"Nếu có ai làm tổn thương em bằng lời nói "em thật ngu dốt, em sẽ không làm được việc gì đâu", thì thực ra là vì họ không hiểu đúng nghĩa của từ "giỏi", em đừng tin những lời đó, cũng đừng vì những lời đó mà buồn phiền, mà bỏ cuộc", người chị gửi gắm.
Mới đây, bức thư tay dài hơn 1.200 từ được đăng tải công khai trên nhóm Cháo hành miễn phí đã làm ấm lòng biết bao người đọc. Người gửi là “chị Xíu”, cách xưng tên ở nhà với hai đứa em nhỏ là Muội và Kem. Nội dung bức thư là tình cảm và sự động viên của người chị cả dành cho hai em nhỏ ở quê nhà Quảng Trị của mình.
Theo đó, người chị ở xa, không được gần gũi để chăm sóc, yêu thương, chỉ dạy cho 2 em nhỏ, trong đó em Kem (em út) kém chị Phương 18 tuổi, là một cậu bé đặc biệt, tuy đến năm 10 tuổi chưa đọc được chữ, nhiều lần bị mọi người nói “ngu, chậm phát triển”.
Trong bức thư, người chị muốn 2 em hiểu đúng nghĩa của từ "GIỎI". "Nếu có ai làm tổn thương em bằng lời nói "em thật ngu dốt, em sẽ không làm được việc gì đâu", thì thực ra là vì họ không hiểu đúng nghĩa của từ "giỏi", em đừng tin những lời đó, cũng đừng vì những lời đó mà buồn phiền, mà bỏ cuộc", người chị gửi gắm.
"Gửi em Muội & em Kem của chị Xíu!
Chị Xíu luôn nghĩ về 2 em của chị. Chị Xíu ở xa không thể ở bên để yêu thương, chỉ bảo 2 em nhiều, nên trong lòng luôn cảm thấy có lỗi. Ngoài những lúc nói chuyện qua điện thoại, chị Xíu muốn thỉnh thoảng sẽ viết thư cho 2 em. Khi viết, chị Xíu nói được nhiều hơn, 2 em của chị cũng có thể đọc lại nhiều lần để chiêm nghiệm và hiểu sâu hơn về những điều chị Xíu nói. Đây là bức thư thứ 1.
Hai em của chị, chị Xíu đã từng rất rất đau lòng khi em Kem nói rằng mọi người nói em ngu, sau này lớn lên không làm được việc gì. Và em tin vào điều đó thật. Hai em của chị, chị mong 2 em hiểu đúng nghĩa của từ "GIỎI". Từ này thấy đơn giản vậy mà không có nhiều người hiểu đúng đâu. Họ vì hiểu sai mà vô tình tự giới hạn năng lực bản thân hoặc làm tổn thương người khác. Nếu có ai làm tổn thương em bằng lời nói "em thật ngu dốt, em sẽ không làm được việc gì đâu", thì thực ra là vì họ không hiểu đúng nghĩa của từ "giỏi", em đừng tin những lời đó, cũng đừng vì những lời đó mà buồn phiền, mà bỏ cuộc, từ "giỏi" được hiểu đúng nghĩa, chỉ đơn giản là:
- Một người thợ sửa xe giỏi, là một người đã bỏ ra hàng giờ, hàng tháng, hàng năm để lặp đi lặp lại việc sửa xe. Nếu người khác còn lóng ngóng không biết xe bị gì, sửa thế nào, thì người này đã quá quen với việc này nên chú ấy dễ dàng "bắt bệnh" và sửa được xe một cách điệu nghệ. Ta gọi chú ấy là thợ sửa xe giỏi, nhưng hiểu đúng bản chất thì đơn giản là, chú ấy đã quá thành thục việc đó.
- Một người bắn bi giỏi, là một người đã dành thời gian để tập và chơi bắn bi nhiều. Chắc chắn, khi mới biết chơi bạn ấy cũng rất lóng ngóng và chơi rất dở. Nhưng sự lặp đi lặp lại cho đến khi thành thục đã khiến bạn ấy trở thành người giỏi chơi bi. Không có ai vừa bắn bi đã giỏi. "Giỏi", là thành quả của một quá trình lặp đi lặp lại cho đến khi thành thục. "Giỏi" hiểu đúng chỉ đơn giản là "thành thục".
- Một học sinh có khả năng đọc chữ giỏi cũng thế. Bạn ấy đơn giản là dành nhiều thời gian để lặp đi lặp lại việc đọc cho đến khi bạn ấy trở nên thành thục như cháo. Ban đầu bạn ấy không biết đọc, tập một thời gian thì bạn ấy có thể đọc chậm chậm, tập tiếp thì bạn ấy đọc nhanh và rõ ràng, tập tiếp nữa thì bạn ấy có khả năng đọc truyền cảm. Nếu muốn, bạn ấy có thể tập tiếp và trở thành người dẫn chương trình trong tương lai. Hai em của chị, không có ai trên đời là ngu dốt, chỉ đơn giản là: Họ chưa bỏ ra đủ nhiều thời gian để làm đi làm lại việc đó cho tới khi thành thục. Tất thảy mọi người đều có thể giỏi. Mỗi người giỏi một thứ, đó chính là thứ họ bỏ nhiều thời gian ra để nghiên cứu tìm tòi, học hỏi và tập luyện nhất.
Không có ai trên đời là vô dụng, không thể làm được việc gì. Nếu em chưa thể đọc chữ giỏi, chỉ cần em lặp đi lặp lại việc tập đọc cho đến khi thành thục, em sẽ giỏi. Nếu em gặp một bài toán khó, chỉ cần em chịu hỏi cô giáo/ bạn/ chị, hay bất kỳ ai... giảng cho em, rồi em cứ làm đi làm lại cho đến khi em quen với dạng bài tập đó. Nó sẽ trở thành một bài toán dễ như ăn cháo đối với em. Nếu em muốn trở thành một nhà bác học nhưng hiện tại em học không giỏi và những lời chê bai của người khác làm em nhụt chí, thì Chị Xíu muốn kể cho em nghe về Anhxtanh (Einstein) và Edison (phát minh bóng đèn điện) - 2 nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại.
Hồi nhỏ, Anhxtanh phát triển trí tuệ rất chậm. Edison cũng bị cho là đần độn. Cả 2 cậu bé này đều bị thầy cô và bạn bè cho là đầu óc có vấn đề. Đến 4 tuổi Anhxtanh vẫn chưa biết nói. Thầy hiệu trưởng của Anhxtanh quả quyết với cha cậu rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”. Còn Edison thì bị đuổi học luôn. Thầy giáo giao cho Edison một bức thư để về nhà đưa cho mẹ cậu. Cậu bé hỏi mẹ trong thư thầy viết gì, mẹ cậu trả lời: Thầy viết "Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình". Điều này làm Edison tự tin hẳn. Sự tự tin là một phép màu kỳ diệu. Cậu bé học tập (tự học là chính) và trở thành một nhà bác học lỗi lạc.
Sau này khi mẹ cậu mất, cậu tìm thấy trong ngăn kéo mẹ là bức thư ngày ấy. Cậu mở ra và đọc được thầy viết: "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi không nhận cậu học sinh này nữa". Rõ ràng là những ông thầy này đã sai. Ai cũng thể trở thành những người vĩ đại của nhân loại nếu được người khác tin tưởng và tin tưởng chính mình. May là mẹ của 2 nhà bác học này đã luôn khích lệ con mình. May mà 2 nhà bác học này không bị những lời nói tiêu cực làm mất đi sự tự tin và cố gắng. Chị Xíu luôn ở đây, tin tưởng 2 em của chị và yêu thương 2 em hơn mạng sống của mình. Luôn có chị ở đây tin tưởng 2 em, nhớ nghe em!
Hai em của chị, người có chỉ số IQ cao, là người thông minh. Nhưng nhiều bậc lỗi lạc qua hàng ngàn thế kỷ đã cho chúng ta thấy: thông minh không phải là giỏi. Sự thông minh chỉ giúp người ta tiếp thu nhanh hơn mà thôi. Nếu không học, có thông minh cũng vô dụng. Nó giống như em có khả năng chạy rất nhanh nhưng em luôn nằm một chỗ, thì em cũng chẳng khác người không có chân là mấy. Còn nếu em chịu tiến lên, dù bây giờ em có thể đi rất chậm, nhưng đi quen em sẽ đi nhanh hơn, rồi dần chạy được nhanh hơn và xa hơn. Không thông minh, con người ta vẫn cứ giỏi! Thông minh chỉ là 1 công cụ nhỏ, mà nếu có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Không có công cụ hỗ trợ mà vẫn giỏi được, đấy mới là thiên tài".
Chia sẻ về bức thư tay của mình, chị Nguyễn Như Phương (hiện đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương) cho biết chị viết lá thư tay này không nhân dịp gì cả, chỉ là tình yêu của chị với các em lúc nào cũng ở đó. "Mình thì ở xa nên lúc nào cũng canh cánh nghĩ không được ở bên hai em mình để chỉ dạy, yêu thương. Những cuộc gọi mỗi tối để nghe em út đọc bài vẫn chưa đủ nên mình viết thư tay”.
Chị cho biết, thời gian này thấy nhiều sĩ tử chia sẻ nỗi buồn vì rớt nguyện vọng đại học, điều đó làm chị muốn kể cho mọi người nghe về bức thư đã gửi cho các em của mình với mong muốn giúp các bạn tích cực hơn. Trong đó có em Kem (em út) kém chị Phương 18 tuổi, là một cậu bé đặc biệt, tuy đến năm 10 tuổi chưa đọc được chữ, nhiều lần bị mọi người nói “ngu, chậm phát triển” nhưng người chị cả Như Phương không bao giờ cho em mình mất niềm tin vào bản thân. “Mẹ mình đẻ em Kem khi đã 40 tuổi. Em sinh ra có một ngón tay bị dị tật và học hành hơi chậm. Kem đến 10 tuổi rồi vẫn chưa đọc được chữ, học lực toàn là yếu. Các anh chị em trong dòng họ đều là những học sinh giỏi suốt thời đi học nên mẹ mình và tất cả mọi người đều cho rằng em mình được sinh ra lúc mẹ lớn tuổi nên em ngu và chậm phát triển”, chị nói.
Điều đáng buồn hơn là “em Kem đã có lúc tin thật, mỗi lần về quê mình dành thời gian chỉ em Kem học, phải thật từ tốn và nói đi nói lại em mới hiểu nhưng có một ngày em bảo với mình là chị Xíu không cần phải cố gắng nữa, tại em ngu mà, nên em không hiểu được đâu. Ai cũng nói sau này em không làm được gì đâu”, chị tâm sự.
Chính điều đó đã làm Như Phương thay đổi suy nghĩ và cách chia sẻ cùng em út của mình. “Mình luôn nói lời yêu thương, khích lệ em mình nhưng mình đã vô tâm không để ý xung quanh thường nói gì và nó tác động đến em mình thế nào. Sau này, mình quán triệt gia đình không ai được nói lời tiêu cực với em. Mình viết bức thư này cho 2 em. Em kế út sẽ đọc cho em út và ba mẹ mình cùng nghe để họ cũng thấu hiểu. Em Kem của mình giờ đã đọc được chữ, dù tốc độ hơi chậm. Em đang học lớp 6, em có niềm yêu thích với vẽ và bơi lội nên được mình khuyến khích triệt để. Em vẽ tranh theo phong cách khá "dị" và trìu tượng nhưng thực sự rất đẹp, sáng tạo một cách đầy kinh ngạc”.
Khi nhận được lá thư chuyển phát nhanh về quê, hai em tuy chỉ gỏn lọn vài từ “Cám ơn chị Xíu”, nhưng theo Như Phương: “Đó cũng là một tác động tích cực về tinh thần”. “Thực ra, muốn thay đổi một em bé, con người thì một bức thư thôi không đủ. Mình luôn nói chuyện để động viên em. Mua thêm quà, màu vẽ để hai em thỏa sức sáng tạo. Trẻ em mà, mình giúp nó cải thiện thực tế một điều gì đó, nó sẽ tự tin lên hẳn”, chị bộc bạch.
Chị kể thêm, hồi còn nhỏ xíu, lúc cả 4 chị em còn ở nhà, hai bé nhỏ thường ngủ trên chân, bụng chị. Trải qua tuổi thơ cũng tủi thân, tâm lý có phần khép kín, ít khi tâm sự với ba mẹ nên chị Phương luôn có gắng giữ sự kết nối với các em để có thể lắng nghe những chia sẻ. Chị còn nghĩ: “Mình đi một năm về có 2 lần, luôn thấy không đủ nhiều, luôn sợ không đủ tốt. Đi càng xa lại cứ luôn buồn vì không chứng kiến em mình lớn lên, mà bọn nhỏ lớn nhanh kinh khủng, làm chị cả mà nên tâm trạng khó diễn tả lắm”.
Qua lá thư tay trên, chị Phương mong muốn hai em mình có thể lớn lên với niềm tin vào bản thân và sự tích cực vào cuộc sống và những bạn trẻ đang buồn vì không đỗ đúng nguyện vọng có thể lạc quan để bước qua.
Là thư trên được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, ai đọc cũng cảm thấy xúc động, ấm áp về những tình cảm mà người chị đã dành cho em mình. Tài khoản Phương Thảo bình luận: “Chúc chị và hai em luôn hạnh phúc, vui vẻ. Một câu chuyện thật sự rất ấm lòng”.
“Cám ơn bài viết của chị. Thật sự vô cùng ý nghĩa không chỉ với hai người em của chị mà còn với cả em, rất nhiều người nữa. Hai em của chị thật may mắn khi có người chị như chị”…, bạn Khánh Phương bày tỏ.