"Ranh giới đỏ" của Mỹ mới có tác dụng răn đe thực sự trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mới đây, chuyên gia quốc phòng Harry White thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc vừa đăng một bài viết trên tạp chí National Interest của Mỹ cho rằng Mỹ cần phải vạch ra một “ranh giới đỏ” cho Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tránh một cuộc chiến tranh hủy diệt giữa hai cường quốc khổng lồ này.
Theo ông White, chiến lược tái cân bằng sức mạnh ở châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn bởi Mỹ chưa bao giờ vạch ra cho Trung Quốc một đường ranh giới mà nếu Bắc Kinh vượt qua ranh giới đó, cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân sẽ nổ ra.
Cho đến nay, những gì mà ông Obama đang làm để kiềm chế Trung Quốc vẫn chỉ là sự chông chênh giữa cam kết và răn đe. Ông Obama tin rằng nếu Mỹ quá mềm yếu, Trung Quốc sẽ coi thường và “nhờn” Mỹ, nhưng nếu quá mạnh tay, Mỹ sẽ tự hủy hoại quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Chính sách "nửa răn đe, nửa thuyết phục" Trung Quốc của ông Obama tỏ ra không hiệu quả
Sự loay hoay trong chính sách đối phó Trung Quốc được thể hiện rõ nhất trong cách Mỹ phản ứng với vấn đề Senkaku, nhóm đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hồi năm ngoái, ông Obama đã cự tuyệt đề nghị của Nhật để tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Senkaku.
Thế nhưng đến tháng Tư năm nay, ông Obama lại tuyên bố rằng Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ Senkaku nếu nhóm đảo này bị tấn công và sẽ điều thêm tàu chiến tới khu vực Thái Bình Dương. Mục tiêu của Mỹ là tới năm 2020, 60% lực lượng hải quân và không quân của Mỹ sẽ được bố trí ở Thái Bình Dương. Và tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công khai chỉ trích những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cách xử sự “tiền hậu bất nhất” này của Mỹ đã không phát huy tác dụng đối với Trung Quốc. Bất chấp những lời lẽ chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng sức ép với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Trung Quốc cũng thiết lập thành công vùng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm cả nhóm đảo tranh chấp Senkaku.
Ngang ngược hơn, hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nước này còn cho tàu bè tập kết vật liệu để xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho chiến đấu cơ vờn sát máy bay Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
Tất cả những động thái hung hăng, ngang ngược đó thể hiện rằng Trung Quốc không coi trọng những cảnh báo của Mỹ về việc thay đổi hiện trạng trên biển, và không tin rằng hành động đó sẽ phải trả giá đắt.
Theo ông White, nếu châu Á tiếp tục đi theo quỹ đạo chiến lược hiện nay, Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên phiêu lưu hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, và căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Đó sẽ là một thảm họa khủng khiếp cho cả châu Á và Mỹ.
Từ trước tới nay, Mỹ vẫn luôn hy vọng Trung Quốc hiểu được rằng mọi thứ ở châu Á đều quan trọng đối với chiến lược và lợi ích của Mỹ. Thế nhưng dưới góc nhìn của Bắc Kinh, châu Á lại không đủ quan trọng đối với người Mỹ, hay ít nhất là không đủ quan trọng để người Mỹ tham chiến với Trung Quốc. Chính tư tưởng này cũng đang dần dần hình thành trong một số đồng minh của Mỹ ở châu Á, và điều đó đã khiến họ không ngớt lo lắng.
Điều nguy hiểm là cách nghĩ này của Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng đó sẽ bùng phát thành chiến tranh. Trung Quốc có thể vượt qua ranh giới đỏ của người Mỹ, mặc dù người Mỹ chưa bao giờ vạch ra một cách rõ ràng về đường ranh giới đó.
Nếu muốn kiểm soát được mối nguy này và thay đổi quỹ đạo của châu Á, Mỹ cần phải xác định một cách rõ ràng họ sẽ chấp nhận tham chiến với Trung Quốc vì điều gì. Một khi Mỹ vạch ra những điều đó, và một khi chúng bị Trung Quốc xâm phạm, điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến.
Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương
Điều này đã được Tổng thống Obama ám chỉ đến trong một bài phát biểu tại học viện quân sự West Point gần đây: “Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự, thậm chí là đơn phương nếu cần thiết, khi các lợi ích cốt lõi của chúng ta bị xâm phạm.” Điều quan trọng bây giờ là Mỹ phải vạch ra những lợi ích cốt lõi của họ ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng là gì.
Nếu không vạch ra một cách cụ thể “ranh giới đỏ” này, Mỹ sẽ lâm vào một tình thế là chính sách răn đe của họ đối với Trung Quốc không hề có tác dụng răn đe một chút nào. Chỉ một ranh giới đỏ cụ thể mới có tác dụng ngăn ngừa thực sự tham vọng bá quyền ngày càng ngông cuồng của Trung Quốc cả trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng với “ranh giới đỏ” này, Mỹ sẽ trấn an các đồng minh của mình trong khu vực rằng họ sẽ ít bị tổn thương hơn trước cách hành xử ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng giúp Mỹ có được tiếng nói mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đối với Trung Quốc trong những vấn đề không quá căng thẳng mà không sợ leo thang tình hình.
Ngoài ra, “ranh giới đỏ” này cũng tạo ra cơ hội để Mỹ có nền tảng đối thoại thực sự với Trung Quốc về các vấn đề khủng hoảng hơn là chỉ thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận những gì mà Mỹ mong muốn.
Chuyên gia White kết luận rằng với một “ranh giới đỏ” rõ ràng, Mỹ không chỉ tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ hơn mà còn mở ra kênh đối thoại hữu hiệu hơn với Trung Quốc, đảm bảo cho Mỹ tiếp tục giữ vai trò chủ động và tích cực ở châu Á. Đây chính là mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và cũng là kết quả tốt nhất cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tình hình hiện nay.