Đối với Trâm, thời thanh xuân đẹp đẽ, sức sống và đáng sống nhất là khi học ở Học viện Cảnh sát, còn những giây phút hạnh phúc nhất đó là nghe tiếng con khóc chào đời và nhìn thấy con ngày 21/7.
Sau hơn 2 tuần chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, bà mẹ Đậu Thị Huyền Trâm, người từ chối điều trị ung thư để con chào đời đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà. Trâm đã ra đi, nhưng “tài sản” lớn nhất Trâm để lại và làm được đó chính là đứa con trai của mình – bé Trần Gấu.
Đặc biệt hơn, trong những ngày cuối cùng khi đang điều trị căn bệnh ung thư, Trâm đã gửi những lời cuối cùng đối với những người thân ở lại. Trong dòng thư cuối ấy, người mẹ được Trâm nhắc đến nhiều nhất.
“Nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm nữa, hoặc 1 - 2 năm nữa khoẻ mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi”, đó là những lời chia sẻ trong bức thư cuối cùng của Trâm.
Người mẹ được Trâm nhắc đến nhiều nhất trong lá thư cuối cùng.
Nhưng phép màu đã không đến với Trâm, dù người nữ chiến sĩ cảnh sát đầy đã kiên cường, bản lĩnh để chống chọi lại bệnh tật. Có lẽ mong muốn nhỏ nhoi 1,2 năm nữa khỏe mạnh của Trâm là để cô thực hiện những việc làm còn dang dở, để Trâm được gần gũi, chăm nuôi con trai của mình và phần nào báo đáp công ơn của mẹ.
Nhưng mọi thứ đã là định mệnh, Trâm đã ra đi mãi mãi trong sự tiếc thương vô hạn của nhiều người. Dù Trâm đã ra đi, nhưng những gì nữ cảnh sát này làm đã khiến hàng triệu trái tim người Việt cảm phục và nhớ mãi về một người mẹ, một người chiến sĩ cảnh sát từ chối điều trị ung thư để con được ra đời.
Xin đăng nguyên văn thư của chị Đậu Thị Huyền Trâm:
"Gửi gia đình và người đàn ông của em!
Từ bé, con lớn lên trong truyền thống gia đình là công an. Dù luôn nghĩ rằng mình không vào được đâu nhưng mỗi lần nhìn vào bộ đồ của bố mẹ treo ở tủ cạnh bàn thờ bố, con càng ao ước được học trường bố học, mặc màu áo bố mặc kiểu như để an ủi mình, mình cũng có kỷ niệm về bố dù khi bố mất con còn đỏ hỏn.
Mất 2 lần để thực hiện 1 giấc mơ, nỗi đau khi thất bại không là gì khi đến được thành công. Con học 5 năm học viện, ngày con đỗ mẹ và anh tự hào thế nào, con còn giật mình vì dường như còn vui hơn cả con.
Đó là ngày mà con không bao giờ quên, không phải vì mình vui thế nào mà hôm đó mẹ và anh đã xúc động thế nào. 12 năm đi học, 6 năm đèn sách, con không giúp được mẹ gì cả, chỉ biết học, mẹ là người hiểu con nhất, biết con học được gì và yếu gì.
Mẹ thấy con không theo kịp lớp học thêm mẹ không ngại thuê gia sư dù hoàn cảnh mình là 1 tay mẹ vừa kiếm tiền vừa lo nội ngoại. 1 đứa học lực như con mà đỗ học viện thì 100 người trên 100 người kể cả thầy cô giáo nói là vì con có người mẹ như mẹ.
Thế rồi ra trường, đi làm được mấy tháng, quen, yêu rồi lấy chồng. Tính ra cuộc đời mình chưa làm được gì, chưa biết gì.
Mình lấy về có bầu liền, cả nội ngoại vui trông thấy, được một cu cậu, mình lại thấy cái hạnh phúc, tự hào đó ở mọi người.
Đáng lẽ cuốn sách chỉ nên dừng ở đó và có một kết cục hạnh phúc. Nhưng mình phát hiện ra tế bào ung thư khi mang thai tháng thứ 5, ung thư giai đoạn cuối.
Sức khoẻ mình, mình biết chứ, nhưng nhiều người thương mình cố giấu. Rồi sau tất cả, chấp nhận và cùng bên mình chữa trị.
Vốn không thích tự xoáy sâu vào cái không vui của mình. Mình nghĩ lại thời gian qua mình đã sống, thực sự còn quá nhiều điều mình muốn làm. Nhưng rất may mình có gia đình, người thân, bạn bè đã sát cánh bên mình lúc này.
Nghĩ xem, quan trọng gì sống bao lâu, sống thế nào mới đúng. Nhưng nếu có phép màu, cho mình thêm 5 năm nữa, hoặc 1,2 năm nữa khoẻ mạnh chút, mình chuẩn bị một vài thứ cho những người mình thương yêu, chứ đừng để ốm đau mãi rồi đi.
Bây giờ trong mình mọi thứ đã qua đều là kỷ niệm quý giá. Những gì đang có là tận dụng để cho mọi người biết mình yêu mọi người thế nào.
Và thời gian ở Học viện cảnh sát chính là thời thanh xuân đẹp đẽ, sức sống và đáng sống nhất của mình".