Việc khai bút có sẵn chữ viết rồi, chỉ việc “tô màu” là quá hình thức, dễ tạo ra ấn tượng không hay, không tạo được ý nghĩa cho cuộc sống.
Đó là chia sẻ của chuyên gia ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) về bức hình các lãnh đạo Hà Nội và Bộ GDĐT khai bút bằng cách viết theo nét chữ đã có sẵn từ trước ở lễ Khai bút đầu xuân 2015 vừa diễn ra khiến nhiều người băn khoăn, thấy phản cảm.
Cụ thể, sáng 23/2, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo huyện Thanh Trì cùng lãnh đạo ngành GD-ĐT thủ đô và rất đông người dân.
Tại buổi lễ, các đại biểu khai bút đầu xuân với 5 chữ: Đức-Trí-Học-Thành-Nhân.
Tuy nhiên, lại được viết theo những nét chữ đã được vạch sẵn, nhiều người đánh giá đây không khác gì việc “tô màu” lại, một cách hình thức song ai cũng có thể làm được.
Bàn về điều này, PGS. TS Phạm Văn Tình cho biết: “Việc khai bút liên quan đến tri thức, liên quan đến việc học nên người ta thường khai bút vào đầu mỗi năm để mong có được những thuận lợi, cơ hội thăng tiến trong con đường học vấn.
Đây là việc làm thể hiện mong muốn chủ quan của mỗi người, nhưng theo quan niệm của người xưa thì họ thường là những người hoặc là học trò hoặc người liên quan đến việc bút nghiên như nhà nho, học giả, tri thức.
Thường khai bút là người viết sẽ tự nghĩ, tự viết có phần bột phát, thể hiện tâm nguyện trong năm mới. Có thể người viết ra đôi dòng thơ của một ai đó miễn là thấy thích, không nhất thiết là của mình. Nhưng cũng nhiều người khuyến khích nên viết ra những suy nghĩ của chính mình, không có sự sắp đặt từ trước. Do đó, việc khai bút mà có sẵn chữ rồi chỉ việc “tô lại” thì nó mang nhiều tính hình thức”
PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
Dù đánh giá cao và trân trọng việc những vị lãnh đạo, những người có uy tín nhất định trong cộng đồng thực hiện việc khai bút để cho mọi người hướng theo là một điều tốt, song ông Tình cho rằng vẫn phải tuân thủ những điều truyền thống, không nên chiếu lệ hình thức bởi những việc làm “cho có” thì dễ tạo ra ấn tượng không hay, không tạo được ý nghĩa cho cuộc sống.
“Tôi cũng chưa từng thấy ai khai bút mà lại theo một hình thức có sẵn nào đó cả. Phải làm cái gì đó nó thực và phải xuất phát từ những điều ý nghĩa của cuộc sống thì mới thực sự lan tỏa và cổ vũ được người khác, không sẽ gây phản cảm.
Khai bút thường hướng tới một sự tôn trọng sự học, tri thức và miễn là để người ta thấy trong không gian đó có dấu ấn của sự học, liên quan đến bút nghiên. Nó là sự biểu trưng, có khi người ta chỉ cần quệt một đường trên giấy cũng đã là một dấu ấn đầu năm có sự kiện liên quan đến bút mực. Còn nếu mà viết được những điều hay, lẽ phải thì càng tốt. Không thì tốt nhất viết suy nghĩ của mình, một câu nói hoặc một “sản phẩm” nào đó do mình nghĩ ra”, ông Tình chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Tình, không chỉ xét dưới góc độ văn hóa tín ngưỡng mà hiện nay trong mọi việc, nhà nước đang theo chủ trương tránh bệnh hình thức, đặc biệt trong ngành giáo dục, thì việc có những vị lãnh đạo khai bút mà đi “tô màu” lại chữ có sẵn là không phù hợp và không được hay, và sẽ không được thuận trong sự tiếp nhận của số đông.