Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều đại gia vẫn vung tiền săn đại bàng, chơi chim, tép cảnh... để thể hiện đẳng cấp.
Chi chục triệu "săn" đại bàng
Theo giới chơi đại bàng ở TP.HCM, khoảng hai năm trở lại đây phong trào nuôi đại bàng tuy chưa được phép nhưng diễn ra khá sôi động. Nếu bồ câu có thể huấn luyện để đưa thư, chó becgiê huấn luyện thành chó “thám tử”... thì đại bàng đang được một số tay chơi huấn luyện kỹ năng săn mồi. Chủ nhân sẽ điều khiển chim bay tự do và đậu trên tay mình.
Trước đây, người nuôi đại bàng chủ yếu là tầng lớp đại gia, nay dân chơi đã đa dạng hơn khá nhiều về tuổi tác, điều kiện tài chính. Các “hội nhóm”, “câu lạc bộ” huấn luyện đại bàng được thành lập, thậm chí một số diễn đàn, website cũng được lập ra để phục vụ thú chơi như tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm nuôi, mua bán trao đổi chim.
Chim đại bàng 9 tháng tuổi được đưa đi huấn luyện săn mồi tại quận 7, TP.HCM.
Ông Dung, một trùm mua bán chim ngụ ở Tân Kiên (H.Bình Chánh), cho hay: “Hàng này tui đánh từ Tây Nguyên, nhiều khi đánh từ khu vực miền núi phía Bắc”. Ông Dung mời mọc mua đại bàng chỗ ông về nuôi không bao giờ lỗ, chơi không ưng thì cứ liên hệ cho ông, ông sẽ mua lại với giá hợp lý.
Ông Dung chỉ vào lồng có một con đại bàng ưng nặng 1,2kg nói giá “7 triệu đồng, không bớt”. Theo ông Dung, đại bàng thường sống trong các khu rừng nguyên sinh, nơi có những ngọn núi cao chót vót, cánh thợ săn phải vắt sức bỏ hàng chục ngày mới săn lùng được. May mắn thì vào mùa sinh sản bẫy được cả chim bố mẹ và chim non.
Theo tìm hiểu, tại TP.HCM có đến hàng chục đầu mối chuyên cung cấp loài chim vua. Do số lượng dân chơi ngày càng tăng, cung không đủ cầu nên thường xuyên “khát hàng”. Tuy chưa có số liệu thống kê ở TP.HCM có bao nhiêu chim đại bàng, bao nhiêu người nuôi, nhưng đại bàng vẫn là mốt chơi “độc” đang rất thịnh hành của nhiều người.
Mốt chơi bồ câu "độc"
Mấy tháng trở lại đây, dân chơi Sài Thành lại xôn xao về thú chơi chim bồ câu "độc". Đặc biệt, trong giới chim, những con chim bồ câu này trở thành "đặc sản" để giúp chủ chứng tỏ sự sành điệu và được "xếp chiếu trên".
Bồ câu "sư tử"
Những con bồ câu này có bộ lông khác biệt với tất cả những loại bồ câu thông thường. Con thì đuôi xòe ra thành tán nhỏ, con thì chân có lông mọc rất nhiều ở chân, con thì lông vùng ức rất sặc sỡ… Đến các điểm bán chim trên địa bàn TP. HCM hỏi về loài bồ câu đặc biệt, tất cả các chủ cửa hàng đều lắc đầu cho biết: “Muốn mua thì phải đặt hàng. Chừng nửa tháng mới có”.
Bồ câu "vảy cá"
Theo anh Hùng (chủ cửa hàng tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận), bồ câu "độc" ở Việt Nam không có mà phải nhập từ nước ngoài. Do số tiền đầu tư cho loài chim này khá lớn nên các chủ bán chim ít khi nhập về, chỉ khi có khách hàng yêu cầu thì mới đặt mua.
Bồ câu "cánh cụt"
Mỗi con chim bồ câu “độc ” thường có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Mức giá phụ thuộc vào độ lạ. Mỗi khi mua, dân chơi thường đặt một cặp để nuôi. Do đó, muốn sở hữu hai con chim đồng loại, người chơi phải bỏ ra số tiền rất lớn .
Mặc dù chi phí bỏ ra để tậu một con bồ câu "độc" là khá lớn, nhưng vẫn có rất nhiều dân chơi "săn lùng" chúng. Chính vì thế, nhiều người đi lùng sục cả tháng trời mà vẫn không tìm được một chú chim theo ý thích của mình.
Chim biến đổi ghen giá 10.000 USD
Anh Lý Hùng Tú (67B, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là chủ sở hữu của 13 chú chim cảnh bao gồm 6 con chim khuyên và 7 chú chim chào mào trị giá lên đến 1 tỷ đồng. Tuy mới chơi chim trong 2 năm trở lại đây nhưng số tiền mà anh Tú bỏ ra để đầu tư chơi chim là không hề nhỏ.
Con chim có giá trị cao nhất trong bộ sưu tập của anh Tú là hoàng khuyên. Đó là chú khuyên xanh bị biến đổi gen, toàn thân có màu mơ, vàng như chim yến. Anh Tú cho biết, anh đã bỏ ra 9.000 USD để mua chú chim này. Gần đây, một người chơi chim sẵn sàng trả tới 10.300 USD để sở hữu chú khuyên xanh này nhưng anh Tú không bán.
Chim hoàng khuyên được cho là đắt nhất hiện nay từng được trả giá lên đến 10.300 USD.
Trong bộ sưu tập chim của anh Tú, ngoài chim hoàng khuyên còn có rất nhiều chim quý hiếm như: chào mào bạch tạng, chào mào đầu trắng, chào mào lông màu tro... có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chơi chim đẹp và đắt nên anh Tú chăm sóc chim rất cẩn thận. Với anh, chăm sóc chim cảnh không khác gì chăm trẻ con. Phải lo cho chim ăn, ngủ, tắm rửa đầy đủ, khi ốm đau cũng cần thuốc men rất cẩn thận. Bên cạnh thức ăn công nghiệp, anh Tú chế biến thức ăn riêng cho chim rất cầu kỳ. Anh trộn cám với đậu xanh, hạt kỳ tử, tôm, thịt bò, trứng gà, và cả trứng kiến xay nhuyễn. Ngoài ra, còn có sâu tươi, hoa quả tươi, dế tươi cho chim ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng, có thể luyện thanh, khoe giọng hót.
Lồng chim của anh Tú cũng thuộc hàng đẳng cấp. Anh cho biết mình đang có khoảng 30 chiếc lồng. Cái rẻ nhất đã là 4 triệu đồng, còn đắt nhất có thể lên tới hàng chục triệu. Có những chiếc chỉ đặt trong tủ kính để ngắm chứ không nhốt chim vì nó được đặt làm rất tinh xảo.
Chơi tép cảnh nghìn đô
Thú chơi tép cảnh đã phổ biến trong Nam từ vài năm trước. Còn tại Hà Nội, thú chơi này mới chỉ rộ lên thời gian gần đây.
Tép cảnh có khá nhiều loại với các tên gọi khác nhau như cherry đỏ, ong, cọp, kinh kong, mũi đỏ, chấm trắng, xanh lá,… Chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm, nhưng mỗi chú tép thủy sinh nhỏ xíu có giá lên tới hàng trăm nghìn đồng, thậm chí, có con có giá cả nghìn…đô la. Loại cherry đỏ có giá cả vừa túi tiền nhất, khoảng 20.000 đồng – 40.000 đồng/con. Vì vậy, đây cũng là loại được nuôi phổ biến nhất. Đắt hơn là loại tép ong. Khi mới xuất hiện vài năm trước, loài tép này được định giá gần 100 USD/con. Nhưng hiện nay, do tép ong sinh sản khá tốt nên giá chỉ khoảng 70.000 đồng – 150.000 đồng/con tùy hạng và xuất xứ.
Một chú tép king kong có khả năng biến đổi màu, theo giới nuôi tép cảnh có giá lên tới cả nghìn đô.
Còn giá của những loại tép thủy sinh thuộc hàng "vip" như kinh kong, tép cọp... khiến nhiều người phải choáng váng. Giá của mỗi con cũng lên tới hàng nghìn USD. Mà chơi tép cảnh phải theo đàn từ vài chục đến vài trăm con trong bể chứ chẳng ai chơi lèo tèo vài con bao giờ bởi loại sinh vật này rất nhỏ. Vì thế, dù có "mê" tép cảnh đến mấy, nhiều người cũng phải lắc đầu lè lưỡi, chỉ dân “đại gia” mới dám chơi. Được biết, tại nước ngoài, giá của tép thủy sinh nước ngọt cũng vào hàng khá đắt đỏ. Loại tép được nuôi phổ biến như tép ong cũng có giá hàng chục euro.
Không chỉ tốn tiền mua tép, để phục vụ cho sự tồn tại của chúng, người chơi còn phải bỏ ra cả đống tiền để làm bể, lắp điều hòa, trang trí bể,... Thức ăn cho tép cũng khá đắt đỏ. Một lọ thức ăn của Nhật chỉ 25g có giá tới 330.000 đồng; các loại của Đài Loan, Malaysia... cũng có giá tương đương.
Chi tiền tỷ chơi cá rồng
Cá rồng, hay còn gọi là “vua” cá, là loài cá nguyên thủy có từ khoảng hơn 200 triệu năm trước. Chúng có màu lấp lánh bạc nên được coi như biểu tượng của kim – tiền bạc. Vì vậy, dân chơi cá cảnh quan niệm rằng nuôi cá rồng, về mặt phong thủy, sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng, tiền bạc cho gia đình.
Trên thế giới, có 10 loài cá rồng khác nhau còn sinh tồn. Tại Việt Nam, loại được chơi loại phổ biến nhất là cá rồng Đông Á với các tên gọi quen thuộc như ngân long, huyết long, thanh long, kim long…
Chú huyết long 4 năm tuổi này từng được dân chơi định giá khoảng 5.000 USD
Cái giá để có được một bể cá rồng trong phòng khách không hề rẻ. Người chơi phải có đủ tiềm lực tài chính để chuẩn bị bể, hệ thống lọc, sưởi ấm cho cá rồng. Giá của giống cá này khá đắt. Một con tầm trung cũng có giá cả triệu bạc. Còn những chú có “xuất thân” từ “dòng dõi” nổi tiếng, ngoại hình bắt mắt sẽ có giá cao hơn nhiều, khoảng 1.000 – 3.000 USD. Cộng với đó là một khoản chi phí không nhỏ cho thức ăn của cá.
Anh Chính Ngọc ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên là người nổi tiếng trong giới chơi cá rồng đất Hà thành. Anh đã chi tiền tỷ cho niềm đam mê của mình. Hiện anh Ngọc là chủ sở hữu của một bộ sưu tập cá rồng gồm 12 con huyết long giá khoảng 2000 USD/con, 2 con quá bối đầu vàng và 1 con platinum màu thép trắng khi mới mua về đã có giá 10.000 USD. Số cá này được sống trong 3 chiếc bể lớn đặt tại phòng khách, được đầu tư khá công phu với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tin tức đang được đọc nhiều nhất: |