Thanh Hóa - Nguyễn Khương Duy, 17 tuổi, đạt 1.590/1.600 SAT nhờ luyện ít nhất hai đề mỗi ngày, trong gần một năm.
Khương Duy, học sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, nhận kết quả SAT gần tuyệt đối, ở đợt thi giữa tháng 3. Em chiếm trọn 800 điểm phần Toán, 790/800 phần Đọc Viết.
"Em khá tiếc vì làm sai một câu chọn từ thích hợp với ngữ cảnh ở phần Đọc Viết", Duy nói. Đây cũng là phần thi Duy lo lắng từ đầu bởi thường có câu hỏi về phương pháp thực hiện nghiên cứu khoa học.
SAT (Scholastic Aptitude Test) là bài thi đánh giá năng lực được sử dụng phổ biến trong xét tuyển đại học Mỹ. Bài thi gồm 54 câu Đọc Viết, làm trong 64 phút, và 44 câu Toán, làm trong 70 phút. Mỗi phần được chấm trên thang điểm 800.
Theo College Board, đơn vị tổ chức kỳ thi, điểm của Duy thuộc top 1% điểm SAT toàn thế giới. Điểm trung bình của tất cả học sinh lớp 12 khi làm bài thi này trong ba năm qua là 1.175.
[Khương Duy, học sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng đạt hơn 1.500 điểm trong đợt thi tháng 8 năm ngoái, lần này, Duy không quá lo lắng, đặt mục tiêu đạt 1.600. So kết quả với các bạn sau buổi thi, thấy chỉ lệch một câu, em an tâm sẽ giành điểm cao.
Khương Duy nhận mình có thế mạnh ở phần Toán, chỉ cần đọc kỹ các dữ kiện đề bài sẽ chắc chắn làm đúng. Phần thi bao gồm kiến thức toán THCS, lớp 10 và một phần lớp 11, không khó để em giành trọn 800 điểm.
Trong thời gian ôn, nam sinh chủ yếu tìm đề trên các nguồn tài liệu mở như Khan Academy, College Board, Princeton, Cracksat... Mỗi ngày, em tận dụng giờ giải lao trên lớp và giờ học buổi tối ở nhà làm ít nhất hai đề hoàn chỉnh, để quen dạng bài. Câu nào làm sai, em ghi lại chi tiết cách làm để không lặp lại.
Năm ngoái, ngay trước lần thi SAT đầu tiên, Duy còn đạt 8.0 IETLS. Trong đó, kỹ năng Đọc và Nghe đạt điểm tuyệt đối, Viết 7.5 và Nói 6.5. So sánh phần đọc hiểu hai bài thi, em cho rằng tuy dạng bài khác nhau, nhưng đều đòi hỏi thí sinh phải tìm được từ khóa quan trọng để trả lời đúng.
Cô Lê Linh Hương, giáo viên tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 11 Anh 1, trường THPT chuyên Lam Sơn, tự hào khi cậu học trò "nói được làm được" của mình đạt kết quả cao ở cả hai kỳ thi.
"Đây là kết quả xứng đáng với quyết tâm và nỗ lực bạn ấy bỏ ra", cô chia sẻ. Cô nhận định Duy có thế mạnh ở phần Đọc hiểu nhờ tư duy nhanh và nhớ từ vựng tốt. Trên lớp, mỗi lần làm bài Đọc, nếu thời gian làm bài là 20 phút, Duy chỉ cần 10 phút. Nam sinh cũng thường được điểm tối đa ở các bài kiểm tra từ vựng.
"Học kỳ trước, em ấy được 10 tròn điểm tổng kết môn tiếng Anh", cô Hương cho biết.
Dù học lớp chuyên Anh, Khương Duy có khởi đầu không mấy suôn sẻ với môn học này. Ngày học tiểu học, Duy "học không vào", thường học thuộc lòng để đối phó với các bài kiểm tra. Thấy vậy, bố mẹ cho em đi học thêm cùng bạn thân.
"Tính em hiếu thắng, nhìn bạn điểm cao nên em học chăm để vượt mặt. Cứ như vậy, em càng học càng thích tiếng Anh", Duy nói.
Duy hay xem phim có phụ đề tiếng Anh, video dạy tiếng Anh hài hước của thầy Dan Hauer để tăng vốn từ vựng và học nói theo ngữ điệu của người nước ngoài. Dù vậy, đến giờ, nam sinh vẫn nhận mình yếu kỹ năng Nói, nhiều lúc phát âm và ngữ điệu không được tự nhiên. Duy dành thời gian rảnh để cải thiện kỹ năng này, chủ yếu dùng từ điển Cambridge, Oxford để chỉnh phát âm từ vựng.
Duy coi tiếng Anh là công cụ quan trọng giúp em khám phá, tự học nhiều kiến thức hơn, ví dụ như lập trình. Em đã học được ngôn ngữ java script, html, C++... qua các website về công nghệ như w3schools, codeacademy. Tháng 8 năm ngoái, Duy là thành viên đội thắng giải vàng tại AI-JAM, cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Quốc tế, được tổ chức thường niên tại Thung lũng Silicon, Mỹ.
Nam sinh cho biết sẽ dùng điểm SAT và IELTS để xét tuyển vào nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội."Mong muốn lớn nhất của em là trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của trường này", Duy nói.