Chị T được bác sĩ chẩn đoán có thai nằm ngoài tử cung, nhưng kiểm tra, siêu âm, nội soi nhiều lần không phát hiện được khối thai. Thậm chí, chị từng được mổ nội soi nhưng vẫn không tìm thấy khối thai.
Được mổ nhưng không tìm thấy thai nhi
Chị T (18 tuổi, tỉnh Kiên Giang) vẫn còn khá mệt mỏi vì vừa trải qua ca mổ lấy thai nhi. Chị cho biết, từ trước đến nay, chị không tìm hiểu nhiều về thai nhi. Chị cứ ngỡ rằng, nếu có thai thì sinh hạ bình thường. Thế nhưng, chị lại rơi vào trường hợp “có một không hai”.
Cách đây chừng hai tháng, chị T bị đau bụng dữ dội nên đến một phòng khám tư để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn kinh nguyệt rồi kê thuốc về nhà uống.
Chị T được kiểm tra lần cuối trước khi xuất viện
Vài hôm sau, chị uống hết thuốc được bác sỹ kê nhưng bụng vẫn không giảm đau. Nghe lời người thân, chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang khám. Qua các xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ chị có thai. Kết quả siêu âm cho thấy khu vực tử cung, trên vòi trứng hay buồng trứng đều không có dấu hiệu thai nhi. Bác sĩ đành nội soi ổ bụng nhưng vẫn không phát hiện được nơi thai nhi nằm.
Sau khi bàn tính, ngày 11/8, bác sĩ quyết định mổ nội soi để tìm thai lạc nhưng vẫn không tìm thấy. Năm ngày sau, sức khỏe của chị ổn định trở lại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang quyết định cho chị chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra, can thiệp kịp thời. Cũng trong khoảng thời gian này, âm đạo của chị bị chảy máu. Trên hồ sơ chuyển viện vẫn ghi rõ nghi thai nằm ngoài tử cung.
Mổ lần hai cứu thai phụ
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Chi (Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, khi nhập viện chị T có huyết áp, mạch ổn định, siêu âm phụ khoa chưa thấy bất kì điều gì bất thường. Xét nghiệm các chỉ số hai lần thì phát hiện có nhiều dấu hiệu thể hiện bệnh nhân đang mang thai. Bác sĩ nghi ngờ thai nằm ngoài tử cung.
Khám vùng chậu, bác sĩ không thấy dấu hiệu có thai nhi. Khi dò lên trên, bác sĩ phát hiện có một khối u lạ nằm ở dưới gan với kích thước 50x28x38 mm. Các bác sĩ đầu ngành tại bệnh viện liền lập hội chẩn. Lúc đầu, nhiều bác sĩ có cùng chẩn đoán, có thể đây là u mạch máu.
Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ băn khoăn, nếu là u mạch máu thì tại sao các chỉ số lại thể hiện chị T đang mang thai. Từ trước đến nay, 97% trường hợp thai nằm ngoài ý muốn là ở hai khu vực vòi trứng và buồng trứng, hiếm có trường hợp nào nằm ở gan.
Để có nhận định chính xác, bác sĩ quyết định tiếp tục theo dõi. Ba ngày sau, bác sĩ chụp cộng hưởng MRI lần hai. Kết quả cho thấy “khối u” này phát triển rất nhanh. Ba ngày trước “khối u” chỉ 33 mm nhưng đến nay đã lên đến 60 mm. Từ đây, bác sĩ chắc chắn thai nằm ở gan.
Bác sĩ Nhi cho biết, trường hợp thai nhi của chị T rất đặc biệt và nguy hiểm bởi khối thai nằm ở cuống gan, sau phúc mạc, trước các mạch máu lớn của cột sống, động mạch tĩnh, tĩnh mạch bụng. Chỉ cần phát hiện trễ vài ngày, khối thai lớn sẽ xâm lấn vào gan, gây chảy máu.
Một trường hợp khác, khối thai lớn, xâm lấn động mạch, tĩnh mạch chủ bụng sẽ gây thủng, chảy máu ồ ạt. Đến lúc ấy, khả năng tử vong của cả mẹ và con là khó tránh khỏi.
Tình thế cấp bách, bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ quyết định mổ trong thời gian ngắn nhất để cứu thai phụ. Do đây là trường hợp đặc biệt nên Bệnh viện Từ Dũ đã liên kết với Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca mổ. Sau thời gian “cân não”, ca mổ đã thành công. Hiện chị T đã ổn định sức khỏe.
Cách đây 10 năm, Bệnh viện Từ Dũ cũng phát hiện một trường hợp tương tự. Bệnh nhân này có tên là L (27 tuổi, tỉnh Kiên Giang). Chị L nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi kiểm tra, thăm khám, bác sĩ xác định chị L mang thai nằm ngoài tử cung. Ca mổ đã lấy ra khối thai bé gái 600 đã chết. |