Ngoài việc nghiên cứu có nên thêm biểu tượng Dislike hay không, Mark Zuckerberg còn tiết lộ sắp tới Facebook sẽ phát triển phần mềm học trực tuyến.
Đã có hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới đến dự buổi gặp mặt tại hội trường Q&A (hội trường Hỏi-Đáp) của Facebook ngày 16/9. Nhiều người không thể đến dự đã gửi câu hỏi đến ban tổ chức của chương trình hoặc hỏi đáp thông qua mạng internet.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg với trang phục giản dị, áo phông màu xám và quần bò quen thuộc đã đối thoại một cách cởi mở. Thỉnh thoảng anh cũng pha trò cùng MC của chương trình tạo nên những tràng cười của khán phòng. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, Mark cùng các khán giả đã giao lưu về các lĩnh vực khoa học, giáo dục, thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo và cả về cô con gái nhỏ sắp ra đời của anh.
Mark Zuckerberg cởi mở, giản dị trong buổi giao lưu.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất được MC đọc đầu tiên: “Chào Mark, cho tới hôm nay, tại sao Facebook chỉ có nút Like. Chúng tôi muốn nhiều lựa chọn hơn thế như nút “I’m sorry”, “Interesting” hoặc “Dislike” chẳng hạn”.
Mark đã trả lời: “Tôi biết đã có rất nhiều người hỏi chúng tôi về nút Dislike trong suốt vài năm qua. Hàng trăm người đã trực tiếp hỏi tôi về điều đó. Hôm nay là một ngày đặc biệt vì vậy tôi sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc của quý vị.
Cho đến hiện tại Facebook vẫn chỉ có một nút Like duy nhất. Các bạn có thể thấy khi bạn đăng một status lên Facebook, các bạn sẽ không muốn nhận một phản hồi xấu như Dislike. Ngoài ra còn bởi vì chúng tôi muốn giao diện thật đơn giản nhất có thể. Ngoài nút Like các bạn còn có nút Share và Comment. Tuy nhiên chúng tôi rất cảm ơn sự phản hồi của quý vị và sẽ có những cập nhật tốt hơn trong thời gian sắp tới”.
Mark cũng cho biết thêm, sắp tới Facebook sẽ cung cấp nền tảng để phát triển phần mềm học trực tuyến. Việc này dựa trên ý tưởng về phương pháp học của mỗi học sinh, sinh viên là khác nhau. Facebook sẽ phát triển phần mềm học trực tuyến mềm dẻo nhất có thể. Mỗi học sinh, sinh viên có thể sử dụng phần mềm để học tập theo cách riêng của họ. Họ có thể cùng thảo luận, chia sẻ video bài học thậm chí nêu các thắc mắc của mình với giáo viên một cách thuận tiện nhất.
Một khán giả ở Ấn Độ đã đặt câu hỏi cho Mark về dự định trong tương lai cho con gái sắp ra đời của anh. Mọi người đều biết hai vợ của Mark đã rất khó khăn để mang thai. Trước đó, cô đã bị sảy thai vài lần. Mark cũng rất thẳng thắn chia sẻ: “Trong một xã hội cởi mở hơn. Cuộc sống của con gái tôi sẽ thoải mái và an toàn hơn. Nó có thể thoải mái bày tỏ ý kiến. Cũng như các con của quý vị sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, không quan trọng trai hay gái, da trắng hay da màu”.
Trong tương lai gần Facebook còn phát triển hệ thống đánh giá lứa tuổi của người dùng dựa theo các thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích hiển thị những thông tin phù hợp trên dòng thời gian.
Facebook cũng sẽ sớm phát hành phiên bản mới của ứng dụng Messenger. Ngoài việc chat, mọi người có thể thực hiện cuộc gọi video đáp ứng thời gian thực từ bất cứ đâu trên thế giới.
Facebook là một website truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành. Mark Zuckerberg thành lập Facebook cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Việc đăng ký thành viên website ban đầu chỉ giới hạn cho những sinh viên Harvard, sau đó được mở rộng cho tất cả mọi người trên thế giới. Tính đến tháng 9/2012, Facebook hiện có hơn một tỷ thành viên tích cực trên khắp thế giới. Hiện tại, Facebook có số lượt truy cập đứng thứ 2 của thế giới sau Google. |