Lưu ý đặc biệt khi cúng ông Công ông Táo, trong đó có một sai lầm nhiều người gặp phải

Kiều Linh - Ngày 22/01/2022 06:59 AM (GMT+7)

Tục lệ cúng ông Công ông Táo đã có từ lâu đời nhưng quá trình thực hiện người dân vẫn cần có một số lưu ý để không thiếu sót hoặc phạm vào đại kỵ.

Sai lầm khi cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông cho biết, tục lệ cúng ông Công ông Táo đã có từ lâu đời và vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều người làm vẫn đại khái, thậm chí là còn sai sót.

Ông Tuệ cho biết, trong hệ thống thần thánh của Đạo giáo, mỗi gia đình có một hệ thống thần linh bản gia bao gồm ông Thần tài, ông Thổ Công và ông Táo hay còn gọi là Táo quân. Trong đó, mỗi người cai quản, phụ trách một lĩnh vực, ông Công sẽ cai quản đất đai trong một gia đình, còn ông Táo sẽ cai quản chuyện bếp núc. 

Theo định lệ và quan niệm của Đạo giáo thì đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị này sẽ lên hội thiên đình để báo cáo kết quả công đức hoặc luận tội trong một năm của gia đình mình cai quản. Dân gian hay gọi là lên chầu trời. “Sau khi báo cáo xong, các vị thần này sẽ nhận chỉ thị của thiên đình để xem năm mới sẽ như thế nào, đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình mình cai quản”, ông Tuệ cho hay.

Ngoài mâm cơm, lễ cúng trong ngày ông Công, ông Táo cần phải chuẩn đủ các lễ vật. Ảnh minh họa.

Ngoài mâm cơm, lễ cúng trong ngày ông Công, ông Táo cần phải chuẩn đủ các lễ vật. Ảnh minh họa.

Do định lệ đã được quy định rõ rằng, vì thế ngày cúng ông Công ông Táo tốt nhất là đúng ngày 23 tháng Chạp. Một số gia đình vì nhiều lý do cúng trước, nhưng điều này là không nên vì có cúng xong, chưa đúng ngày các vị cũng chưa thể lên thiên đình được. 

“Đa số mọi người chỉ cúng tiễn ông Công, ông Táo đến ngày cuối cùng của năm lại không cúng mời Táo quân về. Trường hợp không mời thì các ông cũng vẫn về lại gia đình, nhưng việc được mời về sẽ tôn nghiêm hơn”, ông Tuệ cho hay.

Vì sao nên dọn dẹp ban thờ sau ngày 23 tháng Chạp?

Chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ cho biết, cùng ngày cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, bao sái nơi thờ tự. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao không dọn dẹp trước? Ông Tuệ cho rằng nơi thờ tự là chốn tôn nghiêm, linh thiêng, hàng ngày các vị thần vẫn còn ngự ở trên đó, nên gia chủ thường không làm. Đến ngày 23 tháng Chạp, khi các vị thần đi chầu trời, người dân mới tiến hành dọn dẹp. 

Chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng nên làm thủ tục bao sái ban thờ đúng ngày 23 tháng Chạp.

Chuyên gia Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng nên làm thủ tục bao sái ban thờ đúng ngày 23 tháng Chạp.

Theo vị chuyên gia này, việc dọn dẹp nơi thờ tự nên tiến hành sau lễ cúng ngày 23/12. Các thủ tục bao gồm rút bớt chân nhang lau chùi ban thờ, các vật dụng thờ tự. Tất cả các việc làm này không có gì phức tạp, mọi người chỉ cần cố gắng làm một cách cẩn thận, tránh đổ vỡ là được.

“Khi thực hiện phải dùng khăn sạch, có thể dùng nước thơm để tỏ lòng thành kính với đấng tôn nghiêm. Một số vùng miền cũng ra mộ thắp hương cho tổ tiên trong ngày này để cầu an.

Khi rút chân nhang cần làm thật cẩn thận, rút từng ít một và để lại một ít chân nhang cũ chứ không rút sạch. Có một vấn đề hết sức quan trọng khi rút chân nhang, đó là khi dọn dẹp mọi người thường bỏ bớt tro trong bát hương thay tro mới. 

Khi dọn dẹp, rút chân nhang cần chú ý việc để lại cốt bát hương. Ảnh minh họa.

Khi dọn dẹp, rút chân nhang cần chú ý việc để lại cốt bát hương. Ảnh minh họa.

Khi thay, cần hết sức lưu ý vì một số nơi đặt bài vị của các vị tổ tiên, thần linh vào lòng bát hương, đó còn gọi là “cốt” bát hương. Qúa trình dọn dẹp nếu không chú ý đổ mất bài vị này thì rất “dở”. Có thể mang lại điềm “gở” và việc làm lại thủ tục rất phức tạp”, chuyên gia Trọng Tuệ lưu ý.

Đối với thủ tục cúng lễ, theo ông Tuệ tùy mỗi vùng miền sẽ có thủ tục khác nhau, nhưng vẫn có những thủ tục không thể thiếu. Đó là chuẩn bị một tờ sớ, trong đó ghi tên tuổi các thành viên gia đình, các mong muốn trong năm mới để nhờ các vị thần tiên lên tấu biểu với các vị thần ở cấp cao hơn.

Ngoài tờ sớ, theo định lệ dân gian thì sẽ có cúng cá chép. Lý do là vì cá chép là một linh vật có thể “hóa rồng” và đưa được các vị Táo quân lên trời. Cùng với cá chép là các vật phẩm kèm theo như chân hài, mũ áo để các vị có hành trang lên thiên đình.

Văn khấn 23 tháng Chạp theo phong tục cổ truyền Việt Nam
Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là mọi người lại rục rịch chuẩn bị cho lễ cúng ông Táo về trời. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách làm...

Ngày ông Công ông Táo

Kiều Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán