Tưởng chỉ là cây mọc dại không ăn được, không ai biết đến, giờ đây cây lá dít trở thành đặc sản làm thành nhiều món ngon khó cưỡng.
Đến với vùng đất Phú Yên, bạn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản đặc sắc, trong đó phải kể tới những món ngon được chế biến từ lá dít.
Cây dít thuộc họ Zanthoxylum. Họ này có khoảng 250 loài, trong đó có loại gọi là cây sưng, sâng. Trung Quốc gọi là lưỡng diện châm vì hai mặt lá đều có gai. Cây dít là cây bụi thân leo, có gai. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm năm lá chét nguyên. Tại Việt Nam, cây lá dít mọc hoang dại khắp nơi, leo bờ rào ở một số huyện miền núi của tỉnh Phú Yên như Sơn Tịnh, huyện Sơn Hòa.
Nhìn bề ngoài, lá dít trông tựa như lá trà nhưng nhỏ hơn và mặt dưới phơn phớt tím. Một số dân sành ăn ở Phú Yên thích mê thứ "lá giang rừng" mới lạ này.
Anh Nguyễn Văn Bông - bếp trưởng một khách sạn ở Phú Yên cho biết các đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê… ở Phú Yên rất sành ăn lá dít. Món phổ biến của họ là nấu với thịt gà đi bộ. Vài chục năm trước trước, họ nấu với gà rừng với lá dít, nhưng nay lượng "gà bay" đã trở nên khan hiếm.
Một vài người đến Phú Yên đã mang cây lá dít về trồng trong vườn nhà, để dành nấu món ngon đãi khách quí, bón toàn phân hữu cơ, tuy nhiên lá đã giảm đi phân nửa mùi thơm đặc trưng và chậm nẩy chồi non hơn ở rừng. Theo tìm hiểu, lá dít cho vị chua thanh nhẹ - nhẹ hơn cả lá giang.
Lá dít nấu canh chua hợp với nhiều loại hải sản hoặc các loại chim rừng nhưng nấu với thịt gà tươi sống là chuẩn vị nhất, xứng danh là đặc sản. Khi ăn món này kèm một chén muối ớt rừng giã nhỏ, mùi thơm cùng với vị chua của lá dít hòa cùng vị ngọt thơm của thịt gà, cộng với vị cay của ớt trên đầu lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa.
Thời bao cấp, người dân sống trên vùng núi phía tây Phú Yên ăn món canh chua lá dít gần như quanh năm nhưng vẫn thấy hợp khẩu vị, chẳng ai kêu chán. Ngày nay, canh chua lá dít thịt gà là món đãi khách đặc biệt chỉ có ở Phú Yên. Nhiều người về thăm quê, công tác hoặc đi du lịch đến các xã miền núi Phú Yên đều coi đây là món khoái khẩu không thể thiếu trong bữa ăn. Lúc ra về, mỗi người mang về một ít lá dít để về nấu cho gia đình thưởng thức, nhưng chắc chắn là không ngon bằng nấu ăn tại chỗ.
Vì được nhiều du khách biết tới nên lá dít giờ đây cũng được mang ra mua bán. Người dân trồng hoặc hái ở rừng về sẽ bán cho các nhà hàng, quán ăn hoặc đem ra bán ở chợ.