Cuộc sống quá đỗi khó khăn, chị Hương đành bán chiếc xe máy – tài sản lớn nhất của gia đình, để mua gạo, rau, thuốc… cho bố mẹ và các con.
Dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát, chị Thu Hương (SN 1981, Hà Nội) - mẹ đơn thân có 3 cậu con trai mắc bệnh máu khó đông đã phải nghỉ làm. Thậm chí đến chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh bao năm qua, chị cũng đã bán. Chị bảo giờ chỉ mong trong nhà có đồ đạc gì giá trị để đem bán lấy chút tiền cầm cự qua ngày nhưng… ước mơ ấy chẳng bao giờ thành hiện thực.
Chị Hương vốn là người làng Nhật Tân (Tây Hồ). Vài năm trước, chị đã bán đất và nhà để chạy chữa cho 3 đứa con mắc bệnh hiểm nghèo với hi vọng chúng khỏe mạnh hơn. Nhưng ông trời lỡ “trêu đùa” với số phận của 3 đứa trẻ không cha ấy: Bệnh không những không thuyên giảm mà càng nặng hơn!
“Bán nhà, bố mẹ và 4 mẹ con tôi dọn ra phía sau chợ Nhật Tân thuê trọ. Ngày ngày, tôi đi rửa bát mướn cho một nhà hàng trên phố cổ với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tối đến, tôi chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm với mong muốn được đồng nào hay đồng ấy. Nói chung thu nhập mỗi tháng của tôi chừng 10 triệu - đủ chi phí thuốc thang cho 3 đứa nhỏ”, chị Hương thở dài.
Chị Thu Hương (SN 1981, Hà Nội) - mẹ đơn thân có 3 cậu con trai mắc bệnh máu khó đông
Khi dịch COVID-19 quay trở lại Hà Nội, nhà hàng nơi chị Hương làm việc đóng cửa vì không có khách. Đó cũng là thời điểm chị bị… mất việc. Chị đành bấu víu vào nghề chạy xe ôm công nghệ nhưng tiền kiếm được chẳng đáng là bao. “Dịch bệnh nên người dân ra đường ít hẳn, cũng không đặt xe nhiều như trước. Vì thế tôi chạy được cuốc nào là mừng cuốc đó, rồi chắt chiu từng đồng mua thuốc cho con. Đến lúc thành phố yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra đường để phòng, chống dịch thì tôi thất nghiệp hẳn”, người mẹ nghèo nói.
Không có việc làm đồng nghĩa với chuyện chị Hương không có tiền lo cái ăn cái thuốc cho 3 con trai. Chị kể thời gian qua, gia đình chị phải ăn cơm trắng với rau hoặc mắm. Có bữa nhà hết sạch tiền, chỉ còn lon gạo không đủ nấu cơm, chị đành nấu nồi cháo loãng để các con húp ấm bụng.
Không có việc làm đồng nghĩa với chuyện chị Hương không có tiền lo cái ăn cái thuốc cho 3 con trai.
Chị tâm sự: “Tôi có thể nhịn vài bữa hoặc ăn qua loa chứ 3 thằng nhỏ đang độ tuổi lớn lại có bệnh ăn vậy sống sao nổi? Chúng từ lâu đã không biết đến mùi vị của miếng thịt... Nhưng lực bất tòng tâm, tôi biết phải làm sao bây giờ? Bố mẹ tôi thì già yếu, không còn sức lao động nữa rồi.
Hiện tôi phải đi vay để lo từng bữa cho cả nhà, tiền trọ nợ 2 tháng nay. Chủ nhà hẹn nếu đến 5/8 tới mà không nộp đủ thì chúng tôi phải dọn đi nơi khác ở. Tôi có khất nhưng xin mãi làm sao được, dịch thế này ai cũng khó khăn cả”.
Tuần trước – Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, chị Hương nghe ngóng được ở Hàng Trống có người phát gạo miễn phí cho hoàn cảnh khó khăn liền chạy đến. Không may chị vừa tới thì chủ nhà dừng phát để đảm bảo phòng, chống dịch. Chị buồn bã trở về nhà.
Cuộc sống quá đỗi khó khăn, chị Hương đành bán chiếc xe máy – tài sản lớn nhất của gia đình, để mua gạo, rau, thuốc… cho bố mẹ và các con. Chị kể bán xe được 4 triệu đồng, chị dành một phần mua thuốc giảm đau cho con, phần còn lại mua thức ăn nhưng giờ đã hết.
“Không có thuốc uống, 3 đứa trẻ đau đớn nhiều lắm. Tuy vậy chúng biết thương mẹ nên chẳng kêu ca gì cả, chỉ hỏi: Bao giờ thì hết dịch hả mẹ? Liệu chúng con có chịu được đến khi dịch đi qua hay không? Tôi nghe vậy chẳng biết nói sao, đành nuốt nước mắt vào trong. Phận làm mẹ không lo nổi cho các con cuộc sống tốt quả thật rất đáng trách. Vì thế tôi quyết định bán xe máy”, chị nghẹn ngào.
Cuộc sống quá đỗi khó khăn, chị Hương đành bán chiếc xe máy – tài sản lớn nhất của gia đình, để mua gạo, rau, thuốc… cho bố mẹ và các con.
Biết mẹ sẽ bán xe máy, con trai đầu của chị Hương đã hỏi một câu khiến chị nín lặng: “Mẹ bán xe, hết dịch lấy đâu phương tiện đi làm”. Chị lặng người một lúc và vẫn giữ nguyên quyết định. Bởi chị biết không bán xe thì lấy đâu tiền mua thuốc? Chị không thể trông mắt nhìn cả 3 đứa con chịu đớn đau thêm ngày nào nữa.
Nhắc đến ước mong, chị Hương khẽ mỉm cười: “Chắc ai trên đất nước này cũng có mong ước như tôi – đó là dịch bệnh sớm đi qua để có thể quay lại ổn định cuộc sống”.
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng chị Hương vẫn không mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Chị luôn nghĩ đến lợi ích chung của những người xung quanh. Bởi vậy người dân lao động sống ở xóm trọ của chị luôn đánh giá chị là người phụ nữ hiền lành, tốt tính nhưng chịu quá nhiều khổ đau: Trải qua 2 đời chồng, sinh được 3 con trai thì cả 3 đều bệnh; nhà cao cửa rộng phải bán đi và giờ có nguy cơ đối diện với cảnh “màn trời chiếu đất” vì không nơi ở.