ý nghĩ duy nhất, "thế là công sức lao động cả một ngày coi như đổ sông đổ biển mất rồi". Tuy nhiên họ không có ý phạt tiền như thường thấy mà lập biên bản thu giữ xe và mời tôi về trụ sở phường làm việc".
Anh Tình vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc vừa xảy ra với mình. Ảnh T.G.
Người bán hàng rong ngậm ngùi trần tình, hơn 10 năm cật lực lao động, nhịn ăn nhịn mặc hai vợ chồng mới mua được chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh. Vì vậy, khi nghe nói bị thu giữ thì rụng rời chân tay nên khi bị đội trật tự kéo xe đi anh chỉ biết níu xe lại van xin, trình bày hoàn cảnh. "Đó là "cần câu cơm" cho cả nhà, thử hỏi người khác nếu ở hoàn cảnh như vậy có níu giữ van xin hay không", anh Tình cay đắng nói.
Nạn nhân chia sẻ thêm: Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi chưa làm việc gì sai trái, chưa dính dáng đến cãi lộn chứ đừng nói "dính" đến công an chính quyền nên thấy bị còng tay sợ lắm. Tôi chẳng biết họ đưa mình đi đâu, làm gì nên rất hoảng loạn. Tôi không nhớ rõ bị đánh ra sao, nhưng nhớ mình kêu gào rất nhiều. Đến lúc mở mắt ra thấy đèn điện sáng trưng mà không biết mình đang ở đâu, đưa mắt nhìn xung quanh thấy có y tá, bác sĩ thì biết đang ở trong bệnh viện nhưng vẫn không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra. Đúng lúc đó một nữ y tá lại gần tôi liền níu lấy hỏi thì được trả lời là mình đang nằm trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Phải một lúc lâu sau tôi mới dần dần nhớ ra mọi chuyện, sau đó em trai và vợ cũng tìm tới bệnh viện kể lại toàn bộ sự việc diễn ra với mình.
Lê Thị Hoài Thương - vợ anh Tình (SN 1978, đang làm công nhân may mặc) cho biết: "Lúc đó tôi đang làm ở công ty thì nhận được tin. Tôi hoảng sợ không muốn làm việc nữa. Lập tức tôi một mình chạy lên bệnh viện để xem tình hình của chồng". Cũng theo chị Thương khi đến bệnh viện, chị thật sự bức xúc khi nghe bác sĩ nói "Người ta nói thấy anh ấy say rượu nằm ở ngoài đường nên thương tình mang vào".
"Trốn viện" vì sợ không có tiền đóng viện phí
Ngay sau khi biết lý do vì sao phải nằm viện, dù người vẫn đầy vết thâm tím, thân thể còn đau ê ẩm anh Tình vẫn nhất quyết đòi làm thủ tục xuất viện. Anh chia sẻ: "Mình không biết luật, chỉ biết bán hàng rong là sai, sai thì bị người ta đánh là đúng rồi. Bây giờ đã mất xe, mất hàng còn phải nằm viện thì lấy đâu ra tiền mà trả viện phí, thuốc men, rồi còn con ở nhà không ai đón, chi bằng chịu đau một chút về nhà nằm cho đỡ mất tiền. Cũng may mới truyền có một chai nước tôi đã tỉnh nên tiền viện phí, thuốc men chưa tới 200.000đ".
Khu chợ tạm Văn Thánh nơi xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận. Ảnh T.G.
Theo anh khi tỉnh dậy cũng không đau lắm, nhưng sáng hôm sau người như mất hết sức lực, đến nói chuyện cũng không thành lời, toàn thân thì đau buốt, nhất là phần mông đau đến nổi không nhấc chân lên được phải nằm một chỗ. Tuy nhiên, điều anh bức xúc nhất là chính quyền lại trả lời anh anh bị còng tay do say rượu, có hành vi chống người thi hành công vụ sau đó còn nhảy xuống đường nhằm ăn vạ, rồi bị trúng gió bất tỉnh chứ không có ai đánh đập.
Anh Tình khẳng định: "Việc họ chích roi điện vào tôi nhiều lần thì người dân kể lại chứ lúc đó tôi hoảng loạn không biết gì hết, nhưng nghe nói có clip ghi lại chuyện ấy. Cả chuyện tôi bị đánh là do níu xe van xin đội trật tự chứ không đánh trả người thi hành công vụ dân cũng chứng kiến hết. Mọi diễn biến vụ việc, em tôi có viết đơn tường trình cụ thể, nhiều người chứng kiến đã ký xác nhận vào đơn".
Anh Tình không phủ nhận việc mình uống rượu nhưng chỉ uống có 3 ly nhỏ trong lúc ăn cơm trưa và đó là thói quen hàng ngày của mình. Mặc dù tửu lượng khá nhưng anh chưa bao giờ uống nhiều đến mức say không làm chủ được mình, nhất là khi đi làm lại càng không có chuyện đó. Nói về việc "bỏ trốn" khỏi bệnh viện, anh Tình cho biết: "Khi đó bác sĩ kê đơn thuốc rồi bảo vợ tôi ra đóng tiền viện phí, tôi cứ tưởng như vậy là xong rồi, nên mới cùng vợ ra về, chứ tôi không bỏ trốn". Về đến nhà lúc nửa đêm, đến sáng hôm sau (7/12), anh Tình thấy đau nhói khắp người nên mới đến Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng (Dĩ An, Bình Dương) khám lại. Tại đây các bác sĩ cũng chẩn đoán anh bị chấn thương phần mềm. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trên người anh Tình có nhiều vết bầm tím, ở cổ tay có hai vết cứa mà theo anh đó là do vết cắt từ còng số 8.
Người dân bất bình
Sau khi sự việc xảy ra, anh Lê Văn Trường (em vợ anh Tình) đã có đơn tường trình toàn bộ sự việc anh Tình bị đánh đến cơ quan chức năng để mong muốn làm rõ. Những người dân chứng kiến sự việc cho biết, họ rất bức xúc trước cách hành xử "côn đồ" của một số cán bộ phường trong sự việc này và đã đứng tên ký xác nhận trong đơn với người nhà nạn nhân gửi đến chính quyền.
Tới hiện trường tìm hiểu về vụ việc để có cái nhìn khách quan hơn, phóng viên ghi nhận người dân ở đây đều rất bức xúc về sự việc trên. Bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1956, buôn bán khu chợ tạm) bức xúc: "Nghe nói anh này mới đến đây bán khoảng 2-3 hôm nay nên không quen đường chạy. Khi biết có đội trật tự xuống ai cũng chạy vào hẻm trốn còn anh ta lại quay trở ra đường lớn thế là bị dân phòng chặn lại giữ xe. Tôi ở gần đó thấy rất rõ, khi bị dân phòng dắt đi anh ta níu lại kể vì bán ế quá mới qua đây rồi van xin được nộp phạt liền bị 5-6 người lao vào đấm đá túi bụi rồi hô còng tay lại. Mấy người chạy vào can thì bị các cán bộ này chỉ tay dọa đánh phải lùi ra. Khi bị dân phòng lôi lên xe, kè gáy, bóp cổ anh Tình kêu khóc trườn xuống thì bị chích roi điện ngất xỉu. Mãi tới khi công an phường đến họ mới chịu dừng lại. Chuyện có sao tôi kể vậy, nên khi người nhà anh Tình viết đơn tường trình thấy đúng thì tôi ký ngay, dù chẳng quen biết gì cả".
Chị Chu Thị Thúy Hà (buôn bán) cũng có cùng nỗi bức xúc: "Khi anh Tình bị đánh, chích điện đến ngất xỉu nằm trên đường khá lâu vẫn không có dân phòng nào đến kiểm tra tình hình thế nào, một người dân đánh liều kêu taxi để chở nạn nhân đến bệnh viện thì một người mặc thường phục hất hàm hỏi người đó là gì, có phải người nhà không mà dám chở anh Tình đi bệnh viện khiến người chứng kiến la ầm lên phản ứng. Thấy thế, anh này mới rút chìa khóa mở chiếc còng tay ra cho xe taxi đến chở nạn nhân đi cấp cứu".
Anh N.X.M (SN1979, bán trái cây, bạn anh Tình) cho biết, xe hàng của nạn nhân không phải xe ba gác mà là xe máy có gắn một chiếc sọt sắt tròn ở phần yên dùng để chở hàng không phải xe ba gác như UBND phường nói. Thường thì anh Tình chỉ bán hàng dạo dọc các con hẻm ở quận 2, Phú Nhuận vì sợ bị thu xe nhưng ba hôm nay than hàng bán ế quá mới tranh thủ xuống chợ để xả hàng cho nhanh gỡ vốn.
Về khu chợ lấn chiếm lòng lề đường này bà Bích Liên cho biết thêm, khu "chợ tạm" dài khoảng 1km có từ khoảng 2 năm nay sau khi phá chọ Văn Thánh cũ để xây chợ Văn Thánh mới. Do khu chợ mới nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu buôn bán của người dân, lại không thuận tiện cho người mua nên chợ rất vắng, rất ít tiểu thương còn trụ lại, nhiều người phải treo biển cho thuê ki ốt. Chính vì không có nơi buôn bán nên họ phải lấn chiếm lòng lề đường để mưu sinh. Gần một năm trước, ban quản lý chợ đã họp người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường để được nghe nguyện vọng, yêu cầu của họ nhưng sau đó vẫn không thấy gì cả, nên việc lấn chiếm đường làm chợ vẫn cứ tiếp diễn mặc dầu ai cũng biết sai luật.
"Nạn nhân cố tình nằm ăn vạ và…. ngủ quên" Liên quan đến vụ việc một người bán hàng rong tố bị tổ dân phố vàcán bộ dân phòng đánh ngất xỉu, trả lời phóng viên báo GĐ&XH, lãnh đạo UBND phường 25 (Q. Bình Thạnh) lý giải hoàn toàn khác. Theo báo cáo và trả lời của UBND Phường 25 thì: Khoảng 17h ngày 06/12/2013, tổ trật tự đô thị và lực lượng bảo vệ dân phố kiểm tra, xử lý với số người mua bán lấn chiếm lòng lề đường tuyến D1, xung quanh chợ Văn Thánh cũ để lập lại trật tự mỹ quan đô thị. UBND Phường giao nhiệm vụ phân công cho tổ công tác gồm 06 nhân viên trật tự đô thị và 03 thành viên bảo vệ dân phố cùng phối hợp thực hiện. Khi tổ công tác xuống cư xá 304 trong phạm vi tuyến đường chợ Văn Thánh cũ thì phát hiện Anh Tình đang đứng bán ở lề đường gồm 01 xe máy kéo theo một xe thô sơ ba bánh tự chế bán rau củ quả ở lề đường. Lúc tổ công tác lập biên bản tạm giữ phương tiện và mời anh Tình về trụ sở Phường giải quyết thì anh Tỉnh nhảy vào đạp xe máy đổ ra đường, trong tình trạng đã uống rượu. Thấy vậy, tổ công tác yêu cầu anh Tình chấp hành về phường làm việc nhưng anh Tình vẫn không chịu còn dùng chân đá vào người của tổ công tác. Trước thái độ của anh Tình có hành vi chống người thi hành công vụ, tổ công tác có dùng công cụ hỗ trợ là còng số 8 để còng tay anh này lại không cho anh tấn công tổ công tác và đưa về phường làm việc. Tuy nhiên khi lên xe anh Tình nhảy xuống đất cố tình nằm vạ và có dấu hiệu trúng gió. Công an phường đã phối hợp kêu taxi đưa vào bệnh viên Nhân Dân Gia Định cấp cứu vào lúc 18h cùng ngày. Do tình trạng sức khỏe cả anh Tình có nhiều mùi rượu do đó khoa cấp cứu phải đợi anh này tỉnh rượu mới xác định được tình trạng cụ thể. Theo xác định ban đầu của khia cấp cứu, bệnh nhân Tình nhập viện lúc 18h, ra viện vào 20h30' cùng ngày, bị chấn thương phần mềm, bầm tím 02 cổ tay, vào viện trong tình trạng say mùi rượu.Hiện công an phường 25, quận Bình Thạnh đã tiếp nhận và lập hồ sơ ban đầu, tiến hành lấy lời khai của những người có liên quan, riêng anh Tình sau khi xuất viện về nhà luôn đến nay chưa làm việc được. |