Loại lá dân dã này gắn liền với những bữa cơm nhà đạm bạc ở chốn quê xưa, giờ thành đặc sản ở thành phố.
Nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia L, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Cây nhàu cao chừng 6 – 8 m, thân nhẵn, màu lục hoặc nâu nhạt. Lá nhàu mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, nhọn ở đầu; mặt trên xanh lục bóng, mặt dưới nhạt.
Ở Việt Nam, cây nhàu phân bố từ Bắc tới Nam, trong đó có nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây. Chúng mọc ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông, bờ suối, ao hồ, kênh rạch. Theo tìm hiểu, cây lá nhàu tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Sau khi chặt tái cây có thể tái sinh từ chồi gốc khỏe.
Trái nhàu dài khoảng 5-7cm, kích cỡ to bằng 2/3 nắm tay người lớn, khi còn non có màu xanh nhạt, lúc chỉ sẽ ngả vàng. Vỏ của nó nhẵn, có những chấm tròn sần sùi đặc trưng, phần cơm bên trong mềm, có thể ăn được. Thứ quả này có thể ăn được như một loại hoa quả nhưng thường được dùng làm thuốc nhiều hơn vì những tác dụng đặc biệt của nó với sức khỏe, đặc biệt với những người có bệnh về huyết áp, đau nhức xương khớp, các vấn đề về tiêu hoá… Chúng được bán nhiều trên chợ mạng nên nhiều người biết tới.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng lá nhàu cũng có thể ăn được và còn làm thành món ngon nổi tiếng ở miền Tây, đó là món lịch um lá nhàu, lươn um lá nhàu.
Theo người dân địa phương, lươn um lá nhàu là món ăn đặc sản nổi tiếng vô cùng đặc trưng ở vùng miền Tây sông nước. Không những thế, món ăn này còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vị béo mặn của từng miếng thịt lươn kết hợp với hương lá nhàu khiến món ăn trở nên cuốn hút hơn.
Các công đoạn chế biến món này khá kỳ công và mất nhiều thời gian. Phải chọn những con lươn mình tròn, to, mập mạp rồi ngâm trong nước khoảng vài giờ để khử mùi tanh và nhớt. Sau khi làm sạch, mọi người sẽ chặt từng khúc nhỏ rồi bắt đầu ướp gia vị khoảng tầm 20 phút.
Theo kinh nghiệm của người dân Cà Mau, họ thường chỉ chọn những lá nhàu non để nấu món này. Sau khi rửa sạch, để ráo, người nấu đặt lá nhàu và một vài tép sả dưới đáy nồi. Người nấu đặt lươn ở giữa, cuối cùng là lớp lá nhàu ở trên cùng.
Tại các nhà hàng ở miền Tây, lươn um lá nhàu có mặt trong thực đơn, được nhiều khách ưa chuộng. Cũng chính vì thế, lá nhau - từ thứ lá dại rụng đầy gốc đã lên đời thành đặc sản, hái bán cho thương lái và các nhà hàng để kiếm bộn tiền.
Theo đông y, cây nhàu có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả (rễ, thân, lá, trái). Rễ nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, làm êm dịu thần kinh giao cảm, giảm đau nhức, hạ huyết áp... Trái nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu... Lá nhàu có tác dụng tăng lực, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt... Lá nhàu non um với lịch rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, tráng dương, cường thận...