“Lão gàn” 32 năm sống vỉa hè, làm nghề vá áo mưa

Ngày 06/12/2014 10:16 AM (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Sỹ, người gốc Hội An, nhà ở thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà. Nhưng hơn 32 năm qua ông chỉ quen sống trong ngôi chòi lụp xụp, được ghép từ những chiếc ô cũ kỹ nằm chênh vênh bên bờ sông Hoài (TP.Hội An, Quảng Nam), làm nghề vá áo mưa mưu sinh, tắm nhờ và... chỉ dùng đồ biếu.

Nhiều người yêu quí vẫn bảo ông là “lão gàn”, vì ông có nhà nhưng lại thích chọn lề đường để sinh sống bằng cái nghề tưởng chừng đã chìm trong dĩ vãng. Nhưng dù mưa hay nắng, ông vẫn quý trọng nơi này như 1 mái ấm thực thụ của mình. Biết được hoàn cảnh đơn chiếc của ông nên Bến thủy bộ Hội An cho ông ở mà không lấy tiền. 

“Lão gàn” 32 năm sống vỉa hè, làm nghề vá áo mưa - 1

 Gần 40 năm, ông Nguyễn Văn Sỹ ở lề đường, tắm nhờ, dùng hàng biếu và vá áo mưa để kiếm sống.

Khi trời chập choạng tối, "lão gàn" lại rón rén mang quần áo về Văn phòng bến thủy bộ Hội An để xin tắm rửa và giặt giũ nhờ. Hiểu được hoàn cảnh của ông nên người dân tại phố cổ Hội An đối xử với ông rất có tình.

Nhiều người dân thấy ông cô đơn, lại thật thà, tốt tính nên có gì ngon là mang tới mời ông. Nhờ thế mà hàng chục năm qua, ông chưa bao giờ đụng tới cái bếp để nấu bữa cơm như hồi người vợ còn sống.

Sau khi giặt giũ xong, ông mang quần áo ra bến sông hóng gió cho khô. Nếu qua đêm không khô, ông gói ghém để tối hôm sau mang ra phơi tiếp.

“Tui chỉ phơi buổi tối thôi chứ buổi sáng phơi mất vệ sinh lắm, ở đây gần chợ đông người nên tui thấy ngại. Sống ở đây thì phải chịu cảnh tắm nhờ thôi, hồi thì tắm ở văn phòng bến thủy bộ, cũng có lúc xin tắm ở nhà dân mà bí quá thì nhảy ùm xuống sông để giải tỏa cái nóng” - ông Sỹ cười hả hê.  

Điều lạ ở người đàn ông này là mọi vật dụng ông đang dùng đều có người tặng ông chứ ông không phải bỏ tiền túi để mua. Từ cái giường xếp để ngủ cho đến chiếc xe đạp, radio hay mền, chiếu ông đều được khách du lịch và người dân mua tặng. “Lần trước có ông khách tặng tui chiếc xe đạp đẹp lắm nhưng lúc ngủ bị trộm mất. Bà hàng xén bên cạnh thương tui cho chiếc xe đạp để đi lại, chiếc radio tui đang dùng cũng là quà của người khác tặng. Mấy cái ô (dù) thì mượn của mấy người tiểu thương gần chợ, nói chung đồ tui dùng là họ tặng với lại tui tận dụng đồ cũ thôi chứ tiền đâu mua” - ông Sỹ phân trần.

Nhiều người trầm trồ trước cuộc sống của ông Sỹ không chỉ là việc ở lề đường, tắm nhờ, dùng đồ biếu mà còn cái nghề mà ông mưu sinh gần 40 năm: Dán áo mưa. Ông bảo đây là cái nghề duy nhất ông kiếm ra tiền và ông sẽ đeo đuổi nó cho đến khi nằm xuống. Tấm bảng gỗ cũ rich trên ghi dòng chữ “Dán áo mưa” nằm chình ình ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong căn lều của ông.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ (năm 1982), tá túc ở lề đường là lúc ông bén duyên với cái nghề dán áo mưa và hành nghề kiếm sống đến giờ. Theo ông, nghề này chỉ đắt khách vào mùa mưa, còn mùa nắng thì rất vắng, mỗi ngày chỉ có 1, 2 người ghé và có ngày không có ai. Tùy theo lỗ thủng to nhỏ mà tiền công khác nhau, nhưng giá chỉ dao động từ 2.000 đến 10.000 đồng.  

“Lão gàn” 32 năm sống vỉa hè, làm nghề vá áo mưa - 2

 Nghề vá áo mưa mưu sinh của ông Sỹ.

Ông Sỹ tâm sự: “Hồi trước thì nhiều người vá bây giờ cuộc sống hiện đại rồi họ mặc rách tí là bỏ vì thế nên mình cũng đói theo. Một ngày đông khách lắm chỉ được khoảng 30.000 đồng là cùng, nhiều người khuyên tôi đổi nghề nhưng tôi không thích. Nghề ni ăn vào da thịt tôi rồi, làm nghề khác ngứa tay chân lắm”.

Gần 40 năm vá áo mưa, đôi bàn tay ông Sỹ chai sạn vì thường xuyên tiếp xúc với bếp lửa than. Đồ nghề rất đơn giản, chỉ vỏn vẹn chiếc que, 1 ít than củi đỏ lửa và tấm ni lông để vá. Sau khi chiếc que được đun nóng, ông Sỹ chà qua nến để giảm độ nóng của que, không để cháy áo mưa khi vá. Miếng vá nhỏ cùng loại với áo mưa được đặt lên chỗ thủng, sau đó ông lấy mảnh ni lông trong suốt đặt lên trên rồi cẩn thận dùng que nóng dí vào cho miếng vá dính vào áo mưa. Thế là chiếc áo mưa đặt lại lành lặn như trước. 

Ông Sỹ cười xuề xòa: “Làm nghề ni phải tỉ mỉ, cái que mà nóng quá thì dễ cháy áo mưa mắc công không có tiền mà đền. Dù là tiền thù lao ít nhưng làm cái nghề ni vui giúp được cho bà con nghèo, áo mưa rách có tí mà vứt thì phí”.

Theo Dũ Tuấn (Dòng đời)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot