“Anh đang đi tìm em. Đã bao năm trôi qua rồi, anh tìm không phải với ước muốn nối lại tình xưa. Anh chỉ muốn nói chuyện với người con gái mà anh đã biết vào những năm 1969-1970 (…) để có thể cảm ơn em đã bên anh khi anh rất cần một người bên cạnh...”
Qua hai cuộc hôn nhân vẫn nhớ tình đầu dang dở
Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi không sao quên được hình ảnh người cựu binh Mỹ Jim Reischl đăng suốt nhiều ngày trên trang cá nhân. Đó là bức hình người thiếu nữ Việt với mái tóc dài đen nhánh, đầu đội nón lá và đôi mắt buồn. Đó có phải Kim Hoa của ông không? Hoàn toàn không! “Nhưng tất cả kí ức những năm 1970 giữa tôi và Kim Hoa đã trở về mỗi khi tôi bắt gặp bất cứ hình ảnh nào về người con gái Việt” – Jim Reischl nói ngắt quãng, cố giấu đôi mắt trũng sâu, ngấn nước. Năm tháng trôi qua, tóc trên đầu ông đã bạc phơ nhưng nỗi ám ảnh về chiến tranh cũng như niềm khao khát tìm kiếm người yêu thuở ấy chưa bao giờ vơi cạn.
“Những ý nghĩ về em chưa bao giờ rời bỏ anh, có lẽ vì em đã luôn tốt với anh, em đã luôn ở bên anh. Và anh muốn xin lỗi em, xin lỗi là anh đã bỏ em trong thời gian đó. Anh hi vọng em hiểu rằng lúc đó anh là thằng con trai 21 tuổi, đầy sợ hãi, ở một đất nước xa lạ, và anh chỉ muốn được về nhà…” - Jim Reischl viết trong bức thư gửi người yêu sau khi trở về Mỹ nhưng bặt vô âm tín. Ông thừa nhận, sau một thời gian cố quên người con gái mình yêu, quên mảnh giấy mà Kim Hoa ghi tên, địa chỉ của mình trao cho ông lúc từ biệt và chính ông đã vứt bỏ đi khi cưới vợ.
Ngày 4/7/1969, Jim Reischl ở bang Minnesota (Mỹ) đã sang Việt Nam và làm việc cho một căn cứ không quân tại Sài Gòn. Bấy giờ Reischl 21 tuổi đầy sức sống, đã trở thành một nạn nhân của các cuộc động viên quân dịch lúc đó ở Mỹ. Ba tháng đầu tiên, Reischl không dám đi đâu vì quá lạ lẫm, lo sợ… Dường như Reischl cũng cảm nhận được sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà mình đang phải tham gia nên anh càng lo sợ hơn mỗi khi ra đường. Khá lâu sau, trong một lần đi theo người bạn vào thành phố, Reischl đã gặp Kim Hoa. Ấn tượng ban đầu của chàng thanh niên Mỹ là cô gái ấy có dáng người nhỏ nhắn, để tóc dài ngang lưng và biết nói tiếng Anh. Tình yêu đến với Reischl nhẹ như gió thoảng giữa nỗi cô đơn vì phải xa nhà. Trong mắt Reischl, Kim Hoa rất ngọt ngào và trầm lặng. Sự trầm lặng trên nét mặt đến tính cách, tâm hồn Kim Hoa đã xua tan nỗi lo sợ của Reischl. Kỉ niệm ấm áp bên gia đình, cảnh sắc ngoại ô nơi quê nhà đang cồn cào trong lòng người lính Mỹ được an ủi, sẻ chia.
Ông Jim Reischl hồi tưởng lại, căn hộ ông và người yêu từng sống ở tầng 3 một tòa nhà trên đường Nguyễn Văn Thoại (bây giờ là Lý Thường Kiệt). Từ đó nhìn rõ căn cứ không quân nơi ông làm việc và nhất là mưa nắng, và âm hưởng cuộc chiến như vần vũ trên đầu.
Ông Jim Reischl khi gặp bà Nguyễn Thị Hạnh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đầu tháng 7/1970, Reischl kết thúc thời hạn nghĩa vụ trong quân đội. Trước ngày rời Việt Nam, Kim Hoa đã tiết lộ một sự thật khiến ông kinh ngạc. “Cô ấy nói đang mang thai và muốn cùng tôi trở về Mỹ. Nhưng làm sao tôi có thể tin?”, Reischl nói. 22 tuổi, Reischl bị bủa vây bởi những lời rỉ tai từ bạn bè rằng các cô gái như Kim Hoa chỉ muốn “gài bẫy” binh sĩ để được bảo lãnh sang Mỹ(?!). Ngày 1/6/1970, Reischl từ biệt người yêu với đôi chút băn khoăn khi nhớ đến những câu hỏi kèm theo ánh mắt buồn bã, trũng sâu tuyệt vọng của Kim Hoa rằng nếu ông không thể cho cô theo cùng thì có thể ở lại với cô không? Người phụ nữ trẻ lúc ấy chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối.
Sau gần 45 năm, trải qua 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ và tình hình sức khỏe ngày một kém dần do ảnh hưởng chất độc màu da cam, câu nói của người yêu trong quá khứ như gió thoảng bên tai, bóp nghẹt trái tim Jim Reischl. Ông bắt đầu nhớ lại từng kỉ niệm đã qua với Kim Hoa. Bức ảnh Reischl mỉm cười bên cạnh người yêu bé nhỏ là kỉ vật duy nhất ông còn giữ lại được. Dấu vết thời gian khiến bức ảnh không còn sắc nét. Cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng đã khiến vết thương lòng của ông càng nhức nhối hơn. Ông muốn làm một điều gì đó chuộc lỗi với người con gái của đất nước mà ông là một trong những thành viên đã gây nên những đớn đau dai dẳng.
Nếu bị khước từ, tôi chấp nhận…
Cựu binh Mỹ Jim Reischl thời trẻ (ảnh nhân vật cung cấp).
Năm 2011, sau thời gian dành dụm tiền làm thêm, người cựu binh Mỹ năm xưa đã sang Việt Nam tìm kiếm người yêu cũ. Ông đi dọc theo con phố mà hai người từng sống, tòa nhà xưa cũng đã không còn. Cầm bức ảnh cũ, Reischl hỏi những người xung quanh về tin tức của Kim Hoa nhưng tất cả rơi vào vô vọng…
Trong cuộc trò chuyện mới nhất giữa PV Báo Gia đình & Xã hội với cựu binh Mỹ Jim Reishl, ông xác nhận thông tin sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, ông đã có được tin tức của bà Kim Hoa và con trai đang sống tại An Giang. Ông đang thu xếp công việc, chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ định mệnh ấy vào những ngày giáp Tết cổ truyền của người Việt.
Theo thông tin cung cấp cho PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Reischl tiết lộ, cuộc sống của bà Kim Hoa (tên thật là Nguyễn Thị Hạnh) bây giờ khá vất vả vì bà phải ở nhà chăm sóc người chồng quanh năm đau ốm do cơn đột quỵ. Nhờ sự kết nối của một số người bạn Việt Nam mà ông nói chuyện một vài lần qua điện thoại với người yêu cũ. Bây giờ, bà Kim Hoa đã 63 tuổi, ông 67 tuổi và con trai họ đã ngoài 40 tuổi.
Trước Jim Reischl, nhiều cựu binh Mỹ đã tìm được người yêu, vợ con trước kia tại Việt Nam. Đồng cảm với câu chuyện cảm động và niềm vui sắp được đoàn tụ của ông Jim Reischl - Bruce Weigl - một nhà thơ, cựu binh Mỹ từng đoạt giải thưởng văn chương Lannan chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu, sự ám ảnh về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã nhận nuôi bé gái 8 tuổi Nguyễn Thị Hạnh từ một trung tâm trẻ mồ côi. Nhiều năm sống với vợ chồng tôi, Hạnh Nguyễn Weigl vẫn bảo toàn được những phẩm chất tốt đẹp của người con gái Việt, của văn hóa Việt. Một vài năm nữa, khi con gái tôi trở về quê hương sinh sống, tôi cũng sẽ về theo. Việt Nam có mùa xuân rất đẹp, có những mối quan hệ cộng đồng vô cùng nghĩa tình và phong phú”, nhà thơ Bruce Weigl nói.
Cuộc trùng phùng rơi nước mắt Khi bài báo này lên khuôn thì Báo GĐ&XH nhận được thông tin: Vượt qua quãng đường gần 14.000 km trong lúc bệnh viêm khớp mang đến những cơn đau dữ dội, người cựu binh Mỹ Jim Reschl đã gặp lại bà Nguyễn Thị Hạnh sau 45 năm xa cách. Người phụ nữ có tên Kim Hoa ngày nào đã bật khóc khi cánh tay Jim Reschl đưa ra chờ đợi. Theo tiết lộ, con gái của bà với ông Jim Reschl đã bị thất lạc năm bà 19 tuổi, sau thời điểm một mình vượt cạn, bà đã nhờ người bạn gửi vào trại trẻ mồ côi. Khi quay lại tìm con, bà Hạnh tuyệt vọng vì không nhận được một manh mối nào về đứa trẻ. Bao năm qua, dù đã có hai con với người chồng hiện tại nhưng bà vẫn không ngừng tìm kiếm người con bị thất lạc. Bà cho biết, khi kết nối lại với người yêu cũ, bà đã nói dối Jim Reschl rằng con họ vẫn còn để ông an lòng và người cựu binh vẫn đinh ninh con trai bà Hạnh với chồng là... con của mình. Hiện tại, hai nửa mối tình rạn vỡ trong chiến tranh đã tìm được nhau sẽ bước vào một hành trình mới là tìm lại được con gái. |