Bỏ rơi con chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, bất kỳ người phụ nữ nào cũng thấy đau xót. Nhưng điều đáng trách là họ đã không vượt qua được hoàn cảnh, mặc cảm số phận để cưu mang chính giọt máu của mình…
Bỏ rơi con do không vượt qua được chính mình
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục “dậy sóng” xung quanh những vụ việc mẹ nhẫn tâm bỏ rơi đứa con ruột của mình. Mới đây nhất, ngày 11/8, đại diện Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe cho một bé gái sơ sinh nặng 2,5 kg do người dân nhặt được tại vườn hoa thuộc địa phận phường Hà Cầu (Hà Đông).
Cách đó không lâu, ngày 26/6, một bé trai cũng được phát hiện bị bỏ trong một thùng xốp bên trên vỉa hè thuộc địa phận phường Kim Giang (Thanh Xuân).
Trước đó, vụ mẹ bỏ rơi con 8 tháng tuổi tại Quảng Trị vào tháng 4 và bé trai 7 tháng tuổi được người dân nhặt về tại Thái Nguyên tháng 3 vừa qua đã khiến dư luận bàng hoàng trước những hành động đi ngược với chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Bé gái bị bỏ rơi tại vườn hoa thuộc địa phận phường Hà Cầu (Hà Đông) đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến những hành động trên, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn cho rằng, có nhiều lý do khiến người phụ nữ buộc lòng phải bỏ rơi đứa con ruột của mình.
Thứ nhất là do ngoại cảnh tác động. Có thể do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, không đủ tài chính để lo cho cuộc sống của con, người mẹ đã không “chiến thắng” được số phận và phải mang con đi “nhờ nuôi hộ” với hi vọng con họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguyên nhân thứ hai nằm ở tâm lý mặc cảm, xấu hổ và không vượt qua được chính mình. Điều này thường xảy ra đối với các bạn gái còn trẻ, nhẹ dạ cả tin trong tình yêu dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn. Đến khi người đàn ông “cao chạy xa bay”, để lại một mình người phụ nữ phải xử lý “kết quả” của tình yêu thì đa phần những người này lại không dám đối diện với gia đình, người thân, xấu hổ với bạn bè nên tìm cách chạy trốn, thoái thác trách nhiệm bằng hành động thiếu suy nghĩ là “mang con bỏ chợ”.
Theo ông Chất, dưới thời phong kiến xa xưa, người ta rất “kỵ” với những người phụ nữ “không chồng mà chửa”. Với những người vi phạm, hình phạt sẽ là cạo đầu bôi vôi cho trôi sông hay rêu rao khắp làng để sỉ nhục người đó và “dằn mặt” những kẻ khác. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, tư tưởng của con người về tình yêu và hôn nhân cũng ngày càng được nới rộng.
Việc một người phụ nữ có con trước hôn nhân và trở thành bà mẹ đơn thân đã dần được xã hội chấp nhận. Vậy nên, lời khuyên đối với những người phụ nữ đã “trót dại”, đang có ý định bỏ rơi máu mủ của mình thì hãy dừng ngay hành động vô lương tâm ấy lại. Cố gắng yêu thương giọt máu của mình để không phải ân hận về sau.
Bên cạnh đó, đã có nhiều trường hợp do mâu thuẫn tình cảm với chồng, gia đình nhà chồng hoặc một sự kiện làm chấn động tâm lý khiến người phụ nữ muốn bỏ đứa con để “trả thù” chồng. Đây được coi là hành động vi phạm đạo đức, không xứng đáng với tư cách là một người mẹ.
Ông Chất cho rằng, tựu chung những nguyên nhân dẫn đến việc mẹ bỏ rơi con là do người mẹ đã không vượt qua được chính bản thân mình, không dám đối mặt với khó khăn, gian khổ. Cùng với đó, “định kiến” xã hội vô hình chung vẫn tạo ra sự mặc cảm đối với người phụ nữ nếu “lỡ bước”. Từ đó dẫn đến những hành động thiếu lý trí, tước bỏ tình mẫu tử thiêng liêng là vứt bỏ đứa con chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau của mình.
Đáng thương hay đáng trách?
Những trường hợp bỏ rơi con mới sinh hoặc bỏ rơi con được vài tháng tuổi được ghi nhận đã khiến nhiều người đau lòng, xót xa. Bên cạnh những ý kiến thể hiện sự cảm thông với hoàn cảnh bất đắc dĩ của bậc sinh thành, cũng có nhiều quan điểm thể hiện sự gay gắt, coi đây là hành động không thể chấp nhận được.
Bé trai kháu khỉnh bị mẹ ruột bỏ rơi tại Quảng Trị kèm theo bức thư "nhờ nuôi hộ" được dư luận quan tâm thời gian vừa qua
Những người lên án hành động mẹ bỏ rơi con thì cho rằng, người mẹ đã không trân trọng, không xót xa, thậm chí vô cảm mới có thể bỏ con cho người khác nuôi như vậy. “Có bao nhiêu bà mẹ bất chấp thị phi để nuôi giọt máu của mình, vậy mà người này nỡ lòng nào bỏ rơi con. Nếu là người bố nào đó thiếu suy nghĩ, không sinh đẻ nên không quyến luyến mà bỏ con đã đành, mẹ dứt ruột mà cũng mang cho con đi rồi kêu khổ, khổ như thế thì ai chả khổ được! Người này chỉ biết nghĩ cho bản thân, ích kỷ và tàn ác. Chẳng có cái lí do cao cả nào có thể biện minh cho hành động đó!”, một phụ nữ bức xúc sau vụ bé trai 8 tháng tuổi bị bỏ rơi cùng bức thư “nhờ nuôi hộ” tại Quảng Trị, tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng, để quyết tâm cho con đi, chắc các bà mẹ cũng đau lòng lắm, có lẽ do hoàn cảnh khó khăn và bị bệnh thật. Một độc giả tỏ lòng cảm thông: “Con mình đẻ ra ai mà không thương? Tự biết bản thân mình không thể nuôi nổi cho con mới đem cho, chứ để cháu nó lớn trong điều kiện không có bất cứ gì hay lỡ cháu bệnh mà không có tiền chữa trị thì sao. Chẳng nhẽ thương con là bắt con mình đẻ ra phải theo mình chịu cảnh đói, bệnh tật, ốm đau của người mẹ sao? Mẹ nào chẳng muốn được yêu thương, nuôi nấng con do mình mang nặng đẻ đau, nhưng như thế không có nghĩa là muốn con cái theo mình để chịu cái khổ cực. Thà mình đau khổ chứ không muốn con cái khổ theo mình”.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất phân tích: “Những người phụ nữ nếu đã từng bỏ rơi đứa con mình dứt ruột đẻ ra chắc chắn sẽ bị chấn động về tâm lý. Khi đối diện với đứa con mới (nếu có) thì họ sẽ luôn bị nỗi ám ảnh và day dứt về đứa con đã bỏ rơi. Họ sẽ sống trong mặc cảm tội lỗi, như vậy là đáng thương. Nhưng điều đáng trách là họ đã không vượt qua được chính mình, không tỉnh táo để đưa ra quyết định sáng suốt để rồi phải hối hận cả đời”.