Giữa cái không gian vắng lặng ấy, từ xa vọng lại tiếng rao quen thuộc mà những con người nơi đây đang chờ đợi, tiếng “bánh chưng, bánh giò, chưng gai, chưng giò” làm xé tan màn đêm, một năm mới mưu sinh của những con người bán bánh giò ở sân ga lại bắt đầu.
22h đêm, chuyến tàu SE4 cũng là chuyến tàu cuối cùng rời ga Sài Gòn. Khung cảnh tỉnh lặng, không chút ồn ào tràn ngập khắp sân ga.
Bán bánh giò nuôi con vào đại học
23 giờ, chú Nguyễn Văn Dinh, sinh năm 1964, quê ở Vĩnh Phúc làm nghề bán bánh giò hì hục đạp chiếc xe cà tàng của mình đi bán khắp các phố Sài Gòn, nơi chú chọn để bán về đêm chính là sân ga này.
Công việc của chú bắt đầu từ lúc 13 giờ chiều, từ nhà trọ ở Gò Vấp, chú phải đạp xe hơn 3km để đến nơi lấy bánh giò với mức giá 5.000 đồng/ cái. Mỗi lần chú lấy bán cho cả chiều và đêm là hơn 60 cái bánh các loại, nào bánh chưng, bánh giò, bánh chưng gai, chưng giò. Một cái bánh được chú bán lại với giá dao động 10.000 đồng/ cái, thu lời mỗi cái từ 4.000- 5000 đồng. Tết cũng như ngày thường, chú đạp xe đi bán từ Gò Vấp lên đến Quận 3 và khi vào đến nhà ga đã hơn 0 giờ.
Khách hàng mua bánh giò của chú đa số là những người quen hay khách đi tàu. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chú kể mình có 3 đứa con, gồm 1 trai và 2 gái. Con trai chú đã vào cấp hai, một người con gái lớn sắp vào đại học và một đứa con gái út còn quá nhỏ. Do nhà đông miệng ăn, mình chú làm mấy sào ruộng thì không thể nuôi nổi cả nhà, cho nên chú quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, kiếm tiền gửi về cho gia đình lo cuộc sống.
Chú chia sẻ từ khi vào Sài Gòn đã thử làm nhiều nghề khác nhau, từ phụ hồ, đạp xích lô... nhưng không thể gắn bó được lâu rồi cũng bỏ, chỉ có nghề bán bánh giò này chịu theo chú trên mọi quảng đường suốt 20 năm nay.
Một mình làm cả tháng, chú tích góp được 5 triệu đồng để gửi về quê cho vợ con. Số tiền ấy là cả những bữa tiết kiệm ăn sáng của chú, của những đêm đi bán bánh không mệt mỏi. Niềm vui và cũng là động lực đối với chú là ở quê nhà, vợ mình có một cuộc sống sung túc, nhìn thấy các con học giỏi, chú rất tự hào về con mình, dù làm bao nhiêu cũng không thấy vất vả.
Không về tết để dành tiền gửi về nhà
Khi được hỏi “Bao lâu chú về thăm nhà một lần”, người đàn ông này trầm ngâm hồi lâu như trong ánh mắt muốn rơi lệ, cảm giác tủi thân khi nghĩ đến giờ này mọi người ai ấy cũng ngon giấc cùng gia đình thì mình đang phải lao động cả đêm.
Mỗi năm tết đến, chú tranh thủ về ăn tết với gia đình và cũng là lần duy nhất trong năm, một chuyến đi như vậy cũng mất gần một triệu, chịu khó làm đến mấy thì cũng phải lâu lắm mới lấy lại được. Thế nên, năm nay chú cố gắng không về để dành tiền đó gửi cho vợ con còn hơn.
Bánh giò cũng là đồ ăn tối của chú Dinh trên đường mưu sinh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ở sân ga, khách hàng quen thuộc của chú đều là những người cùng cảnh mưu sinh vất vả. Những bác tài xế taxi đưa xe về bến đổ trong nhà ga rồi tự tay lau sạch chiếc xe của mình, những chú xe ôm, xe chở hàng ngồi đợi khách thuê trong mòn mỏi. Chú chia sẻ “những người làm việc ban đêm ở đây cũng có người không về quê ăn tết, họ có nhu cầu ăn khuya mà không cầu kỳ gì, có người cùng quê Vĩnh Phúc, chia nhau cái bánh ăn cho đỡ nhớ hương vị quê nhà”.
Mỗi đêm như vậy, chú Dinh phải đạp xe trên dưới 40km, đi qua khắp mọi con đường, chú nhớ như in từng cái tên đường, con phố. Những người dân sống xung quanh khu vực sân ga hễ nghe tiếng xe đạp cót két là biết ngay “Dinh bánh giò” đang tới. Họ chờ chú đến như thường lệ, được ăn cái bánh, chỉ đơn giản là như thế.
Công việc của chú kết thúc vào lúc 3 giờ sáng hoặc có thể trễ hơn tùy thuộc vào số lượng bánh còn nhiều hay ít. Có bữa chú phải nhờ những người bạn đi bán cùng chia phần bánh với mình đi bán cho mau hết để về nhà. Đôi lúc ngồi chợp mắt trên đường lúc nào không hay, những người đi qua thấy thì họ kêu về.
“Nhiều khi đi bán bị mưa như đêm nay, dù biết về nhà là sẽ bị cảm lạnh nhưng chú vẫn cố đi vì gia đình, vì những người khách ở sân ga đang cần đến cái bánh của chú làm ấm lòng giữa đêm lạnh Sài Gòn” - chú tâm sự.
.