Một môi trường giáo dục lành mạnh là nơi mà các phụ huynh chia sẻ với nhà trường trách nhiệm nuôi dạy con cái chứ không phải xin xỏ để dễ dàng trở nên uất ức đến bất trí.
Đúng một tuần sau vụ một cô giáo ở Long An bị phụ huynh học sinh ép quỳ gối trong trường để trả đũa cho việc cô giáo bắt học sinh phải quỳ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo.
Khi không có niềm tin thì những phụ huynh bất trí, với những hành vi bất trí, vẫn sẽ còn tiếp diễn. Tranh minh họa: Tuổi trẻ
Cuối cùng thì người đứng đầu ngành giáo dục đã phải chính thức lên tiếng trước một hành vi phản giáo dục nghiêm trọng xảy ra trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, điều mà người dân trông đợi ở ông Phùng Xuân Nhạ là giải pháp để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, chứ không phải chỉ là sự lên tiếng để thuần tuý bảo vệ nhân viên trước hành vi bất trí của phụ huynh học sinh.
Công văn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi Lãnh đạo tỉnh Long An nêu: "Sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta".
Nội dung này đúng, nhưng không đủ. Bởi sau công văn này, vị phụ huynh học sinh vô lối kia có thể phải trả giá cho hành vi của mình. Nhưng lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo, và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc không vì thế mà hồi sinh. Những điều quý giá đó không thể lấy lại được chỉ bằng một sự trừng phạt, dù nghiêm khắc thế nào, nếu như môi trường giáo dục, mối quan hệ thày trò, phụ huynh học sinh với nhà trường, không lành mạnh trở lại.
Một môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mà mối quan hệ thày trò, quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường lành mạnh thì không thể có chuyện cô giáo trừng phạt học sinh bằng cách bắt cả lớp phải quỳ, cũng không có chuyện cô giáo phải quỳ trước phụ huynh, và ban giám hiệu nhà trường thì bỏ đi.
Chuyện xảy ra ở một ngôi trường ở một địa phương, có thể không mang tính đại diện cho môi trường giáo dục của một quốc gia. Song, khi một sự việc như thế đã xảy ra mà người đứng đầu của ngành giáo dục chỉ nhìn nhận đây là một việc làm quá khích của phụ huynh, để đề nghị xử lý một cá nhân cụ thể, đó mới chính là vấn đề nghiêm trọng.
Vị phụ huynh ở Bến Lức, Long An có thể phải trả giá cho hành động bất trí của mình. Song điều đó có chấm dứt được tình trạng tương tự xảy ra ở các ngôi trường khác hay không? Ở bất cứ nơi đâu cũng có những vị phụ huynh bất trí và hành xử côn đồ với giáo viên, và vụ việc tương tự không phải lần đầu tiên xảy ra, khi họ mất kiểm soát bởi cho rằng con cái của họ bị hạ nhục, hoặc bạo hành ở trường.
Những khoảnh khắc hạnh phúc trong một lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại Trường THCS Hy Vọng (Hà Nội). Ảnh: Nam Nguyễn
Khi một người cha đưa con đến trường học, điều mong muốn lớn nhất của họ là con mình sẽ được học hành để trở thành người tốt. Nếu người cha đó tin tưởng thầy cô, tin tưởng nhà trường có thể dạy dỗ con em mình trở thành người tốt, họ có bất trí như vậy không? Vấn đề ở đây là sẽ không có người cha nào giữ được niềm tin đó, khi con mình bị giáo viên bắt quỳ, không phải một, mà là ba, bốn lần. Dĩ nhiên, dù mất niềm tin, cũng chỉ có những kẻ bất trí người đàn ông ở Long An mới có thể trả đũa một nữ giáo viên bằng cách bắt quỳ.
Cái công văn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể sẽ khiến người đàn ông bất trí đó trả giá. Nhưng, nó không đủ để lấy lại niềm tin của hàng triệu phụ huynh học sinh vào sự tử tế, lành mạnh của môi trường giáo dục. Và khi không có niềm tin, thì những phụ huynh bất trí, với những hành vi bất trí, vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Vậy thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải làm gì để lấy lại niềm tin của nhân dân vào môi trường giáo dục? Ông cần phải nhìn nhận câu chuyện buồn thảm ở Long An như một vấn đề của ngành giáo dục mà ông phụ trách, thay vì nhìn nó như vấn đề của một cá nhân bất trí. Với góc nhìn đó, thay vì soạn một cái công văn đòi xử lý vị phụ huynh, ông cần lập tức đưa ra một cam kết xây dựng chương trình hành động để làm lành mạnh hoá môi trường giáo dục.
Một môi trường giáo dục lành mạnh là nơi mà người thầy có thể đàng hoàng làm thầy mà không cần bận tâm mình có phải công chức hay không. Nơi mà những đứa trẻ đến trường học chữ với sự tin yêu chứ không phải nỗi sợ hãi đối với thầy cô. Nơi mà các phụ huynh chia sẻ với nhà trường trách nhiệm nuôi dạy con cái chứ không phải xin xỏ để dễ dàng trở nên uất ức đến bất trí. Đó là môi trường mà các thầy cô ứng xử với nhau bằng tình đồng nghiệp chứ không phải là quan hệ cấp dưới cấp trên.
Để có được một môi trường giáo dục như thế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất các chính sách phù hợp để chấn hưng giáo dục, chứ không phải đơn giản là soạn một cái công văn để đối phó với phụ huynh.
Nhưng để làm như vậy, trước hết, Bộ trưởng cần nhìn nhận vấn đề của ngành giáo dục là danh dự, uy tín của mình chứ không phải là sự bất trí của một vài phụ huynh.