"Thấy ghê rợn với kiểu "ném đá" hội đồng nhắm vào Mỹ Linh. Dường như nó được điều khiển để ném "cho trúng" hơn, kiểu như ở thời Trung Cổ, người ta đưa các phụ nữ lên dàn thiêu và gắn vào đó cái mác phù thủy”.
Xung quanh câu chuyện Mỹ Linh bị “ném đá” dậy sóng MXH những ngày qua, nhiều nhà báo đã bày tỏ quan điểm cá nhân về sự việc.
Nhà báo Nguyễn Quyết, Tổng Thư ký Tạp chí điện tử Gia đình mới, viết: Mỹ Linh là người thỉnh thoảng dậy sóng vì một vài phát ngôn của mình. Nhưng mình tin chị không phải là người muốn nổi tiếng nhờ những lời nói đó.
Thông thường, nó dậy sóng là do góc nhìn của chị khác biệt so với đám đông. Cách đây ít lâu, câu nói "Tiền ít đừng mong ăn thực phẩm sạch" cũng khiến cộng đồng mạng thay nhau ném đá. Nhưng ở góc nhìn của chị, nó là thật và nó cũng không hề sai một chút nào trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam
Vụ nhà hát 1.500 tỉ cũng tương tự. Chị viết: "Tôi tin cái đẹp qua việc thưởng thức nghệ thuật hay văn học, hội họa... Mọi loại hình nghệ thuật hay giữ gìn văn hoá luôn cần cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Nghệ thuật làm mọi người sống hiền hoà, yêu thương và cả tha thứ.
Vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh - Anh Quân
"Là một nghệ sĩ tôi vui mừng khi biết có một nhà hát sắp được xây dựng, đồng nghĩa với việc nhiều chương trình nghệ thuật sẽ được ra mắt, các dàn nhạc lớn sẽ đến Việt Nam... Đó là vấn đề cá nhân tôi đang rất quan tâm và mong muốn góp sức cùng cộng đồng thay đổi".
Góc nhìn này không hề sai. Vì chị là một nghệ sĩ, chị nhìn ở góc của mình.
Nó chỉ sai khi ta gắn cho cái nhà hát ấy cả cái sai của chính quyền với rất nhiều oan trái của Thủ Thiêm; nó sai khi mọi người định kiến rằng, nghệ sĩ buộc phải nhạy cảm với tất cả nỗi đau của nhân dân cần lao; nó sai khi mọi người bắt một ca sĩ phải nghĩ như một chính trị gia; nó sai khi cộng đồng yêu cầu từng câu từng chữ chị nói ra phải chuẩn chỉnh như bài phát biểu lẩy kiều của Obama tại Việt Nam...
Nếu mọi người nhân danh người dân để tranh luận, để trách móc, để lên án chị, thì trước hết, hãy coi chị là Một Người Dân. Chị có quyền lên tiếng, như mọi người đang lên tiếng; chị có quyền biểu đạt ủng hộ hoặc phản đối - như cái cách mọi người đang làm.
Còn nếu không đồng tình với ý kiến của chị, có thể đưa ra những lý luận để phản bác, phản đối, gay gắt cũng được. Nhưng không nên bình phẩm về nhân cách của chị, không nên xúc phạm cá nhân, vì đó là Bỏ Bóng Đá Người.
Nó thể hiện một phần sự bất lực của cộng đồng khi thuyết phục người khác phải theo mình. Kể cả việc lôi chuyện nhà ở Sóc Sơn của chị ra để tố cáo khi đang tranh luận cũng thể hiện sự thiếu bao dung, nếu không muốn nói là yếu đuối.
Mạng xã hội tồn tại và phát triển được như hôm nay chính là vì nó là một môi trường được tự do thể hiện tư tưởng, chính kiến, phát ngôn.
Nhưng nếu chúng ta chửi bất cứ ai nói ngược lại điều mình đang nói; xúc phạm bất kỳ người nào có tư tưởng trái chiều, chẳng phải là chúng ta đang đi ngược lại với ý nghĩa của sự tự do hướng tới những điều tốt đẹp mà chúng ta tưởng là mình đang theo đuổi hay sao?.
Bình luận về câu chuyện này, Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng: “thấy ghê rợn với kiểu "ném đá" hội đồng nhắm vào Mỹ Linh. Anh cảm thấy dường như nó được điều khiển để ném "cho trúng" hơn, kiểu như ở thời Trung Cổ, người ta đưa các phụ nữ lên dàn thiêu và gắn vào đó cái mác phù thủy”.
Tương tự chuyên gia Lương Hoài Nam bày tỏ: Chính quyền có một cái quyết định. Trong xã hội có người phản đối, có người đồng tình, điều đó hết sức bình thường, ở mọi xã hội. Nhưng việc người phản đối quyết định của chính quyền chửi bới người đồng tình với quyết định của chính quyền là rất không bình thường, phản dân chủ. Mỗi người đều có quyền quan điểm đối với quyết định của chính quyền.