Mỹ nhân lừng lẫy Sài thành “hồng nhan bạc mệnh”, người bị đánh ghen tàn độc, kẻ 3 đời chồng tuổi già cô quạnh

THÀNH GIANG - Ngày 19/10/2022 09:43 AM (GMT+7)

Chốn Sài thành xưa không thiếu những mỹ nhân xinh đẹp nức tiếng, được nhiều đại gia giàu có theo đuổi, nhưng về cuối đời họ lại chịu số phận hẩm hiu, thậm chí đau khổ cùng cực.

Nếu như Hà Nội xưa nổi tiếng với những mỹ nhân phố cổ “nghiêng nước nghiêng thành” thì Sài Gòn hồi đó cũng không kém cạnh với những người đẹp đình đám, nhan sắc lừng lẫy ai cũng biết tới. Vẻ đẹp rực rỡ của những đại mỹ nhân như: Ba Trà, Ba Thiệu, Tư Nhị, Cẩm Nhung…khiến dân tình mê mẩn.

Thế nhưng người ta vẫn hay nói “hồng nhan bạc mệnh”, cuộc đời của những người đẹp này rực rỡ tuổi xuân thì bao nhiêu thì về cuối đời lại chịu cảnh bạc bẽo, hẩm hiu và đau khổ bấy nhiêu.

Cẩm Nhung - “Nữ hoàng vũ trường” Sài Gòn làm tiểu tam bị chính thất tạt axit phá huỷ nhan sắc

Cách đây gần 60 năm, một vụ đánh ghen được xem là rùng rợn nhất thành phố thời đó, lần đầu tiên axit đậm đặc được chính thất sử dụng để tiêu diệt “tình địch”. Nạn nhân chính là vũ nữ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn lúc ấy tên Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Từ một cô gái xinh đẹp, giàu có, được nhiều người săn đón trở nên xấu xí, phải đi ăn mày, cuối đời chết trong cô quạnh.

Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô theo gia đình di cư vào Nam. Sau khi cha mất, Cẩm Nhung bỏ học, làm tiếp viên bưng bê trong một nhà hàng, từ đó lân la làm quen với những bản nhạc, điệu nhảy. Tròn 19 tuổi, cô trở thành gái nhảy chuyên nghiệp tại các vũ trường ở Sài Gòn.

Ở độ tuổi xuân sắc, Cẩm Nhung sở hữu vẻ đẹp cuốn hút với gương mặt đẹp, đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ, làn da trắng hồng. Những bước nhảy uyển chuyển, điệu nghệ của Cẩm Nhung hớp hồn khách làng chơi. Cái tên Cẩm Nhung vô cùng có giá thời đó, được săn đón như một món “hàng độc, của quý”.

Cẩm Nhung là vũ nữ đình đám một thời tại các vũ trường ở Sài Gòn

Cẩm Nhung là vũ nữ đình đám một thời tại các vũ trường ở Sài Gòn

Trong thời gian làm vũ nữ, Cẩm Nhung quen biết và trở thành người tình của trung tá công binh Trần Ngọc Thức mặc cho khoảng cách hơn chục tuổi. Chuyện tình này lọt đến tai bà Lâm Thị Nguyệt (Năm Ra đô), vợ trung tá Thức. Bà Nguyệt không lạ gì với thói trăng hoa của chồng nhưng việc lần này say mê cô vũ nữ mà quên cả gia đình khiến bà phát điên vì ghen tuông. Đã có vài lần bà Nguyệt chặn đường hăm doạ, dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung nhưng không đủ để cô gái trẻ rời xa chồng mình.

Để tiêu diệt “tình địch", bà Nguyệt lên kế hoạch tỉ mỉ, thuê giang hồ với 2 lượng vàng để phá huỷ nhan sắc nàng vũ nữ với suy nghĩ khi cô ta không còn vẻ đẹp nữa, chồng sẽ quay về bên gia đình.

22h ngày 17/7/1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà đến vũ trường như thường lệ. Khi gần đến chiếc taxi đã gọi sẵn, bất ngờ bên kia đường 1 gã đàn ông băng qua tiến về phía cô và tạt mạnh can axit vào mặt. Cẩm Nhung khi đó kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi gục ngã, được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên vì axit đậm đặc tác động quá mạnh, dung nhan của Cẩm Nhung gần như bị phá huỷ hoàn toàn, y học thời điểm đó cũng không thể làm gì hơn ngoài việc giữ lại mạng sống cho cô.

Vụ tạt axit này trở thành điểm nóng dư luận thời đó, thậm chí vũ trường tại Sài Gòn còn bị yêu cầu đóng cửa hàng loạt. Sau sự việc, trung tá Thức bị buộc giải ngũ, bà Nguyệt và tay giang hồ bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù. Tuy nhiên khi vụ án đang trong quá trình kháng cáo thì có nhiều chuyện xảy ra, sau dần đi vào quên lãng, những người liên quan cũng không phải chịu hình phạt. Về sau không ai biết trung tá Thức ra sao, còn bà Nguyệt quy y cửa Phật.

Về phía Cẩm Nhung, nỗi đau vì axit hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đau khổ chồng chất đau khổ, nàng vũ nữ xinh đẹp năm xưa “trả thù đời” bằng cách đập phá, uống rượu, hút thuốc… Người mẹ ruột vì buồn phiền sinh bệnh rồi qua đời, Cẩm Nhung càng lún sâu vào nghiệp ngập rượu chè, bán hết nhà cửa để có tiền đập phá.

Axit làm biến dạng hoàn toàn gương mặt của vũ nữ Cẩm Nhung, đẩy cuộc đời cô vào những ngày bi thảm đến khi chết

Axit làm biến dạng hoàn toàn gương mặt của vũ nữ Cẩm Nhung, đẩy cuộc đời cô vào những ngày bi thảm đến khi chết

Vào năm 1969, người dân Sài Gòn nhìn thấy Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành. Cô ngồi bên vệ đường, dùng khăn che kín mặt, trên ngực treo ảnh chụp chung với trung tá Thức.

Năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), có đám tang của một bà lão qua đời không người thân thích, được mọi người xung quanh lo cho một quan tài rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa. Đó là đám ma nghèo của người đàn bà tên Cẩm Nhung, vũ nữ nổi tiếng một thời tại chốn Sài Thành.

Ba Thiệu - Đệ nhất mỹ nhân đầu tiên của Sài Gòn và cái kết bi thảm

Năm 1865, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn được tổ chức. Vượt qua gần 100 cô gái, Ba Thiệu quê gốc Trà Vinh giành được ngôi vị cao nhất. Vẻ đẹp của Ba Thiệu được mô tả là tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Cô Ba Thiệu đẹp đến nỗi trở thành phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam được in hình lên con tem.

Là Hoa hậu, đệ nhất mỹ nhân ở Sài Gòn, làm si mê bao công tử, đại gia thời đó nhưng cô Ba Thiệu sống giản dị, chân quê không theo hào quang phù phiếm hay ăn chơi sa đọa. Lý do phần lớn từ gia đình khi xuất thân gia giáo, được dạy dỗ từ bé, biết giữ gìn ý tứ, truyền thống. Một thời gian sau, cô Ba Thiệu lấy chồng.

Ba Thiệu - Hoa hậu Sài Gòn đầu tiên

Ba Thiệu - Hoa hậu Sài Gòn đầu tiên

Tuy nhiên, cuộc đời của cô Ba Thiệu không vì thế mà yên bình, số phận nghiệt ngã khiến mỹ nhân Sài Thành ra đi trong uất nghẹn. Mẹ của cô Ba Thiệu dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mà, vì thế mà bị một tên biện lý người Pháp thường xuyên trêu ghẹo, buông lời tán tỉnh. Thậm chí người này còn ve vãn cả cô Ba Thiệu (lúc đó 16 tuổi và đã có chồng). Cha cô là Thầy Thông Chánh thấy vậy không chịu được nên một lần đã rút súng bắn chết quan Tây.

Theo một vài tư liệu, sau khi bắn chết quan Tây, Thầy Thông Chánh bị chính quyền Pháp xử tử, cô Ba toan trả thù cho cha nhưng vừa đưa súng lên bắn thì bị bắt giam rồi tự tử chết. Tuy nhiên một số thông tin khác lại cho biết cô Ba Thiệu mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý người Pháp. Sau đó cô bị kết án xử tử tại Trà Vinh. Nhưng dù theo tài liệu nào, mỹ nhân “sắc nước hương trời” của Sài Gòn xưa cũng chịu một cái kết buồn thảm cuối đời.

Mỹ nhân lừng lẫy Sài thành “hồng nhan bạc mệnh”, người bị đánh ghen tàn độc, kẻ 3 đời chồng tuổi già cô quạnh - 4

Nhan sắc cô Ba Thiệu đẹp đến nỗi được in lên tem

Nhan sắc cô Ba Thiệu đẹp đến nỗi được in lên tem

Thanh Nga - “Nữ hoàng sân khấu cải lương” khán giả mong một lần được nhìn mặt, bị ám sát tức tưởi khi mới 36 tuổi

Vào những năm 1960 - 1970 tại Sài Gòn, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga là một trong “tứ đại mỹ nhân” đình đám cùng Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh và Kim Cương. Nhan sắc của bà khiến khán giả mê đắm, được diễn tả bằng từ “hoàn mỹ”. Nữ nghệ sĩ có gương mặt trái xoan, đôi mắt đượm buồn và mái tóc dài suôn mượt. Nghệ sĩ Thanh Nga sinh năm 1942, quê quán ở Tây Ninh, được mệnh danh là “nữ hoàng sân khấu” thời đó.

Những rạp hát có sự xuất hiện biểu diễn của nghệ sĩ Thanh Nga luôn chật kín khán giả. Mỗi khi kết thúc đêm diễn, luôn có đám đông đứng ngoài chờ đợi để được nhìn mặt nữ nghệ sĩ.

Giọng ca vàng của cải lương Việt Nam trải qua 2 lần đò, lần đầu là vào năm 1967 với ông Nguyễn Minh Mẫn, lần hai làm vợ của ông Phạm Duy Lân. Bà có một người con trai với ông Lân là Phạm Duy Hà Linh (sinh năm 1973).

Mỹ nhân lừng lẫy Sài thành “hồng nhan bạc mệnh”, người bị đánh ghen tàn độc, kẻ 3 đời chồng tuổi già cô quạnh - 6

Nhan sắc khiến bao người ngẩn ngơ của cố nghệ sĩ Thanh Nga

Nhan sắc khiến bao người ngẩn ngơ của cố nghệ sĩ Thanh Nga

Khoảng 23h tối ngày 26/11/1978, sau khi diễn xong tại rạp Cao Đồng Hưng (quận Bình Thạnh), nghệ sĩ Thanh Nga lên xe riêng do chồng cầm lái để trở về nhà. Bà ngồi ở băng ghế sau cùng con trai Hà Linh khi đó mới 5 tuổi, ghế trước có một võ sư là vệ sĩ riêng. Ngay khi xe vừa dừng trước cổng nhà trên đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1), vệ sĩ xuống mở cửa thì bất ngờ có hai tên lạ mắt chạy xe máy đến dùng súng ngắn P38 khống chế, uy hiếp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga nhằm bắt cóc Hà Linh. Nữ nghệ sĩ quyết bảo vệ, giấu con trai sau lưng rồi đè lên để giữ tính mạng cho con. Hai kẻ lạ mặt sau đó bắn chết vợ chồng Thanh Nga rồi lên xe tẩu thoát. Tại thời điểm bị bắn, ông Lân chết tại chỗ, còn nghệ sĩ Thanh Nga được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn nhưng không qua khỏi.

Vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga gây chấn động dư luận một thời, đám tang kéo dài trong 3 ngày, đoàn người nối dài chờ đợi vào viếng. Nghệ sĩ Thanh Nga và chồng cùng được an táng tại khu vực nghĩa trang thuộc chùa Nghệ sĩ (đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp). Câu chuyện này sau trở thành nguồn cảm hứng cho dự án điện ảnh “Ống kính sát nhân”, được công chiếu tại rạp vào năm 2018.

Phần mộ của cố nghệ sĩ Thanh Nga và chồng được đặt cạnh nhau

Phần mộ của cố nghệ sĩ Thanh Nga và chồng được đặt cạnh nhau

Mộng Tuyền - Nhan sắc trời phú, sự nghiệp thành công nhưng lận đận 3 đời chồng, tuổi già sống độc thân không chồng không con

Ngoài nghệ sĩ Thanh Nga, giới cải lương tại Sài Gòn xưa còn nổi lên cái tên Mộng Tuyền với nhan sắc kiều diễm, khiến bao trái tim si tình. Bà gần như có trong tay tất cả từ vẻ đẹp trời phú, sự nghiệp thành công lừng lẫy nhưng phận đời lại truân chuyên với 3 cuộc hôn nhân, để rồi lúc tuổi già sống cô độc.

Nghệ sĩ Mộng Tuyền tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan sinh năm 1947, quê quán Cần Thơ. Thời đỉnh cao sự nghiệp, với nhan sắc và giọng ca truyền cảm, nữ nghệ sĩ nhận mức cát xê cao ngất ngưởng, có tháng được 150.000 đồng.

Mỹ nhân lừng lẫy Sài thành “hồng nhan bạc mệnh”, người bị đánh ghen tàn độc, kẻ 3 đời chồng tuổi già cô quạnh - 9

Nhan sắc thời kỳ đỉnh cao của nghệ sĩ Mộng Tuyền

Nhan sắc thời kỳ đỉnh cao của nghệ sĩ Mộng Tuyền

Nghệ sĩ Mộng Tuyền từng kể vào năm 1968, để lo cho ba má nên phải đi lấy chồng. Người chồng này giàu có, yêu thương, sẵn sàng cho vợ một vali 10 triệu đồng. Ngày rước dâu, bà dẫn luôn cả đàn em thơ qua nhà chồng sống với mình để đỡ đần cho cha mẹ.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của nữ nghệ sĩ vướng nhiều thị phi, chuyện đời tư liên tục bị đưa lên mặt báo. Sau khi ly hôn, bà có tổ chức đám cưới rình rang với 2 người nữa nhưng cũng không chung sống lâu dài. Nghệ sĩ Mộng Tuyền chia sẻ ở cuộc hôn nhân thứ 3, có lần cùng chồng đi chơi chung với hội bạn gái, trong lúc bà trả tiền thì chồng và bạn trao đổi thông tin liên lạc với nhau, sau đó họ phải lòng và qua lại. Chồng về đề nghị chia tay và nghệ sĩ Mộng Tuyền đồng ý.

Chia sẻ về chuyện hôn nhân, nghệ sĩ Mộng Tuyền thừa nhận không tìm được hạnh phúc trọn vẹn, không có con. Bà không hối hận khi không có con và không quan niệm sinh con để sau này nhờ vả.

Nghệ sĩ Mộng Tuyền hiện sống một mình không chồng không con

Nghệ sĩ Mộng Tuyền hiện sống một mình không chồng không con

Ở đổ tuổi 75, nghệ sĩ Mộng Tuyến về Việt Nam sống một mình sau thời gian định cư tại Pháp, không chồng không con. Cuộc sống của nghệ sĩ Mộng Tuyền trôi qua bình dị mỗi ngày, sáng đi tập thể dục, đi chợ, làm từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ.

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời