Lo trái cây nhập khẩu tẩm chất độc, nhiều người ngừng ăn

Ngày 29/09/2014 09:53 AM (GMT+7)

Nhiều bà nội trợ tỏ ra hoang mang trước những thông tin trái cây để nhiều tháng không hỏng, trái cây Trung Quốc đội lốt hàng nhập “xịn", có bà mẹ đã tạm ngưng cho con ăn trái cây.

Mập mờ xuất xứ

Khảo sát các hệ thống siêu thị Metro, Big C, Ocean Mart… tại Hà Nội dễ nhận thấy lượng trái cây nhập khẩu chiếm 2/3 số lượng bày bán. Số cửa hàng chuyên trái cây nhập khẩu cũng xuất hiện ngày càng nhiều, và ngay các chợ, cửa hàng ven đường, thậm chí cả những xe thồ bán rong cũng có bán trái cây nhập khẩu.

Ngày 25/9, trong buổi giao ban công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật sớm làm rõ thông tin quả lê để năm tháng, táo để 9 tháng không hỏng và công khai kết quả tới người dân trong tháng 10.

Giá bán trái cây nhập khẩu đang có độ chênh lệch rất lớn, như cùng là táo Envy xuất xứ NewZealand, tại cửa hàng 80 Sơn Tây, Hà Nội giá 249.000 đồng/kg; cửa hàng 31B Đào Tấn giá 270-290.000 đồng/kg (tùy size), nhưng tại cửa hàng 72 Trần Thái Tông chỉ 75.000 đồng/kg, tại siêu thị Ocean Mart 99.000 đồng/kg… Hay cùng là nho Mỹ đỏ, siêu thị Big C đang bán gần 70.000 đồng/kg thì tại 31B Đào Tấn tới 250.000 đồng/kg. Trong khi nhân viên cửa hàng 71 Trần Thái Tông giải thích, giá rẻ là do cửa hàng là đại lý trực tiếp; thì nhân viên cửa hàng 31B Đào Tấn lại cho rằng, “tiền nào vải nấy” và “loại hàng giá rẻ chỉ bằng 1/3-1/4 của cửa hàng thì không thể là hàng “xịn”.

Lo trái cây nhập khẩu tẩm chất độc, nhiều người ngừng ăn - 1

Nho Úc nhập khẩu (theo nhãn đề trên sản phẩm) được bán trong siêu thị BigC.

Và điểm bất thường là, tất cả thị trường trái cây đều không có mặt hàng nào được người bán nhận xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hoa quả lớn thứ hai của Việt Nam sau Thái Lan. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 84 triệu USD hoa quả từ Trung Quốc, chủ yếu là quýt, cam, táo… Đó là chưa kể một lượng không nhỏ trái cây từ Trung Quốc tràn qua lối mòn tiểu ngạch không được khai báo, thống kê. Vậy số trái cây nhập từ Trung Quốc đã đi đâu nếu không phải đã “đội lốt” xuất xứ nào đó để ung dung tiêu thụ trên thị trường?

Chất lượng còn bỏ ngỏ

Có con gái nhỏ đang ở độ tuổi ăn dặm, chị Hương Thủy ở ngõ 354 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội thường “cắn răng” mua trái cây nhập khẩu cho con dù giá bán khá đắt đỏ. Nhưng những thông tin gần đây về trái cây nhập khẩu khiến chị chỉ dám cho con ăn bưởi da xanh và chuối của nhà nội gửi từ quê lên. “Rau, thịt, cá còn nấu chín được, trái cây là thức ăn tươi trực tiếp, nếu có chất tồn dư thì nguy cơ lớn cho sức khỏe trẻ nhỏ”, chị Thủy giải thích.

Nhiều bà nội trợ đang rất hoang mang trước những thông tin liên tục về trái cây nhập khẩu để nửa năm, thậm chí 9 tháng vẫn còn nguyên. Trên diễn đàn webtretho, các mẹ tranh nhau chia sẻ thông tin về những quả táo dán mác Ambrosia, Gala để quên 8, 9 tháng trên ban thờ vẫn tươi; những trái lê nhập khẩu bổ ra cả ngày cũng không có vết thâm đen. Ngay PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng lo ngại khi trái lê ông mua năm tháng vẫn tươi.

Trước những thông tin này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, không phải trái cây để lâu không hỏng là có chất độc. Bởi thời gian trái cây tươi lâu hay chóng còn tùy vào chủng loại, thời điểm thu hoạch, biện pháp bảo quản nào... Như bưởi, táo, lê, nếu thu hoạch chín muộn và sử dụng những chất bảo quản thực phẩm cho phép, có thể lưu giữ tươi được từ 6-12 tháng. 

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất bảo quản trái cây đó có vượt ngưỡng hay không mới là điều đáng bàn. Bởi theo Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu chỉ là lấy mẫu đến 10% lô hàng và được thông quan ngay. Với quy trình kiểm nghiệm cho kết quả trong vòng 7-10 ngày như hiện nay, kể cả khi phát hiện vi phạm, thì lô hàng trái cây thông quan từ nhiều ngày trước đã được tiêu thụ hết. Còn trái cây nhập khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc trái cây tẩm ướp hóa chất sau khi về đến Việt Nam thì hầu như đang bị “bỏ ngỏ”.

Theo Hải Quỳnh (Báo Giao Thông Vận Tải)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot