Mẹ muốn bán tim lấy tiền cứu con: Lấy sự sống của mẹ cứu con là điều không thể được

Ngày 17/12/2016 15:41 PM (GMT+7)

Theo quy định hiện hành, hiện nay pháp luật cấm toàn bộ việc lấy mô, tạng, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Vì thế, việc bán tim để lấy tiền chữa bệnh cho con là bất khả thi.

Trong những ngày qua thông tin về một người mẹ có nguyện vọng bán tim của mình nhằm mục đích lấy tiền chữa bệnh cho con đang khiến nhiều người quan tâm. “Tôi biết, lựa chọn này chắc chắn gia đình và nhiều người sẽ ngăn cản tôi. Nhưng tôi không thể nhìn con thơ khổ mà tôi lại sống vui vẻ được. Giá như tôi có thể làm được điều gì đó cho gia đình, cho xã hội. Nhưng thật buồn tôi không thể làm được gì ngoài việc bán đi trái tim của mình, chấp nhận chết để lấy tiền điều trị tiếp bệnh cho con mình”, người mẹ chia sẻ.

Trước những chia sẻ và mong muốn của người mẹ này, không ít người bày tỏ sự cảm thông vì hoàn cảnh quá khó khăn và không còn cách nào khác nên mới phải nghĩ đến cách “bán tim” mình để cứu con.

Mẹ muốn bán tim lấy tiền cứu con: Lấy sự sống của mẹ cứu con là điều không thể được - 1

Chị Hoa muốn bán tim của mình để cứu con trai.

Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại về quyết định trên của bà mẹ trẻ vì bán tim lấy tiền để chữa bệnh cho con cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ phải ra đi mãi mãi. Hơn nữa theo pháp luật hiện hành, việc bán tim là không thể thực hiện được.

"Việc bán tim lấy tiền chữa bệnh cho con dù là nguyện vọng tha thiết của người mẹ, nhưng theo quy định hiện hành thì đây là hành vi thương mại, nên sẽ không được thực hiện" - Ths.BS Nguyễn Trọng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Ths.BS Nguyễn Trọng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết, theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc, tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại. Đồng thời, phải giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ep buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến…

“Đối với các bác sĩ, thì việc lấy sự sống của người này để cứu người khác là không thể” - ông Nguyễn Xuân Vinh, Bệnh viện Việt Đức.

Như vậy, dù việc bán tim nhằm mục đích lấy tiền chữa bệnh cho con dù là nguyện vọng tha thiết của người mẹ, nhưng theo quy định hiện hành thì đây là hành vi thương mại, nên sẽ không được thực hiện.

Cũng liên quan đến vấn đề này CNĐD Nguyễn Xuân Vinh – Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) từng cho biết, chưa cần nói đến việc buôn bán, trong trường hợp người khỏe mạnh muốn hiến tim mình để cứu người khác, kể cả những người thân trong gia đình cũng không thể thực hiện được. “Đối với các bác sĩ, thì việc lấy sự sống của người này để cứu người khác là không thể”, ông Vinh cho biết.

Theo các bác sĩ, hiện nay Việt Nam đã thực hiện được nhiều ca ghép tim thành công, tuy nhiên những trường hợp nay nguồn tim đều được lấy từ những người được xác định là đã chết não. Tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam và thậm chí là cả thế giới chưa có trường hợp nào lấy tim của người sống khỏe mạnh để ghép cho người bệnh.

Cuối cùng ThS Phúc thông tin, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan, da có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h