Bộ đã tích hợp ba phân môn Đạo đức-Công dân, Lịch sử và Quốc phòng-An ninh thành môn học Công dân với Tổ quốc, đây là môn học bắt buộc. Cách thiết kế này đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Bộ GD-ĐT, giáo dục Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT.
Bộ GD-ĐT vừa ra bản báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình các ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, lịch sử là một nội dung học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong báo cáo, có nhiều ý kiến phản đối nếu Bộ GD-ĐT xếp môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị phải có các môn học Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng – An ninh trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vừa qua, rất ít học sinh chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, dự thảo chương trình tổng thể ở trung học phổ thông, đối với môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Môn học này đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng giá trị công dân (quyền và nghĩa vụ)….
Cũng theo Bộ GD-ĐT, nội dung giáo dục Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT.
Ngoài ra, ở cấp THPT, học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Công nghệ) hoặc môn Lịch sử và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (là môn học và chuyên đề học tập dành cho học sinh có thiên hướng về khoa học xã hội và nghệ thuật).
Đồng thời, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác nữa.
Trước đó, trả lời phóng viên, GS.TS.Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cơ quan Nhà nước phải nhận định môn Lịch sử không chỉ là môn học thông thường mà là môn học bắt buộc.
Theo GS.Vũ Minh Giang, học Lịch sử dung dưỡng ý thức dân tộc. Do đó, mọi người phải đối xử với nó khác. Không phải đưa ra cho học sinh thích chọn thì chọn mà không chọn thì thôi. Bởi Lịch sử có vị trí đặc biệt trong hệ thống tri thức nhưng mọi người nhìn nhận chưa xứng tầm.
“Tôi đề xuất để Toán, Văn, Sử là môn thi bắt buộc. Môn Toán giúp con người tư duy, sáng tạo. Môn Văn dạy cách diễn đạt, thể hiện suy nghĩ của cá nhân. Còn môn Sử dung dưỡng tinh thần và niềm tự hào dân tộc. Tôi cũng lưu ý, học kiến thức lịch sử, tâm hồn lịch sử, thái độ với lịch sử cần với mọi người. Không phải học lịch sử để ra làm nhà sử học”, GS.Vũ Minh Giang nói.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GD-ĐT đưa ra và lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.