Một lần, nhân chuyến đi công tác lên TP. Buôn Ma Thuột, anh bạn người địa phương bảo: “Ở đây có làng "người rừng" lạ lắm.
Tôi tò mò: “Người rừng là sao? Ở đâu?”, “Thì đến đó khắc biết, nói dài dòng lắm. Nhưng đi vất vả lắm đấy, chịu nổi không?”. Tôi gật đầu quả quyết.
Làng bốn không
Ngôi làng ấy nằm sâu trong rừng, thuộc xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. Chúng tôi được 2 cán bộ xã “hộ tống” xuất phát từ UBND xã. “Giờ này mới đi là tối nay sẽ nhậu và làm bạn với muỗi rừng rồi”, anh bạn tôi cảnh báo. Con đường rừng uốn lượn, gập gềnh. Chiếc xe máy để số 1, số 2 gào rú leo lên những đỉnh dốc cao chênh vênh trên những sườn núi như chỉ cần giơ tay lên là nắm được lớp mây mềm. Rồi bất ngờ xe lại chúi xuống… con đường đất đỏ nhiều đoạn bị cày nát, trở thành lớp bùn dày khiến bánh xe nhiều lần cứ quay tít, không thể nhích lên. Lâu lâu lại bắt gặp một vài khúc gỗ dài chừng 2m với dấu cắt còn khá mới.
Anh bạn dẫn đường tên Hùng bảo: “Gỗ của lâm tặc, tụi nó mới chuyển ra, đợi đêm xuống mới mang ra ngoài”. Hơn 4 giờ chiều, sau khi vượt chặng đường trên 40 cây số, chúng tôi đến ngôi làng, cũng là lúc núi rừng sập tối. “Ở đây khoảng 4 giờ chiều là trời bắt đầu tối rồi, chứ không như ở dưới đồng bằng đâu. Đây là mùa khô, chứ mùa mưa mà đi thì còn khổ gấp trăm lần có lẻ!”, anh Hùng nói.
Ngôi làng này không có tên chính thức. Vì thế, nó được gọi bằng rất nhiều tên, nhưng cái tên nào cũng có “dính” đến làng. “Làng 4 không”, vì không điện, không đường, không trường, không trạm. Làng Nữ Chúa An Kỳ (hay làng Bà Kỳ), bởi làng được một người phụ nữ tên An Kỳ lập nên và đứng đầu. Làng Đất Đỏ, vì làng ở trên vùng đất đỏ. Làng 265 (nằm trong tiểu khu 265, Cty lâm nghiệp Cư M'lan).
Làng "người rừng"
Căn nhà sàn của bà An Kỳ nằm bên bờ suối Ea Khang, nó gần như đúc khuôn với hơn 100 căn khác trong làng. Bà “Nữ chúa” người Mường trông còn khá trẻ so với tuổi ngũ tuần. Và, khuôn mặt sắc sảo, thông minh vẫn còn in dấu một thời nhan sắc “hoa nhường nguyệt thẹn”. Ngoài tiếng mẹ đẻ ra, bà còn nói thành thạo tiếng Kinh, Tày, Nùng, Mông. Biết chúng tôi từ miền xuôi lên, bà hồ hởi: “Cái xó rừng này chẳng mấy khi có khách phương xa đến, thật là quí”.
Bên bếp lửa, những gốc cây rừng khô tí tách cháy, bà kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc ngôi làng nhỏ này: “Tổ tiên tôi mấy đời nay vẫn ở Lạng Sơn. Tôi nhớ năm 1999, 2000, ở quê cuộc sống ngày càng khó khăn thì không nói, buồn nhất là bà con mình bí quá cứ bị dụ sang bên kia biên giới làm “trâu kéo cày” mà tiền không được bao nhiêu, lại bị đánh đập, chửi bới, chị em phụ nữ còn bị lợi dụng thân xác… Gia đình tôi cũng gặp phải chuyện đau lòng nên lúc đó tôi nảy ra ý định đi tìm một nơi khác sinh sống và giúp bà con. Lang thang vào đến đây, thấy vùng đất này còn hoang sơ, gần như chưa có dấu chân người. Nên quyết định về kéo bà con theo”.
Bà “Nữ chúa” An Kỳ
Bà An Kỳ cho biết, hiện làng đã có hơn 100 ngôi nhà với khoảng 400 người, đều là đồng bào dân tộc Mông, Mường từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào đây. Họ sống bằng phương thức tự cung, tự cấp. Vì la dân di cư tự phát, sống trong rừng sâu, gần như không ai biết, nên trước năm 2008, làng không có chính quyền, chỉ có bà An Kỳ đứng đầu.
“Hiện nay, làng đã được chính quyền cho tồn tại hợp pháp chứ không bị đuổi nữa. Mình phải sống tuân theo chính quyền, không làm việc sai như đốt phá rừng tự do, săn bắt thú rừng. Nhưng, mình vẫn phải giữ những cái riêng của mình”, bà An Kỳ nói. Chính quyền làng hiện nay vẫn do bà An Kỳ đứng đầu (trưởng làng), ngoài ra, thêm một phó làng là ông Chiến Sinh Sồi và một công an viên là ông Hoàng Ngọc Cường.
Những tập tục lạ
Mặc dù đã có chính quyền nhưng như bà An Kỳ nói, “vẫn phải giữ những cái riêng của mình”, nên làng “Nữ chúa An Kỳ” vẫn duy trì những tập tục lạ. Một trong những tục ở “làng người rừng” này là khi những đứa trẻ đầu tiên trong làng được sinh ra, bà An Kỳ sẽ cùng dân làng đưa trẻ ra suối Ea Khang khấn thần linh trong thời gian 4 tiếng đồng hồ. Sau đó đứa trẻ được tưới lên người 13 gáo nước suối. Cuối cùng, đứa trẻ được mang về đặt giữa trung tâm làng 2 tiếng đồng hồ. “Để làm gì thế?”, tôi sốt ruột hỏi. “Để nghe nó nghe và hiểu tiếng hú của gió rừng, của các loài muông thú, rồi mới đưa và nhà và đặt tên. Trẻ con được đặt tên theo những loài muông thú, chim, cây rừng như Kỳ Nhông, Sáo Sậu, Vành Khuyên…”, bà An Kỳ giải thích.
“Năm 2005 huyện đã quy hoạch làng này thành một thôn thuộc xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) để bà con hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng do quen với tập tục và lối sống biệt lập quá lâu nên việc qui hoạch này đã thất bại. Hiện nay, chính quyền đã đồng ý cho bà con sống tập trung thành làng ở đó, nhưng nan giải nhất là việc thuyết phục họ cho trẻ em đi học và sử dụng thuốc men mỗi khi đau ốm”, ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M'lan.
“Những cái tên đó sẽ được thần núi, thần rừng, thần nước che chở, chúng sẽ lớn lên và gắn với rừng núi này. Trẻ con ở đây bất kể trai hay gái, khi bước qua 10 tuổi sẽ được người lớn tập cho uống rượu”, ông Sánh Sồi, một thành viên của làng góp chuyện.
Trong những ngày cúng thần rừng, sau khi uống cạn bát rượu, những đứa trẻ của “làng người rừng” sẽ đọc lời thề trung thành với rừng, sống bằng những sản vật của rừng chứ không cần những thứ ở phố phường hiện đại. Bước sang tuổi 12, con gái vào rẫy đi trỉa bắp, được dạy bắn cung, đặt bẫy. Về lý do sống biệt lập trong rừng sâu, bà Kỳ An kể: “Năm đó, em gái tôi xinh đẹp như hoa núi, 18 tuổi, nó rời gia đình về thị xã phồn hoa Lạng Sơn với mong muốn ở nơi văn minh đó, nó sẽ khôn lên và có cuộc sống tốt hơn. Nhưng không ngờ những người ở phố thị đã lừa bán nó sang Trung Quốc. Còn mẹ tôi cũng bị ngộ độc thức ăn dưới phố Lạng mà chết. Thần linh bảo tôi, ở đó đầy những bất trắc, nên chúng tôi phải sống trong rừng, ăn những thứ trong rừng mới khỏe được”.
Trẻ em ở làng "người rừng”
Hiện nay, “làng người rừng” có hơn 100 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng không được đi học. Phần vì quá xa, phần vì như bà An Kỳ nói: “Chúng tôi đã được núi rừng che chở rồi, nên không cần cái chữ đâu”. Từ năm 2008 đến đầu năm 2012, một số đứa trẻ trong làng bị cảm cúm nhưng do không được uống thuốc nên đã chuyển qua co giật và tử vong. Trạm trưởng trạm y tế xã cho rằng: “Cần có một chiến dịch tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm dần thì may ra mới làm xoay chuyển được suy nghĩ người dân”.
Như một nỗi ám ảnh, ông A Ma Xanh, y tá người dân tộc bản địa tâm sự: “Hai năm trước, tình cờ đi vào làng thấy một đứa trẻ trong làng bị ngộ độc thức ăn, nhưng khuyên mãi người làng vẫn kiên quyết không cho uống thuốc mà mang ra giữa làng đốt lửa và khấn vái suốt đêm, sau đó còn đưa đứa trẻ ra bìa rừng thắp hương gọi linh hồn chúa sơn lâm về bảo vệ”.