Trong ký ức của Nhà báo Phạm Khắc Lãm (Nguyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đại tướng luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, không quát mắng bất cứ ai.
Nằm trong ngõ nhỏ trên phố Tràng Thi (Hà Nội), ngôi nhà của nhà báo Phạm Khắc Lãm vốn đã yên tĩnh thì mấy ngày nay lại thêm phần yên ắng. Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, cả gia đình ông xúc động nghẹn ngào, hòa trong nỗi đau của toàn dân tộc khi đất nước mất đi một con người huyền thoại, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử.
“Vĩnh biệt Anh…”
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhà báo Khắc Lãm vẫn nhớ như in những kỷ niệm và ký ức về 7 năm được sống bên cạnh Đại tướng trong những ngày kháng chiến ác liệt nhất. Trong căn phòng nhỏ, ông Lãm trân trọng treo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở những nơi trang trọng.
Dường như trong lòng nhà báo Phạm Khắc Lãm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một thủ trưởng, cấp trên mà còn là người thầy vĩ đại đã dìu dắt ông từ những ngày đầu tiên hoạt động Cách mạng.
Nhà báo Phạm Khắc Lãm nhìn lại những bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mỗi bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong gia đình ông Phạm Khắc Lãm đều gắn với một dịp quan trọng đó là lần gặp gỡ, mừng thọ… Tuy nhiên, để lại cho ông Lãm nhiều xúc động nhất là bức chân dung của Đại tướng do chính Người tặng năm 1954, khi ông được đơn vị cứ đi du học.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhà báo Phạm Khắc Lãm không giấu được sự xúc động. Đôi mắt ông ngấn lệ, giọng chùng xuống mỗi khi nhớ về hình ảnh Đại tướng. Thời gian đã trôi qua, tất cả đã là dĩ vãng nhưng dù làm việc ở cương vị nào thì những năm tháng được sống bên cạnh Đại tướng vẫn hết sức đáng nhớ với ông.
Ngồi trước những bức hình của Đại tướng, ông trầm ngâm một lúc và cho biết: “Dù biết sức khỏe của Đại tướng giảm sút song tin Đại tướng từ trần vẫn gây chấn động, đây là điều dễ hiểu với mọi người nói chung. Riêng tôi vô cùng thương tiếc anh Văn, vì đã có may mắn được nhiều năm làm việc tại Phòng Bí Thư - Văn phòng Bộ Quốc Phòng Tổng Tư Lệnh”, Nhà báo Khắc Lãm bày tỏ
Ngay trong buổi tối 4/10, khi vừa biết tin Đại tướng từ trần, biết bao kỷ niệm lại ùa về thúc đẩy ông viết bài thơ "Vĩnh biệt Anh". 4 dòng thơi với ý thơ ngắn đã gửi hộ tiếng lòng kính trọng tới Đại tướng.
Vĩnh biệt Anh, vị danh tướng huyền thoại
Vĩnh biệt Anh, người anh hùng thời đại
Anh ra đi mà vẫn còn ở lại
Đất nước này mãi mãi nhớ thương Anh.
Đặc biệt, kỷ vật được nhà báo Khắc Lãm giữ cẩn thận nhất phải kể đến cuốn album ảnh đã phai màu theo năm tháng. Cuốn album chỉ nhỉnh hơn bàn tay một chút nhưng trong đó có vô số những bức ảnh quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông còn lưu giữ được như hình ảnh anh Văn cưỡi ngựa bạch đi chiến dịch, thăm Trung đoàn pháo binh và nhiều bức ảnh khác… Mỗi bức ảnh nhỏ xíu, nước ảnh cũng không còn rõ, nhưng đối với Nhà báo Khắc Lãm đó là những "báu vật"
Đại tướng của nhân dân
Nhà báo Phạm Khắc Lãm có vinh dự được sống và làm việc củng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 17 tuổi. Trong khoảng thời gian từ 1947-1954, ông làm việc trong phòng Bí thư - Văn phòng Bộ Quốc Phòng Tổng tư lệnh. Nhiệm vụ của ông như một thư ký văn phòng hiện nay, bao gồm tiếp nhận công văn đi, công văn đến, chuẩn bị phòng họp, đưa đón khách...
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ giữa núi rừng Việt Bắc, nhà báo Khắc Lãm nhìn xa xăm. Trong trí nhớ của ông, hình ảnh chiếc lán ba gian vách nứa mái cọ, phòng họp ở giữa, một bên là phòng ở của Đại tướng và bên kia là phòng của Thư ký hiện về như mới hôm qua. Những bữa cơm đơn sơ và giản dị của Đại tướng đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ mãi.
Cuốn album nhỏ của nhà báo Phạm Khắc Lãm lưu giữ sau mấy chục năm
“Đại tướng - Tổng tư lệnh làm việc ngày đêm. Và những bữa ăn thì đạm bạc. Anh nuôi có bồi dưỡng thì cũng chỉ là cốc sữa nóng những hôm thức quá nửa đêm", nhà báo Khắc Lãm nhớ lại.
Đại tướng sống kỷ luật và rất ngăn nắp.. “Từ Đại tướng toát lên phong cách của người trí thức, vừa có đức vừa có tài, đức tài trọn vẹn”, nhà báo Phạm Khắc Lãm chia sẻ.
Hình ảnh nhà báo Phạm Khắc Lãm chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1998
Đại tướng luôn đối xử với những người cộng sự bình đẳng, hết lòng yêu thương. “Chúng tôi gọi Đại tướng là anh Văn. Đại tướng luôn giữ được sự bình tĩnh kể cả lúc khó khăn nhất, căng thẳng nhất. Đối với tôi, 7 năm làm việc tại phòng Bí thư là thời gian học tập, rèn luyện. Tôi may mắn được học tập người thầy là anh Văn và rèn luyện trong môi trường lý tưởng là quân đội”, nhà báo Phạm Khắc Lãm bày tỏ.
Con người của Đại tướng không chỉ có lo việc nước mà còn hết sức quan tâm đến chiến sĩ, những cộng sự bên cạnh, hỏi han sức khỏe, tình hình gia đình.
Dù bận trăm công ngàn việc nhưng chưa bao giờ thấy anh Văn nóng nảy, quát mắng ai. “Đó là một người lãnh đạo biết tự kiềm chế. Khi cấp dưới có sai sót gì, Đại tướng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo", nhà báo Khắc Lãm nói.
Khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (92 tuổi, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô) lại bùi ngùi nhớ về những ngày sau Cách mạng Tháng Tám. Khi chúng tôi tìm đến để nghe những chia sẻ của ông về Đại tướng, ông nói: “Đó là trách nhiệm của tôi với xã hội”. Qua lời kể của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, những ngày chiến đấu ác liệt hiện về như những thước phim quay chậm. Qua đó để thấy được vai trò quan trọng của người tổng chỉ huy – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều khiến vị Đại tá đã 92 tuổi này ngưỡng mộ đó là tinh thần tự học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không qua bất cứ một trường lớp quân sự nào mà Đại tướng đã lãnh đạo quân đội đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để lại sự kính trọng không chỉ có nhân dân Việt Nam mà còn cả thế giới. Trong lòng ông cũng có biết bao kỷ niệm nhưng nổi bật ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự gần gũi, chan hòa. “Khi đã nghỉ hưu là anh em chan hòa. Mỗi khi có dịp tới thăm, Đại tướng luôn luôn thăm hỏi gia đình, con cái, chuyện học hành và công việc của các cháu”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cho biết. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn nhớ những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhớ lại kỷ niệm sau khi đất nước đã giành được độc lập, thống nhất, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ: “Tôi tự hào có một lần được tắm biển cùng Đại tướng. Tắm xong Đại tướng trò chuyện rất thân mật, đó là sự gần gũi rất đời thường". Đại tướng đã dạy cho Đại tá sự kiên trì trong cuộc sống và công tác. Đại tá Nguyễn Văn Tưu (Nguyên chiến sỹ Đại đội 7 – Trung đoàn Thủ đô) nghẹn ngào khi biết tin Đại tướng từ trần. Ông không có cơ hội được gặp Đại tướng trong những năm tháng chiến đấu. Tuy nhiên, với ông và đồng đội, mệnh lệnh chiến đấu mà Đại tướng truyền xuống rất đanh thép, là sự cổ vũ để chiến đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Văn Tưu luôn lưu giữ những bức ảnh đến thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp Cách đây mấy năm, ông cũng được vào thăm ngôi nhà của Đại tướng ở số 30 phố Hoàng Diệu. Ấn tượng nhất với Đại tá Nguyễn Văn Tưu là ngôi nhà giản dị của Đại tướng. Theo ông Tưu, dù Đại tướng đã ra đi nhưng những cống hiến cho dân tộc, sự tài ba, trí tuệ,bản lĩnh và đạo đức sẽ còn vang vọng mãi. |