Nhiều tài xế cảm phục cách anh Phan Văn Bắc xử trí trên đèo Bảo Lộc, cứu 30 khách thoát tử nạn.
Rất bản lĩnh mới dám làm
Theo anh Nguyễn Thành (trú tại Quảng Nam), tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Bắc – Nam, không mấy ai đủ bản lĩnh để “dìu” một xe khách 42 chỗ đang mất phanhlao dốc với tốc độ cao như thế. Một xe tải chở hàng một mình đổ đèo, lái xe phải căng mắt quan sát các cua gấp, tránh các xe ngược chiều… cũng đã khó huống gì đi “dìu” thêm xe khách với hơn 30 người đang ngồi trên.
“Tài xế xe tải phải rất bản lĩnh và giàu lòng thương người mới dám làm việc nguy hiểm đó bởi chỉ cần điều tốc độ không chuẩn hoặc phanh xe tải chịu sức đẩy quá mức dẫn đến trục trặc thì ngay cả xe tải cũng gặp nạn”, anh Thành cho biết.
Tương tự, tài xế Phạm Ngọc Nhân, lái xe của nhà xe Sơn Tùng chuyên chạy tuyến Quy Nhơn – Đà Nẵng và đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhận định: “Để xe tải có thể “dìu” một xe khách mất phanh trên đèo dừng lại an toàn là quá khó.
Xe chở 30 hành khách được tài xế xe tải Phan Văn Bắc dìu xuống đèo Bảo Lộc sau khi bị mất phanh
Điều kiện đầu tiên là tốc độ của hai xe phải gần như tương đương, tốc độ xe tải thấp hơn xe khách một chút để khi xe khách đâm vào xe tải sẽ giảm lực, hạn chế được lực quán tính. Nếu tốc độ hai xe quá chênh lệch thì khi đâm vào sẽ đẩy cả xe tải đi lệch hướng, khó tránh khỏi việc cả 2 xe lao xuống vực hoặc đâm vào vách đá. Điều này đòi hỏi tài xế xe tải phải dũng cảm, có kinh nghiệm, tay lái vững vàng mới tiên đoán được tốc độ của xe khách khi đang lao dốc không phanh. Ngoài ra, xe tải phải chở đúng tải trọng. Nếu e chở hàng quá tải, chịu thêm cú đâm từ phía sau rất dễ gây mất phanh”.
Tài xế có tinh thần thép
Đồng nghiệp cùng công ty với anh Nhân là tài xế Đỗ Văn Tiến cũng cho rằng, để “dìu” một xe khách mất phanh đổ đèo 400m phải có tinh thần thép. Khi bị một xe đâm vào phía sau sẽ khiến cả xe tải chao đảo, thắng cũng sẽ nguy hiểm cực kỳ, xe tải phải hãm phanh sẽ khiến xe cộ rung lắc, đặc biệt đang đổ đèo rất nguy hiểm.
Là một lái xe tải chuyên chở hàng từ Hà Nội đi các tỉnh, anh Đỗ Văn Nhật trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) nhận định, theo tâm lý thông thường của các lái xe chuyên nghiệp khi thấy chiếc xe khác gặp nạn như vậy thì đúng là không ai có thể làm ngơ. Thế nhưng để có một quyết định dứt khoát chỉ trong vài giây suy nghĩ để đưa đến quyết định hành động dũng cảm như anh Bắc thì đáng ngưỡng mộ.
“Khi hai chiếc xe đều đổ đèo như vậy thì tốc độ rất cao nên khi chiếc xe phía trước tiếp xúc với chiếc xe sau không khéo sẽ dẫn đến va chạm mạnh, làm lệch hướng bánh lái. Ở đây, tài xế đã giải quyết rất tốt cả hai yếu tố đó. Theo tôi để làm được điều đó thì trước tiên phải có tinh thần trách nhiệm cao, lòng dũng cảm và sau đó là sự bình tĩnh, tỉnh táo thì mới làm được”, anh Nhật bình luận.
Là một lái xe lão luyện, trước đây chuyên lái xe tải chở hàng hóa đi khắp nơi trên cả nước, ông Bùi Văn Quản trú tại Quận 7, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự khâm phục với hành động của “người hùng đèo Bảo Lộc”. Ông Quản cho rằng, qua thông tin trên báo chí có thể thấy anh Bắc là người có kỹ năng lái xe rất tốt. Anh ấy thừa biết rằng cả hai xe cùng đổ đèo nên nếu tì vào nhau thì va chạm không lớn, khả năng cứu được chiếc xe phía sau rất cao. Trường hợp lái xe khách không biết cách tì vào đuôi xe tải thì cả hai xe đều gặp nguy hiểm.
“Từ xưa đến nay vẫn vậy, tài xế khi đi trên đường họ rất đùm bọc, hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn. Tình huống xe đi trước cứu xe đi sau gặp nạn như thế này cũng đã từng xảy ra và trở thành những câu chuyện huyền thoại trong giới cầm vô lăng chuyên nghiệp. Để làm được đòi hỏi người phải có tâm và có trình độ, kỹ năng lái xe chuyên nghiệp”, bác tài già xúc động nói.
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 6/9, đoạn đường đèo Bảo Lộc Km 97+500, QL20 (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), tài xế Phan Văn Bắc (SN 1986, ngụ huyện Đạ Huoai) điều khiển xe ô tô BKS 49C-098.51 lưu thông theo hướng từ TP Bảo Lộc - TP Hồ Chí Minh. Khi xe chạy qua địa điểm trên, tài xế phát hiện xe ô tô khách BKS 53N-2824 chạy cùng chiều phía sau có dấu hiệu mất phanh, hành khách la hét cầu cứu. Ngay lập tức, anh Bắc đã lái xe tải chạy chậm lại, ra tín hiệu để xe khách đâm vào đuôi xe mình để giảm tốc độ rồi chạy đồng tốc, dìu ô tô khách đi thêm 500 mét rồi dừng lại an toàn.