Kỹ xảo biến hóa của hàng xách tay

Ngày 15/04/2014 11:24 AM (GMT+7)

Với 3 nguồn chính là từ hàng mua gom, sale off và đồ trộm cắp, các sản phẩm xách tay từ nước ngoài sẽ được tuồn về Việt Nam với bao bì đã bóc, và hạn sử dụng nhập nhèm.

Đang có thai ở tháng thứ 4, chị Yên, nhà tại Hoàng Mai, Hà Nội không thể uống được các loại sữa bà bầu đang bày bán tại các siêu thị. Từ mách nước của một người bạn, chị đặt mua sản phẩm xách tay từ Nhật với giá 250.000 đồng/hộp 12 gói. Theo hướng dẫn của người bán, mỗi ngày, chị Yên uống 3 gói, tính ra số tiền chi cho sữa bầu mỗi tháng của chị là trên 1,5 triệu đồng.

Tuy giá đắt, nhưng bà mẹ trẻ cảm thấy hài lòng, bởi theo tìm hiểu, sữa này được bán nhiều ở Nhật, và người bán cam kết đây là hàng xách tay chuẩn. "Hộp sữa đến tay người dùng đều đã bóc vỏ, hạn dùng của gói sữa phía trong và ngoài hộp hầu như chẳng liên quan gì đến nhau, chênh vài ngày hoặc vài tháng. Nhưng như thế mới là hàng chuẩn, vì khi vận chuyển, người ta phải bóc vỏ riêng, ruột riêng để xách được nhiều. Thậm chí, nếu là hàng đóng gói chưa xé, khách hàng sẽ phải xem lại, vì chắc chắn là hàng giả".

Kỹ xảo biến hóa của hàng xách tay - 1

Những sản phẩm hàng xách tay dù sắp hết hạn dùng, bóc niêm phong vỏ... vẫn được người Việt ưa thích.

Giống như chị Yên, với niềm tin "tiền nào của nấy", nhiều người Việt có sở thích sử dụng các mặt hàng xách tay từ thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu dù mức giá rất đắt và hạn sử dụng nhập nhèm. Theo một chủ shop hàng xách tay tại quận Gò Vấp, TP.HCM, thị trường Nhật được xem là thiên đường hàng xách tay, và hàng thông thường được tuồn ra nước ngoài theo 4 cách.

Thứ nhất, chủ hàng có người quen hoặc đích thân ra nước ngoài mua gom hàng về, hoặc lên danh sách nhờ tiếp viên mua hàng hộ, sau đó xách về nước qua đường hàng không. Tiền công xách lượng hàng cố định cho mỗi chuyến khoảng 200.000 đồng, và khách hàng phải trả thêm từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng cho mỗi sản phẩm vượt mức đặt hàng ban đầu. Với các sản phẩm được cung ứng theo con đường này, khách hàng cần loại nào, cỡ ra sao đều có đủ, thế nhưng đây cũng là kênh bán hàng lời lãi ít nhất, và giá hàng về đến Việt Nam thường rất cao.

Con đường thứ hai là tiếp viên sẽ tự mua hàng tại Nhật, mà trong hầu hết trường hợp, để tiết kiệm chi phí, tiếp viên thường mua vào các đợt có hàng khuyến mại. "Bất cứ thứ gì trong đợt khuyến mại giảm giá đều được mua hết, sau đó được tiếp viên bọc lại và mang chào hàng. Tùy mối mà những tiếp viên này sẽ cung cấp hàng theo chủng loại và thông thường, những đợt mua này sẽ có hàng hiếm, hàng độc. Hàng lấy theo cách này sẽ không có đủ cỡ, và thường là hàng 'dạt', tức là gần hết hạn dùng, hoặc sản phẩm không được người bản địa ưa chuộng", chủ shop này cho hay.

Một cách khác để có hàng xách tay là tiêu thụ đồ trộm cắp. Những đường dây trộm cắp hàng hóa tại nước ngoài sẽ bán lại cho tiếp viên với mức giá rất rẻ, sau đó hàng được tiếp viên mang về Việt Nam bán lại. Hàng xách tay loại này thường là sản phẩm có chất lượng tốt, còn mốt và bán lại ở Việt Nam với giá rẻ hơn so với tại Nhật. Rủi ro nhiều hơn, nhưng con đường này lại mamg lại lợi nhuận khủng khiếp cho cả nhóm tiếp viên vận chuyển hàng cũng như các mối tiêu thụ, với mức giá đội lên sau mỗi kênh có thể là 4-10 lần so với giá mua được từ nhóm trộm cắp.

Khác với các thị trường châu Á, hàng xách tay từ Mỹ hoặc châu Âu khó có hàng trộm cắp hơn, và con đường vận chuyển thường qua các kênh "chính ngạch" là gửi qua bưu điện, tàu thủy hoặc máy bay. Công chuyển hàng được tính theo loại hàng, thông thường là 10-12USD/kg cho mỹ phầm có nước như nước hoa, dầu gội...; 10 USD/kg cho mỹ phẩm khô gồm son môi, phấn, sáp...; hàng thời trang như quần áo, kính, giày dép thường từ 10-15USD/kg và đắt nhất là thuốc tân dược. Chi phí vận chuyển được cộng vào tiền hàng giao cho khách, thời gian giao hàng từ 1 tuần đến cả tháng.

"Hàng xách tay tại Việt Nam hầu hết qua con đường mua hàng khuyến mại, vì tuy không đủ một dây, nhưng lượng cung cấp ổn định, không vướng các quy định pháp luật. Sản phẩm lấy theo cách này sẽ không có đủ cỡ, và thường là hàng 'dạt', tức là gần hết hạn dùng, hoặc sản phẩm không được người bản địa ưa chuộng. Ví như cùng một loạt sản phẩm son môi, nhưng người Nhật chỉ thích màu cam, những màu khác ế hàng được bán khuyến mại. Thế nhưng, khi tìm kiếm tên sản phẩm trên diễn đàn, người Việt sẽ chỉ đọc được những lời khen cho màu sắc, chất lượng (mà thực chất là dành riêng cho màu cam), và đổ xô đi mua hàng", chủ shop hàng xách tay trên đường Kim Mã, Hà Nội tiết lộ.

Theo Hạ Minh (Zing.vn)
Nguồn:

Tin liên quan