Giới truyền thông đã nói rằng, Mark Zuckerberg đang đối mặt với thử thách khó khăn nhất trong suốt khoảng thời gian lãnh đạo Facebook cũng như cả cuộc đời mình.
Khoảng 2h sáng ngày 11/4, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã tham dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ để trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ bê bối để lộ dữ liệu người dùng, ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử năm 2017.
Có thể nói, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời Mark Zuckerberg.
Bê bối để lộ thông tin người dùng
Trước đó, vào ngày 19/3, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã vướng phải một vụ bê bối vô cùng lớn. Cụ thể, Facebook thừa nhận Cambridge Analytica, công ty có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã truy cập và lưu trữ trái phép lượng lớn dữ liệu của 50 triệu người dùng mạng xã hội này.
Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Vụ bê bối đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và thương hiệu của Facebook. Nhiều người dùng mạng xã hội này lo ngại rằng, liệu thông tin của họ có bị lộ ra hay đánh cắp hay không. Thậm chí, nhiều người còn tuyên bố sẽ không sử dụng Facebook nữa vì đã mất niềm tin.
Facebook đã lưu trữ mọi thứ
Vào rạng sáng ngày 11/4, Mark Zuckerberg đã tham dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ để trả lời những câu hỏi liên quan tới vụ bê bối. Sự kiện khiến dư luận cả thế giới quan tâm.
Tại đây, Mark thừa nhận rằng Facebook chưa bao giờ kiểm soát việc dữ liệu người dùng bị rò rỉ.
Khi được Thượng nghị sĩ Deb Fischer hỏi: "Facebook lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Lưu tất cả những gì chúng tôi nhấp vào ư? Nó có bị lưu trữ ở đâu khác không?". Mark trả lời: "Đúng, chúng tôi lưu trữ thông tin người dùng từ từng cú click chuột".
Thượng nghị sĩ Edward Markey tiếp tục đưa ra câu hỏi rằng Facebook có nhận được sự đồng ý của người dùng rằng thông tin của họ có thể bị chia sẻ và bị bán hay không? CEO của Facebook đã trả lời: "Facebook đã nói trước với người dùng về việc chia sẻ thông tin trong "điều khoản dịch vụ". Tuy nhiên, tôi muốn làm rõ điều này trước, Facebook không bán thông tin người dùng".
Mark thừa nhận Facebook đã lưu trữ mọi thông tin người dùng.
Nói về vụ bê bối liên quan đến công ty Cambridge Analytica, Mark nói rằng Facebook đã phạm một sai lầm khi để công ty này tiếp tục tiếp nhận thông tin người dùng sau khi kết thục hợp đồng khách hàng.
Hệ thống của Facebook chưa tốt
"Làm thế nào 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ thông tin cá nhân trong khi chỉ có 300.000 tài khoản tự nguyện chia sẻ thông tin", Thượng nghị sĩ Jerry Moran hỏi.
Mark đáp trả: "Quan điểm của Facebook là chúng tôi không vi phạm thỏa thuận ấy. Ứng dụng này chỉ hoạt động dựa trên những gì chúng tôi đã thiết kế, vấn đề là chúng tôi đã làm hệ thống này chưa tốt".
Mark liên tục đổ lỗi cho hệ thống và khẳng định người dùng và máy tính có trách nhiệm chủ yếu, vì Facebook chạy trên nền tảng giao tiếp API – phương thức để các phần mềm kết nối với nhau.
Mark bị cười khi nói về độc quyền
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã chất vấn Mark về vấn đề độc quyền của Facebook. Lindsey so sánh rằng: "Nếu tôi mua Ford, và nó không hoạt động tốt, tôi không thích nó, tôi có thể mua Chevrolet. Nếu tôi buồn với Facebook, sản phẩm tương đương tôi có thể đăng ký là gì?".
Ban đầu, Mark đưa ra một loạt đối thủ như: Google, Apple, Amazon hay Microsoft. Mark đã trả lời dài dòng và chung chung về các nhóm đối thủ của mình và nói rằng Facebook cạnh tranh với các đối thủ đó theo nhiều cách khác nhau. Nhưng anh không thể đưa ra một công ty đối thủ thật sự của Facebook.
Mark bị Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham ngắt lời và hỏi rằng anh nghĩ sao nếu Facebook bị cho là một nhà độc quyền. "Tôi không nghĩ vậy", Mark trả lời. Câu đáp trả của anh khiến cả hội trường cười rộ lên chế giễu.
Tập tài liệu dày cả trăm trang mà Mark Zuckerberg mang theo để "đỡ đòn".
Facebook có thể ra phiên bản trả phí
Sở dĩ Facebook được phép sử dụng thông tin người dùng trong một số trường hợp nhất định là bởi người dùng sử dụng Facebook miễn phí. Chính vì vậy, nhiều thượng nghị sĩ đã hỏi Mark có nên xem xét một phiên bản mới của Facebook phải trả phí hay không. Tức là người dùng có thể trả tiền để sử dụng Facebook và không còn bị biến thành "món hàng" để tạo ra lợi nhuận cho nền tảng này.
Mark đã trả lời rằng, Facebook đang cân nhắc tới phương án này nhưng cần thời gian để nghiên cứu thêm.
Vụ bê bối để lộ thông tin người dùng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Facebook cũng như sự nghiệp của Mark Zuckerberg. Người dùng Facebook từ khắp nơi trên thế giới đang rất quan tâm tới vụ việc này và mong muốn Facebook hãy đưa ra câu trả lời cũng như giải pháp thỏa đáng để lấy lại lòng tin của họ.