Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một gia đình có 7 thành viên cùng mắc COVID-19, trước đó một gia đình ở Vĩnh Phúc cũng có 4 người cùng nhiễm SARS-CoV-2.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 41 ca mắc COVID-19, đáng chú ý trong đợt dịch bệnh lần này (tính từ 25/7 đến nay) Quảng Nam là địa phương có ca nhiễm nhiều thứ 2 sau Đà Nẵng.
18 giờ ngày 2/8, Bộ Y tế công bố 30 ca mắc COVID-19, trong đó riêng Quảng Nam có tới 9 ca. Qua quá trình giám sát phòng dịch, có tới 7 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình mắc COVID-19, bao gồm: BN 522, BN 523, BN 561, BN 597, BN 598, BN 599, BN 600. Trong đó, BN522 hiện đang điều trị tại khoa Thận nội tiết – Bệnh viện Đà Nẵng. 6 bệnh nhân còn lại đều ở cùng nhà tại khu Lưu Minh, khu phố 5, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam.
1. Bệnh nhân 522: 67 tuổi, ở Lưu Minh, khu phố 5, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam.
- Ngày 9 đến 22/7 điều trị khoa Thận nội tiết – Bệnh viện Đà Nẵng.
- Ngày 22/7, bệnh nhân về nhà.
- Ngày 29/7, bệnh nhân vào khoa Thận nội tiết BV Đà Nẵng điều trị. Sau đó được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
2. Bệnh nhân 523: Vợ BN 522, 63 tuổi, ở Thăng Bình, Quảng Nam.
- Từ ngày 09 đến ngày 22/07/2020 chăm sóc chồng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
- Ngày 22/07, chồng xuất viện, bà cùng ông trở về gia đình tại khu phố 5, TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam;
- Ngày 22/07, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, không đau ngực, có khạc đờm màu vàng hơi đặc.
- Từ ngày 22/07/2020 đến nay 31/07/2020, BN chỉ đến TTYT Thăng Bình chụp X-Quang rồi về. Thời gian này bệnh nhân chỉ ở trong nhà. Sau đó được lấy mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
3. Bệnh nhân 561: Là con gái ruột của BN 522 và 523. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc bố (BN 522) các ngày 12/7, 19/7, 23/7. Bệnh nhân chỉ chăm sóc bố ban ngày, chiếu tối trở về nhà tại Thăng Bình, Quảng Nam và tiếp xúc với mọi người trong gia đình.
Quảng Nam đang là địa phương có ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 trong đợt này, chỉ sau Đà Nẵng. Ảnh: Lê Trung.
4. Bệnh nhân 597: Bệnh nhân là con trai ruột bệnh nhân 522, 523, sống cùng nhà với 2 bệnh nhân này.
- Bệnh nhân có kinh doanh quán cafe.
- Thời gian từ 9/7 đến 22/7, bệnh nhân hàng ngày ra khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc bố là BN 522 (sáng ra ĐN, chiều về lại Quảng Nam).
- Từ 22/7 đến 29/7, bệnh nhân ở nhà chăm sóc bố là BN522, hằng ngày bệnh nhân đi chợ tại khu chợ Ngã tư Hà Lam.
- Ngày 31/7, bệnh nhân đã cách ly tại khu cách ly tập trung tại Trạm Y tế Hà Lam và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
5. Bệnh nhân 598: 8 tuổi, là cháu nội của BN 522, 523 và là con ruột của bệnh nhân 597. Bệnh nhân sống cùng nhà với các bệnh nhân trên.
- Bệnh nhân 598 hàng ngày ở nhà, thường xuyên tiếp xúc với ông bà nội là BN 522, 523.
- Ngày 31/7 bệnh nhân được đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
6. Bệnh nhân 599: 9 tuổi, là cháu ngoại của bệnh nhân 522, 523 và là con ruột của bệnh nhân 561. Hàng ngày bệnh nhân tiếp xúc gần với ông bà ngoại và mẹ đẻ.
7. Bệnh nhân 600: 7 tuổi, là cháu ngoại của bệnh nhân 522, 523 và là con ruột của bệnh nhân 561. Hàng ngày bệnh nhân tiếp xúc gần với ông bà ngoại và mẹ đẻ.
BN 599 và 600 được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung Trung tâm Y tế Hà Lam ngày 31/7 và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với COVID-19.
Cách ly tại gia đình sao cho hiệu quả?
Theo quy định hiện tại của Bộ Y tế, một số trường hợp sẽ được áp dụng biện pháp cách ly tại gia đình, nơi lưu trú, đó là trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1), F3 (tiếp xúc gần với F2), những người đi từ vùng đang có dịch lưu hành về,...
Với những trường hợp cách ly tại nhà và nơi lưu trú, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo tốt nhất mỗi người ở một phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly cần cách giường ngủ của các thành viên khác 2 mét.
Khi cách ly tại gia đình cần phải hạn chế tiếp xúc người khác, đo thân nhiệt 2 lần/ngày.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly. Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly. Đặc biệt, không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.
Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở… Trong thời gian cách ly tại gia đình không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.