Chân dung hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và số phận nghiệt ngã khiến bao người xót thương

K.T - Ngày 22/12/2020 00:08 AM (GMT+7)

Nếu nói về cuộc đời của cô Ba Thiệu, có lẽ người đời sẽ gói gọn trong 4 từ “hồng nhan bạc mệnh”.

Nhắc đến “Cô Ba Sài Gòn”, người đời thường nghĩ đến người phụ nữ có nhan sắc đẹp tuyệt trần làm si mê trái tim bao gã đàn ông. Và có hàng nghìn giai thoại thêu dệt xung quanh cuộc đời sóng gió của cô Ba khiến thân thế cô mãi chỉ là… ẩn số.

Sách sử chép, vào giai đoạn cuối thể kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, có hai người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, kiều diễm cùng mang tên cô Ba: Ba Trà và Ba Thiệu. Họ đều được người đời gọi là “Cô Ba Sài Gòn” nhưng lại có cuộc đời trái ngược nhau. Nếu như cô Ba Trà được đại gia “đốt tiền” để chinh phục, sống trong nhung lụa thì cô Ba Thiệu mang số phận đầy bi thương và ai oán.

Là hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn

Cô Ba Thiệu không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết quê gốc Trà Vinh. Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo và quyền thế, có cha là thầy Thông Chánh nắm giữ quyền lực ở tỉnh lị. Cô được cha giáo dục nề nếp từ nhỏ nên rất hiểu chuyện, học hành tử tế.

Về nhan sắc, cô Ba Thiệu được xếp vào hàng cực phẩm lúc bấy giờ. Cô sở hữu một sắc đẹp tuyệt trần hiếm ai sánh nổi. “Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện”, học giả Vương Hồng Sển viết trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”.

Chân dung hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và số phận nghiệt ngã khiến bao người xót thương - 1

Chân dung cô Ba Thiệu.

Năm 1865, Sài Gòn lần đầu tổ chức cuộc thi hoa hậu có tên “Miss Sài Gòn”. Cuộc thi không giới hạn trong phạm vi “Hòn ngọc Viễn Đông”, cho phép những mỹ nhân từ các tỉnh lân cận tham gia. Cô Ba Thiệu đã đăng ký tham gia và vượt qua gần 100 cô gái xinh đẹp giành vương miện hoa hậu.

Lúc này người Pháp đã đề nghị cô Ba Thiệu chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng bị từ chối. Sau đó chân dung của cô được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành “siêu khủng” ở Đông Dương. Từ đó cô trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem.

Là hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn nhưng cô Ba Thiệu lại sống một cuộc đời rất bình dị và chân quê. Cô đã rời bỏ ánh hào quang phù phiếm, tránh xa thói ăn chơi phóng khoáng, không ăn mặc sang trọng,… để không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai.

Một thời gian sau, cô Ba Thiệu lên xe hoa trong sự tiếc nuối của nhiều công tử nhà giàu. Chồng cô là một người đàn ông Việt Nam bình thường, không giàu có. Sau đó cả hai sống cuộc đời giản dị.

Chân dung hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và số phận nghiệt ngã khiến bao người xót thương - 2

Là hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn nhưng cô Ba Thiệu lại sống một cuộc đời rất bình dị và chân quê.

Cuộc đời hồng nhan bạc mệnh

Những tưởng cuộc đời cô Ba Thiệu sẽ được bình yên như mong muốn, ngờ đâu sóng gió ập đến, gia đình hứng chịu bi kịch. Cụ thể, mẹ của cô dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mà đã bị tên biện lý người Pháp ỷ thế theo đuổi rồi tán tỉnh, trêu ghẹo. Cha cô không chịu được cảnh đó nên đã rút súng bắn chết tên biện lý rồi bị chính quyền thực dân bắt giam. Sau đó cha cô đã quyên sinh nơi ngục tù. Cô Ba Thiệu bỗng nhiên sống ẩn danh và qua đời.

Nói về tấn bi kịch này, lịch sử ghi nhận nhiều câu chuyện khác nhau. Cuốn “Hỏi đáp về Sài Gòn – TP.HCM” cho rằng chính cô Ba Thiệu là người cầm súng bắn chết tên biện lý người Pháp. Sau đó Tòa đại hình Mỹ Tho tuyên án tử hình cô vào ngày 19/6/1893 và đến ngày 18/1/1894 thì hành quyết.

Chân dung hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và số phận nghiệt ngã khiến bao người xót thương - 3

Nhan sắc kiều diễm của cô Ba Thiệu được họa thành bức vẽ rồi mang in lên tem, nhãn xà bông nổi tiếng một thời.

Còn trong Truyện thơ thầy Thông Chánh – được truyền miệng rộng rãi ở miền Tây đến tận giờ cho rằng, thầy Thông Chánh chính là người đã bắn tên biện lý vào ngày quốc khánh nước Pháp. Sau đó thầy bị chính quyền Pháp xử tử, còn cô Ba Thiệu bị bắt giam rồi tự tử chết.

Nếu nói về cuộc đời của cô Ba Thiệu, có lẽ người đời sẽ gói gọn trong 4 từ “hồng nhan bạc mệnh”. Dù vậy vẻ đẹp và danh tiếng của cô đã lưu truyền khắp các tỉnh Đông Nam Bộ. Thậm chí đến giờ, người ta vẫn thường xuyên muốn nghe kể về cuộc đời của cô thông qua câu chuyện mang màu sắc kì ảo…

Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa: 18 tuổi đã 3 đời chồng, đại gia đốt tiền để chinh phục
18 tuổi đã 3 đời chồng, ấy thế nhưng mỹ nữ Sài Gòn vẫn khiến các đại gia phải điêu đứng, thậm chí họ còn dùng tiền thi luộc trứng để chinh phục trái tim người đẹp.

Những nhan sắc một thời

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời