Một cô giáo kỷ luật học sinh bằng cách bắt các em quỳ gối, việc này khiến một số học sinh lo sợ và không dám đến trường. Câu chuyện còn đi xa hơn nữa khi phụ huynh yêu cầu cô giáo phải quỳ.
Tôi nhớ hồi tôi học lớp vỡ lòng và thậm chí khi vào lớp một, cô giáo dạy lớp tôi cực kỳ nghiêm khắc, mỗi khi học sinh viết chữ xấu cô thường bắt đặt úp tay cầm bút lên bàn và dùng thước kẻ bằng gỗ lim vụt mạnh, hay cách trừng phạt khác là véo tai xách ngược lên rất đau. Rất nhiều bạn cùng lớp đã khóc ré lên, tôi cũng vậy.
Hình thức vụt vào tay học sinh, véo tai của cô giúp cho nhiều bạn viết chữ nắn nót và đẹp hơn. Có điều, khi lớn lên chưa bao giờ tôi oán trách cô giáo một lời bởi tôi nghĩ rằng, việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh chỉ làm chúng tôi sợ và chăm chỉ hơn, chứ không phải hành hạ và nhục mạ học trò.
Các cô còn áp dụng hình thức khác như bắt đứng úp mặt ở cuối lớp, dọn dẹp vệ sinh, viết bản kiểm điểm hoặc nặng hơn thì mời phụ huynh đến trao đổi, đình chỉ học hay nặng nhất là buộc học sinh thôi học. Nhưng với những hình thức xử lý nặng đó rất hiếm khi xảy ra bởi trong thâm tâm mỗi giáo viên chủ nhiệm, không ai muốn kỷ luật học sinh, khi vẫn còn có thể uốn nắn, dìu dắt các em. Để buộc một học sinh thôi học, Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ họp lên họp xuống, không ai muốn và bản thân mỗi giáo viên cũng không nỡ...
Vẫn biết việc cô giáo áp dụng hình thức kỷ luật là bắt họ sinh quỳ là sai khi chọn hình thức mang tính miệt thị và ấu trĩ. Đáng ra, cô giáo trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức - Long An nên có sự bình tĩnh, chọn lựa các hình thức kỷ luật như trong hướng dẫn của Thông tư 08 của Bộ Giáo dục - Đào tạo về "Khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông"... Mong rằng, trường hợp của cô sẽ là sự cố điển hình để các giáo viên khác lưu ý, né tránh.
Nhưng khi phụ huynh quá nóng giận dẫn đến mất khôn, đòi sự bình đẳng cho con cái mà quên đi rằng, việc "bắt buộc" cô giáo thực hiện lại hành vi quỳ lạy không chỉ làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân cô giáo mà còn ảnh hưởng đến danh dự tập thể giáo viên nhà trường. Xa hơn nữa là danh dự của toàn ngành giáo dục. Nếu ai cũng hành xử như vậy, liệu các giáo viên có còn nghiêm khắc, có còn muốn uốn nắn học sinh của mình nên người?.
Lâu nay, dư luận xã hội vẫn đang có cái nhìn thiếu thiện cảm về ngành giáo dục bởi những chuyện tiêu cực này nọ, từ đó dẫn đến tâm thế các bậc phụ huynh tự cho mình cái quyền can thiệp vào việc giáo dục quá nhiều. Thậm chí, với những sự việc lẻ tẻ, nhỏ nhặt của học sinh ở trường và một số ứng xử không khéo của giáo viên, cũng khiến rất nhiều phụ huynh "lên đồng" tập thể, có những ứng xử không hay trong giao tiếp với giáo viên và nhà trường, ứng xử không phải trên mạng xã hội...
Các bậc phụ huynh phó thác con em cho nhà trường, cho giáo viên, nhưng mỗi khi có chuyện, ngay lập tức các phụ huynh phản ứng, phản ứng từ việc giao nhiều bài tập về nhà, phản ứng từ việc nâng mức đóng góp đầu năm học, phản ứng về việc con không được xếp ngồi bàn đầu và đỉnh điểm là xúc pham nhân phẩm giáo viên khi cho rằng họ đối xử với con mình không tốt, nhiều người tưởng thế là "oai oách", tưởng thế là quan tâm đến con nhưng thực sự việc can thiệp đó là thô bạo, bóp méo hết truyền thống "tôn sự trọng đạo" và hơn nữa là dung túng cho thói xấu của học sinh.
Ở đây, chúng ta sẽ không đi sâu bàn về sự việc đã rồi, là hành vi xử phạt của giáo viên và cách hành xử của cha mẹ học sinh, chúng ta sẽ bàn về việc, có nên áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh hay không, và liệu kỷ luật có làm học sinh tốt hơn.
Cả một thời gian dài, dư luận xã hội có ý kiến về việc giao bài tập ở nhà, về quyền tự do, về quyền bảo vệ thân thể của trẻ, về việc tôn trọng cá tính, thói quen của trẻ để đứa trẻ phát triển lành mạnh. Nhiều gia đình của bạn bè tôi, đã áp dụng rất nhiều biện pháp tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, ví như trước khi vào phòng con phải gõ cửa, không được đăng nhập facebook của con, cho phép con bảo lưu quan điểm của mình khi tranh luận... Tất cả những điều đó tạo nên sự độc lập, tự tin và chủ động của đứa trẻ.
Tuy nhiên, tôn trọng quyền của trẻ em không có nghĩa chúng ta không được phép trừng phạt, không được phép kỷ luật con em mình mỗi khi các con có lỗi. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng: Cần phải áp dụng các biện pháp kỷ luật các học sinh có lỗi, vi phạm kỷ luật lao động và học tập. Chỉ có áp dụng các biện pháp kỷ luật, chúng ta mới uốn nắn và dạy dỗ trẻ nên người.
Vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
Giáo dục luôn yêu cầu sự nêu gương, một người lính sẽ vững tin hơn khi chỉ huy mình có mặt nơi tiền tuyến đốc thúc quân sỹ chiến đấu, một học sinh sẽ ngoan ngoãn và chuẩn mực hơn nếu người thầy mô phạm, đạo đức. Trẻ em luôn nhìn thấy ở cha mẹ, thầy cô của mình những giá trị chuẩn mực để học hỏi - nhờ sự nêu gương của họ.
Một ý kiến khác cho rằng, nếu chúng ta tôn trọng trẻ nhỏ một cách thái quá, liệu có làm các em coi nhẹ khi phải trả giá quá thấp cho việc phạm lỗi? Với mỗi mức độ vi phạm, cần có các hình thức xử lý kỷ luật thích đáng mang tính răn đe, để uốn nắn trẻ. Đôi khi, những đứa bé được chiều chuộng thái quá, được nương nhẹ các hình thức kỷ luật, sẽ dẫn đến những hành vi sai trái sau này. Vậy nên, giáo dục muốn tốt phải có tính kỷ luật, phải có sự thưởng phạt, uốn nắn và không thể nhân nhượng với những điều chưa hay, chưa phải của trẻ.
Cũng như trong thể thao, để đạt được huy chương vàng các vận động viên không chỉ đổ mồ hôi và nước mắt, để nhanh hơn - xa hơn - mạnh hơn, các vận động viên phải nỗ lực, bền bỉ luyện tập và có tính kỷ luật cực cao. Trong giáo dục - đào tạo cũng vậy, để có những học sinh ưu tú, bên cạnh việc động viên, khen thưởng khích lệ, cần có sự kỷ luật nghiêm khắc, để uốn nắn, rèn luyện học sinh nên người.