Dù đã lên kế hoạch sẽ về dự Tết Trung thu cùng các em học sinh trường Lương Thế Vinh, nhưng cuối cùng thầy Cương đã lỡ hẹn và không bao giờ thực hiện được nữa.
"Sau lần lỡ hẹn với học trò, sức khỏe thầy Cương sụt rất nhanh"
Suốt 3 năm đồng hành cùng thầy Văn Như Cương trên con đường “chiến đấu” với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp – Phụ trách khoa Ung bướu người lớn và trung tâm xạ trị (Bệnh viện Vinmec) vẫn còn giữ trong trí nhớ của mình về một người thầy hết lòng vì học sinh, một người chiến binh dũng cảm chiến đấu với bệnh tật.
BS Hiệp cho biết, từ khi bắt đầu điều trị cho thầy Văn Như Cương (cuối năm 2014) cho đến khi gia đình xin cho thầy về nhà (ngày 6/10), chỉ có duy nhất một lần bác sĩ chứng kiến thầy “bất lực”. Đó là khi thầy không thể đến được với các em học sinh.
“Đó là ngày 4/10, thầy đã lên kế hoạch sẽ về dự Tết Trung thu cùng các em học sinh trường Lương Thế Vinh. Nhưng do sức khỏe quá yếu nên thầy không thể về chung vui được”, BS Hiệp chia sẻ.
Trong tâm trí, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp luôn nhớ về một người thầy hết lòng vì học sinh, một người chiến binh dũng cảm chiến đấu với bệnh tật
Khi không thực hiện được mong ước của mình, trong mắt thầy Cương tỏ rõ sự tiếc nuối. BS Hiệp cho biết, đó có lẽ là điều duy nhất thầy “lỡ hẹn” đối với học sinh trường Lương Thế Vinh.
Cũng sau lần “lỡ hẹn” đó, sức khỏe của thầy Văn Như Cương giảm sút nhanh chóng. 2 ngày sau đó, chính bác sĩ Hiệp đã phải thông báo tới gia đình cơ thể của thầy Cương không thể tiếp nhận bất cứ thứ gì (trơ sinh học). Bác sỹ khuyên gia đình nên đưa thầy về nhà để thầy có những giây phút cuối đời gần bên con cháu.
“Khi thông báo tình trạng với vợ thầy Cương, tôi nhận thấy cảm giác mất mát thể hiện rõ trên sắc mặt của của cô. Cô nhẹ nhàng đón nhận thông báo từ tôi và biết rằng lần này không còn bất cứ tia hy vọng nào nữa”, BS Hiệp nhớ lại.
Theo BS Hiệp, trong suốt 3 năm điều trị cho thầy Cương, không dưới 3 lần bác sĩ phải thông báo tình trạng nguy kịch cho gia đình, nhưng những lần đó đều còn tia hy vọng và bằng ý chí của mình thầy Cương đều vượt qua.
“Có lẽ qua những lần đó, cô Oanh (vợ thầy Cương) đã có sự chuẩn bị sẵn tâm lý cho ngày ra đi của chồng”, BS Hiệp nói.
Hai vợ chồng thầy là đôi uyên ương không tuổi
Nói về người vợ của thầy Văn Như Cương, BS Hiệp cho rằng: “Hiếm có một người vợ nào chu đáo, tình cảm và tuyệt vời như cô Oanh. Và ngược lại, cũng hiếm có người chồng nào hết lòng lo lắng, yêu thương vợ như thầy Cương”.
Những em học sinh trường Lương Thế Vinh trong một lần vào thăm thầy Cương ở bệnh viện
Trong mắt BS Hiệp, vợ chồng thầy Cương là đôi uyên ương không có tuổi. Điều này không chỉ bác sĩ Hiệp mà tất cả các điều dưỡng, nhân viên y tế đều được chứng kiến.
“Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cách thể hiện của vợ chồng thầy Cương lại rất hiện đại, đó có thể là những nụ hôn lên má, những câu xưng hô anh – em hay những cái nắm tay tình cảm trên giường bệnh”, BS Hiệp chia sẻ.
Còn thầy Cương, dù thân mang trọng bệnh, nhưng lúc nào cũng chỉ lo cho sức khỏe của người vợ hiền. Ví dụ điển hình nhất là trước khi mất vài tuần, khi thấy vợ bị đau chân, thầy Cương đã lên mạng đặt mua liên 3 tuýp kem giãn tĩnh mạch rồi chuyển đến tận nhà cho vợ. Cũng trong thời gian này, thầy Cương luôn nhắc các con phải chăm sóc sức khỏe mẹ thật tốt.
Nói về ấn tượng lớn nhất trong suốt 3 năm điều trị cho thầy Cương, BS Hiệp trả lời ngắn gọn: “Ở thầy toát lên một tinh thần, nghị lực hiếm có. Một con người có đam mê và sức sống mãnh liệt. Chính thầy đã truyền nghị lực cho chính đội ngũ bác sĩ chúng tôi”.
Lịch trình lễ tang, viếng và truy điệu PGS Văn Như Cương: Lễ viếng được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10/2017 (tức ngày 23/8 âm lịch) tại nhà tang số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày. 13h30 phút - 14h30 phút: Gia đình sẽ đưa thi hài thầy Văn Như Cương qua cơ sở A (Nam Trung Yên) và Cơ sở 1 (Tân Triều) và làm lễ tiễn đưa thầy tại đây. An táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển. |