Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, học sinh bỏ học sớm diễn ra thường xuyên ở các trường học tại huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Không ít em mang bầu khi đang đi học, thậm chí nữ sinh phải ôm con nhỏ đến trường để tiếp tục việc học, nuôi dưỡng ước mơ khi tương lai phía trước xa vời.
Cõng con đến trường tìm... chữ
Mường Lát là huyện vùng biên xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 300km về phía Tây, có biên giới giáp Lào. Đây là huyện miền núi nghèo và nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú và cả người Kinh.
Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là vấn đề vô cùng nhức nhối đối với chính quyền và để lại nhiều hệ lụy lên chính cuộc sống của đồng bào nơi đây. Gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn (lấy chồng, lấy vợ từ thuở 14 – 15 tuổi giảm đáng kể). Dù vậy, tình trạng học sinh kết hôn khi còn đi học, ở lứa tuổi 16-17 vẫn còn khá phổ biến, điều này kéo theo việc học sinh bỏ học hàng loạt trong các năm học.
Thầy Nguyễn Nam Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Mường Lát cho biết, nhà trường có 743 học sinh, trong đó có tới 364 học sinh thuộc hộ nghèo. Năm học 2017 – 2018, có 40 học sinh bỏ học giữa chừng. Trong năm học 2018 – 2019, chỉ tính từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đến nay đã có 25 em bỏ học. “Mặc dù nhà trường rất cố gắng để khuyên nhủ, vận động các em tiếp tục đến lớp, nhưng một khi các em đã không có quyết tâm học, không thích đi học thì có vận động đến mấy cũng chỉ giữ được chừng 1/2 các em trở lại lớp. Chúng tôi dự đoán, như thường lệ, số học sinh bỏ học vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm”, thầy Sơn nói.
Theo thầy Sơn, các học sinh nghèo tại trường được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền, gạo của Nhà nước. Trong đó, có 602 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, 391 học sinh được hỗ trợ chỗ ở, mỗi năm được hưởng 9 tháng. Được hưởng hỗ trợ là vậy nhưng vẫn không đủ để giúp các em mặn mà với việc đi học. “Có rất nhiều lý do khiến các em muốn bỏ học. Nhiều em thì bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, có em thì bỏ học để đi làm thuê, em thì gia đình muốn ở nhà để giúp việc nương rẫy. Thậm chí, có nhiều trường hợp là học sinh trong trường yêu rồi cưới nhau. Ở đây, mới vào lớp 10 các em đã yêu sớm, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Hiện nay, trường đang có 1 em học sinh mang bầu nhưng vẫn đến lớp, còn 1 em khác thì đã lấy chồng, sinh con vẫn đưa con theo để tiếp tục đi học”, thầy Sơn cho hay.
Nữ sinh Lò Thị Ng. (SN 2001), hiện đang học lớp 12 tại trường mới sinh con được 4 tháng. Có vẻ ngoài xinh xắn, dáng người cao ráo so với bạn bè cùng trang lứa, dù đã làm mẹ nhưng Ng. vẫn không giấu được vẻ non nớt, ngây thơ của một nữ sinh phổ thông. Sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Khơ Mú ở xã Tén Tằn, vào lớp 10, Ng. khăn gói xuống thị trấn Mường Lát để tiếp tục đi học. Vào sống trong khu làng học sinh của trường, cuộc sống xa gia đình, không có bố mẹ thường xuyên kèm cặp, quản lý nên các em tự do tìm hiểu, yêu đương ngay chính các bạn cùng học. Chồng của Ng. cũng học cùng trường, đã học xong lớp 12. “Chúng em yêu từ năm lớp 10, vì có bầu trước nên phải cưới. Ban đầu, bố mẹ cũng không đồng ý nhưng không còn cách nào khác. Chồng em năm nay 20 tuổi, vừa mới đi nhập ngũ rồi”, nữ sinh Ng. cho biết.
Không giống như nhiều nữ sinh khác kết hôn xong là bỏ học về bản, Ng. rất ham học. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi sinh con, em vẫn tiếp tục bế con đến trường. Để có thời gian đến lớp, Ng. phải nhờ mẹ đẻ từ trên bản xuống ở cùng để chăm con. Chia sẻ với hoàn cảnh của em, nhà trường đã nhường căn phòng của một thầy giáo cho 3 bà cháu, mẹ con Ng. ở tạm.
Hàng ngày, hết giờ học trên lớp, Ng. về phòng cho con bú và nấu cơm, giặt giũ. Nhìn Ng. bế đứa trẻ ngoan ngoãn trong vòng tay, không ai nghĩ đây lại là hai mẹ con vì em còn quá non nớt. Ng. cho biết, dù sinh con sớm nhưng may mắn, em được bố mẹ chồng hỗ trợ. Vì hai vợ chồng không làm ra tiền nên kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào bố mẹ chồng. Nói về tương lai của mình, Ng. rụt rè nói: “Em vẫn thích đi học, ước mơ sau này của em là trở thành cô giáo mầm non”.
Chị Lò Thị Lặp (SN 1978), mẹ đẻ của Ng. cho biết: “Gia đình tôi rất nghèo, có tới 4 người con, con gái đầu cũng đã kết hôn. Gia đình chưa muốn con gái lấy chồng quá sớm, muốn cháu học hành đến nơi đến chốn nhưng vì Ng. đi học xa, chúng tôi không quản được. Bây giờ hai vợ chồng tôi cũng vất vả lắm. Tôi thì phải bỏ nhà để xuống đây chăm cháu nhỏ, ở nhà chỉ có chồng và 2 đứa con cũng đang đi học”. Câu hát “lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn” trong một bài hát Lá Diêu Bông của nhạc sĩ Trần Tiến thật đúng với nơi đây.
Ảnh mimh họa. Nguồn: báo Công Lý.
Nguyên nhân học sinh bỏ học “dựng vợ, gả chồng”
Theo thầy Nguyễn Nam Sơn, tình trạng học sinh yêu sớm ở trường khá phổ biến. Mặc dù, nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn giáo dục giới tính cho học sinh, hướng dẫn các em nữ cách tự bảo vệ bản thân, đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, vui vẻ thu hút các em đến trường, nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh những nguyên nhân về ý thức, hủ tục lạc hậu của đồng bào thiểu số ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, thầy Sơn cũng cho biết, công tác quản lý học sinh còn nhiều bất cập, khó khăn. Nhà trường có khu làng học sinh được tài trợ bởi nguồn vốn của một tổ chức phi Chính phủ, sau đó tập đoàn Viettel đầu tư thêm để hoàn thiện làng với các khu nhà sàn bê tông cho học sinh ở xa đến ở. Có 30 căn nhà như vậy, có thể chứa tối đa 300 em học sinh. Tuy nhiên, khu nhà lại không có tường rào bảo vệ.
Theo thầy Sơn, buổi tối thanh niên ở ngoài thường vào khu làng học sinh của trường để trêu ghẹo, gây rối ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hơn nữa, học sinh ở bên trong cũng thoải mái ra ngoài đi chơi, làm quen với người ngoài. Học sinh thì đông nên nhà trường không thể quản lý hết được.
Theo báo cáo của phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mường Lát, tình trạng học sinh bỏ học trong học kỳ 1 năm học 2018-2019 vẫn còn nhiều, có 26 học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nguyên nhân chủ yếu là tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện trên 60%, nhận thức của nhân dân đối với giáo dục chưa được chú trọng và ỷ lại hoàn toàn cho nhà trường, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, quản lý và đôn đốc học sinh đến lớp. Bên cạnh đó, bản thân học sinh vùng miền khả năng tiếp thu, tính tự giác trong học tập chưa cao.