Tại bệnh viện E, phòng tán sỏi ở cách xa phòng mổ, nên khi bệnh nhân gần 70 tuổi gặp sự cố trong khi tán sỏi đã không được cấp cứu kịp thời, gây ra cái chết thương tâm.
Ngày 26/3, chúng tôi nhận được thông tin ngày 24/3, một bệnh nhân gần 70 tuổi đến bệnh viện E (đường Trần Cung, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) tán sỏi thận, sau đó bị chết. Thông thường, tại các bệnh viện lớn thì phòng tán sỏi bằng laser thường được đặt tại phòng mổ hoặc phòng có các trang thiết bị cấp cứu hiện đại tương đương với phòng mổ để khi tán sỏi có điều gì xảy ra sẽ cấp cứu kịp thời. Đằng này, tại bệnh viện E, phòng tán sỏi ở cách xa phòng mổ, nên khi bệnh nhân gần 70 tuổi gặp sự cố trong khi tán sỏi đã không được cấp cứu kịp thời, gây ra cái chết thương tâm.
Bệnh viện E - nơi xảy ra cái chết của một bệnh nhân gần 70 tuổi khi người này đến đây tán sỏi.
Phòng tán sỏi đặt không đúng chỗ?
Lần theo thông tin bạn đọc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã đến bệnh viện E để làm rõ thông tin và xác nhận sự thật có một bệnh nhân đã chết vì tán sỏi vào khoảng trưa 24/3.
Tham khảo thông tin của một số người khoác áo blouse trắng tâm huyết làm việc trong bệnh viện E, chúng tôi thấy rằng họ đều có những ý kiến không đồng tình với việc ban lãnh đạo đặt phòng tán sỏi ở tầng 1, nằm cách xa phòng mổ như vậy là không hợp lý.
Theo những ý kiến trên, tại các bệnh viện lớn như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bưu Điện, phòng tán sỏi laser được đặt ngay trong phòng mổ. Điều này phù hợp với quy định của ngành y tế bởi trong quá trình tán sỏi, nếu có điều gì xảy ra, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật sẽ có những máy móc hiện đại để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Đằng này, ở bệnh viện E lại là một trường hợp cá biệt.
Liên hệ với trường hợp ca tử vong của bệnh nhân chết hôm 24/3, trong quá trình tán sỏi đã xảy ra sự cố. Cho đến thời điểm này, nguyên nhân gây ra cái chết của bệnh nhân vẫn chưa được làm rõ. Thế nhưng có một sự thật rất đáng quan tâm rằng nếu như có xảy ra sự cố trong lúc tán sỏi thận, nếu phòng tán sỏi được nằm trong phòng mổ thì tin rằng người bệnh sẽ có nhiều cơ may sống sót hơn vì trong phòng mổ có nhiều phương tiện cấp cứu hiện đại.
Được biết, trước đó tại bệnh viện E, một bác sĩ đã có ý kiến đề nghị để phòng tán sỏi nằm trong phòng mổ nhưng ý kiến này đã không được chấp nhận. Mặc dù nguyên nhân chết của bệnh nhân này chưa được làm rõ, nhưng các bác sĩ có chuyên môn cũng không ngạc nhiên về việc bệnh nhân tử vong tại phòng này.
Tiếp nhận ý kiến người trong cuộc
Để giúp bạn đọc có những thông tin chính xác về nguyên nhân cái chết của bệnh nhân tán sỏi nói trên, PV đã gặp một người có chuyên môn về gây mê hồi sức cấp cứu tại bệnh viện E (xin được giấu tên). Vị bác sỹ này tỏ ra khá bức xúc trước rủi ro nghề nghiệp của bệnh nhân tán sỏi. Vị bác sỹ thẳng thắn chia sẻ, việc xảy ra cái chết này đã được ông dự báo trước bởi những thiết bị tán sỏi và các máy móc y tế đặt trong phòng tán sỏi không thể đáp ứng được chuyên môn cần thiết cấp cứu bệnh nhân kịp thời khi sự cố xảy ra. Vị bác sỹ còn cho biết thêm, những nhân viên tại phòng tán sỏi trên chưa có chứng chỉ gây mê hồi sức như những nhân viên gây mê hồi sức cấp cứu tại bệnh viện E?
Theo thông tin phóng viên thu thập được, ngay sau khi xảy ra cái chết thương tâm của bệnh nhân tán sỏi, lãnh đạo bệnh viện đã họp để xem xét việc này. Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn chưa đi đến đích của sự việc, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Song, mọi người đều có tâm trạng buồn và phần lớn đều sợ trách nhiệm liên đới.
Những bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp xem ra không ủng hộ việc đặt phòng tán sỏi nằm cách xa phòng cấp cứu. Theo họ, phòng tán sỏi phải đặt trong phòng mổ như vậy mới đảm bảo đúng quy trình của ngành y tế.
Hơn nữa, họ cho rằng, phòng tán sỏi tại bệnh viện E không đảm bảo các phương tiện cấp cứu. Một số bác sĩ đặt câu hỏi, đã có hội đồng nào thẩm định phòng tán sỏi này đã đảm bảo tiêu chuẩn chưa.
Tại cuộc họp của bệnh viện E, có ý kiến thành lập hội đồng và đại diện bộ Y tế thẩm định lại phòng tán sỏi tại bệnh viện E có đảm bảo tiêu chuẩn của ngành y tế? Làm việc này tuy muộn còn hơn không, bởi lẽ sẽ có rất nhiều bệnh nhân đến tán sỏi và tính mạng của họ sẽ như thế nào.
Hơn nữa, phóng viên còn nhận thông tin tố cáo một số nhân viên làm việc tại phòng tán sỏi chưa có đủ chuyên môn về gây mê hồi sức? Đây là điều bắt buộc đối với một ca tán sỏi thận, phải có những nhân viên gây mê hồi sức có chuyên môn và có chứng chỉ, đào tạo bài bản để theo dõi bệnh nhân trong quá trình tán sỏi.
Giám đốc bệnh viện E xác nhận có một bệnh nhân 66 tuổi tử vong Đến cuối giờ chiều 26/3, ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc bệnh viện E xác nhận có một bệnh nhân 66 tuổi tử vong trong quá trình điều trị tại bệnh viện này. Trả lời câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về việc vì sao bệnh viện không đặt phòng tán sỏi tại phòng mổ như các bệnh viện lớn khác ở Hà Nội, ông Đoàn Hữu Nghị giải thích, bệnh viện đặt phòng tán sỏi trong phòng thủ thuật, tại phòng này đã có một bác sỹ chuyên khoa II về gây mê (?). Ngoài ra, những người phục vụ ở phòng này đều có trình độ đại học về điều dưỡng (?). |