MH370 và 6 tháng khổ đau

Ngày 07/09/2014 12:28 PM (GMT+7)

“Mọi người cảm thấy tức giận và bất lực. Đã có 2 hoặc 3 người họ hàng cao tuổi của các hành khách trên chuyến bay MH370 qua đời mà không biết tình trạng của con cái mình ra sao. Trong khi đó, rất nhiều người trên chuyến bay này là trụ cột của gia đình, việc họ biến mất đã khiến gia đình phải đối mặt

Những bước chân đi về suốt 6 tháng

Cứ vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, bà Dai Shuqin, 61 tuổi lại bắt chuyến xe buýt kéo dài 2 tiếng đồng hồ để tới một tòa nhà xám xịt ở ngoại ô Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi 3 thế hệ trong gia đình người chị gái của bà mất tích trên chuyến bay MH370 khi đang trong hành trình từ Kuala Lumpur về Bắc Kinh, bà Dai luôn rơi vào tình trạng lo âu, phấp phỏng, thiếu ngủ và không còn cảm giác ngon miệng. Vì vậy, hằng tuần bà quay trở lại tòa nhà này, một trung tâm hỗ trợ thông tin được thành lập vào tháng 5 sau khi hãng hàng không Malaysia Airlines ngừng trả tiền cung cấp chỗ ở miễn phí cho các gia đình hành khách trên chuyến bay xấu số này tại khách sạn Lido ở trung tâm thành phố.

Không chỉ có bà Dai Shuqin, rất nhiều người tại Trung Quốc cũng có thói quen như vậy. Mỗi lần tới đây họ được yêu cầu điền tên của mình và người thân vào các mẫu đơn. Trong một chiếc hộp ở phía bên dưới, họ có thể đặt câu hỏi cho nhà chức trách, song có thể những câu hỏi đó không bao giờ được trả lời.

MH370 và 6 tháng khổ đau - 1

Thân nhân của hành khách mất tích trên chuyến bay MH370 biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Trung tâm này nằm bên dưới một đường bay ở sân bay Bắc Kinh. Khi những người thân chờ đợi để có được thông tin mới nhất thì từng giây phút, họ phải nghe tiếng động cơ máy bay chạy ầm ầm ở phía trên.

Bà Dai cho biết: “Đôi khi, có tới 100 người ngồi đây, mà căn phòng lại quá bé. Họ từ chối cung cấp nước hay thức ăn cho chúng tôi. Vào mùa hè, chỉ có văn phòng của nhân viên là có điều hòa. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Việc tìm kiếm thông tin thực sự rất khó khăn.”

Lo ngại nỗi tuyệt vọng cùng sự bực tức của thân nhân hành khách sẽ khiến họ không kiềm chế được cảm xúc, vì vậy trung tâm này được bảo vệ khá cẩn thận. Bà Dai cho biết, vào đầu tháng 7 vừa qua, một nhóm người từ vùng nông thôn đã tới Bắc Kinh, tuy nhiên họ đã bị bắt giữ khi cố gắng ngủ lại tại trung tâm này.

“Đó là những người nông dân. Rất nhiều người trong số họ đã ngừng làm việc khi chiếc MH370 cùng người thân biến mất. Họ phải bán đất đai, tài sản để theo đuổi hành trình tìm kiếm người thân. Khi tới đây, những người này muốn ngủ lại để có thể tiết kiệm. Tuy nhiên cảnh sát đã tống giam họ. Họ thậm chí còn kéo cả một đứa trẻ mới 6 tuổi khỏi người cha của mình và ném ông ta vào xe cảnh sát”, bà Dai nói.

Bà cũng cho biết: “Tất cả các gia đình tới đây đều rất sợ hãi. Mỗi lần, trước khi tới đây, tôi đều nói với gia đình mình rằng nếu như không thấy tôi trở lại, có nghĩa là tôi đã gặp rắc rối. Những người khác cũng làm như vậy.”

MH370 và 6 tháng khổ đau - 2

Ông Jack Song, 48 tuổi, có chị gái là Song Chunling, trên chuyến bay MH370

Trong khi đó, ông Jack Song, người có chị gái trên chuyến bay MH370 cho biết: “Tình hình của chúng tôi hiện tại đang ngày càng tồi tệ hơn. Thật buồn khi chúng tôi không còn được ở khách sạn, mọi người đã khóc. Tuy nhiên ít ra chúng tôi có thể có thể thành lập các nhóm để giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. 6 tháng trôi qua mà không có một sự tiến triển nào. Chúng tôi cảm thấy rất tuyệt vọng”.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều thân nhân của các hành khách, trong đó đa phần là người Trung Quốc vẫn tin rằng người thân của mình có thể vẫn còn sống, cho dù đây chỉ là hy vọng mong manh. Về phần mình, hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết họ đã xử lý vụ việc dựa trên tinh thần tôn trọng và từ chối tiết lộ những thông tin quan trọng có thể gây tổn hại cho hãng.

Kết quả đều tra sẽ dần được công bố

MH370 và 6 tháng khổ đau - 3

Các chuyên gia đang tìm kiếm MH370 tại một khu vực có diện tích rộng lớn ở Ấn Độ Dương

Về phía đội tìm kiếm, ông Martin Dolan, Cục trưởng An toàn giao thông Australia (ATSB), người đang dẫn đầu nhóm tìm kiếm cho biết, ông thấu hiểu sự hoài nghi của gia đình các nạn nhân, ông nhấn mạnh các nhà điều tra vẫn đang cố gắng để đưa những thông tin mới một cách minh bạch nhất tới họ.

Ông Martin Dolan khẳng định: “Thông điệp của chúng tôi đó là các chuyên gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực tập trung để tìm kiếm chiếc máy bay và lý giải vì sao chiếc máy bay này lại biến mất một cách bí ẩn. Chúng tôi sẽ dần công bố kết quả điều tra, tuy nhiên họ cần có thời gian để kiểm tra. Chúng tôi không cố che giấu bất kỳ điều gì. Chỉ là chúng tôi không muốn công bố khi mọi thứ chưa được làm sáng tỏ. Chúng tôi sẽ cố gắng cởi mở với các bạn nhất có thể”.

Trước đó vào ngày 26/6, ATSB đã công bố một bản báo cáo dài 58 trang trên trang web của mình và cập nhật những thông tin mới nhất vào ngày 18/8.

6 tháng qua đi, khi câu chuyện về chuyến bay MH370 vẫn còn là bí ẩn thì ông Jack Song cho biết: “Mọi người cảm thấy tức giận và bất lực. Đã có 2 hoặc 3 người họ hàng cao tuổi của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã qua đời mà không biết tình trạng của con cái mình ra sao. Trong khi đó, rất nhiều người trên chuyến bay này là lao động trụ cột của gia đình, việc họ biến mất đã khiến gia đình phải đối mặt với những vấn đề kinh tế. MH370 đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi và những người có liên quan. Nhiều người hiện đang đứng bên bờ vực sụp đổ.”

Nguyễn Nhung/Theo Telegraph (Khám phá)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370