Những ngành nghề này được dự đoán cần số lượng lớn nhân sự trong tương lai, sở hữu mức thu nhập "khủng" nhưng cũng đòi hỏi yêu cầu rất cao về chuyên môn.
Thiết kế thực tế ảo (VR)
Công nghệ thực tế ảo - Virtual Reality là một hệ thống mô phỏng các thiết kế 3D trên máy tính để tạo ra một thế giới như thật. Trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, không khó để lý giải về độ hot của ngành nghề này trong tương lai. Thiết kế VR có thể được ứng dụng trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau như giải trí, kiến trúc, giáo dục, y tế,… Về cơ bản đây vẫn là công việc khá mới lạ, đặc biệt là tại Việt Nam.
Với tiềm năng phát triển trong tương lai, VR có thể mở ra hướng đi mới tiết kiệm chi phí nhưng nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp. Để đáp ứng điều này, nhu cầu về số lượng lớn nhân sự có chuyên môn là yếu tố cần thiết.
Thiết kế VR là ngành còn mới lạ và "kén" nhân sự tại Việt Nam hiện nay.
Để trở thành kỹ sư thiết kế VR, nhân sự trong ngành này cần kinh nghiệm về ngôn ngữ lập trình, đồ họa, 3D, phần mềm thiết kế,… và phải am hiểu về thiết bị điện tử hiện đại và kỹ thuật phần cứng máy tính. Vì là ngành mới, số nơi đào tạo chuyên sâu về VR còn rất hạn chế. Hầu hết nguồn nhân lực xuất phát từ ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, thiết kế 3D,… Tại Việt Nam, người học có thể theo đuổi ngành học tại đại học RMIT.
Hiện mức lương ngành này tương đối cao so với các ngành nghề khác. Thu nhập của nhà thiết kế VR từ 30 - 85 triệu đồng/tháng tùy vào kinh nghiệm.
Tâm lý học
Trong cuộc sống hiện nay, con người gặp nhiều áp lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy mà việc chăm sóc, quan tâm sức khỏe tâm lý cũng là chủ đề được rất nhiều người chú trọng.
Công việc liên quan đến tâm lý ngày càng trở nên phổ biến khi con người quan tâm đến về sức khoẻ tinh thần.
Ngành tâm lý học là ngành nghiên cứu về tất cả những gì liên quan đến tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu những gì bên trong của con người, từ biểu cảm, tâm trạng, hành vi đến các tác động tâm lý. Là ngành đòi hỏi phải hiểu về cảm xúc, ngành này rất khó để trí thông minh nhân tạo có thể thay thế. Khác với ngành khác, người theo đuổi ngành tâm lý học cần sự nghiêm túc đầu tư và dành thời gian để học tập, trải nghiệm, từ đó các bạn sẽ có được kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này.
Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau từ giảng viên, học viện lâm sàng đến tư vấn viên, nhà nghiên cứu tâm lý tại trường học, bệnh viện hoặc mở phòng khám riêng. Tùy vào vị trí công việc, kinh nghiệm, chuyên môn và nơi làm việc mà nghề này sẽ đem lại mức thu nhập khác nhau, dao động từ 8 - 20 triệu đồng/tháng. Sinh viên có thể theo học ngành này tại Trường Đại học khoa học và Nhân văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM...
Logistic và quản lý chuỗi cung ứng
Logistic và quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghề dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc chính là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Tốt nghiệp ngành logistics, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí như nhân viên vận hành kho, nhân viên chứng từ, nhân viên cảng,... cho các công ty dịch vụ logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải, giao nhận,...
Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics là giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Dự báo năm 2022 của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho biết đến năm 2030, Việt Nam cần thêm 2,2 triệu lao động trong ngành này, 10% trong đó là nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ. Trong khi đó mỗi năm, chỉ khoảng 2.500 cử nhân ngành này tốt nghiệp. Vì vậy, ngành này sẽ cần số lượng lớn nhân sự trong tương lai.
Theo báo cáo của thị trường tuyển dụng, mức lương khởi điểm của ngành này dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20-30 triệu đồng. Một số trường đào tạo ngành logistic và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam có thể kể đến như Trường Đại học Giao thông vận tại, Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh Tế TP. HCM,...
Phân tích dữ liệu
Chuyên viên phân tích dữ liệu là người thực hiện các phân tích sâu dữ liệu ở dạng đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, bảng biểu và báo cáo; sau đó sử dụng các dữ liệu đó để xác định xu hướng và tạo mô hình dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai. Đây là vị trí cần thiết cho sự phát triển của đa số các doanh nghiệp hiện nay, bất kể hoạt động ở lĩnh vực nào. Bởi trong thời đại công nghệ số, việc phân tích dữ liệu là cơ sở để đưa ra quyết định kinh doanh quan trọng, từ phát triển sản phẩm mới, thâm nhập thị trường, quản lý ngân sách cho đến chăm sóc khách hàng.
Phân tích dữ liệu cần thiết cho sự phát triển, vận hành và quản lý của doanh nghiệp.
Được mệnh danh là ngành của “thời đại số", phân tích dữ liệu luôn thuộc top những ngành nghề có thu nhập cao. Tuy vậy, nghề này cũng đòi hỏi yêu cầu tương đối cao. Công việc này phù hợp với những người có khả năng tư duy logic cao vì phân tích sâu sắc từng chi tiết mới có thể tìm ra và giải quyết được vấn đề. Việc lọc dữ liệu thô sẽ rất khó khăn và gây mất thời gian vì có lượng dữ liệu trong ngành này rất lớn và dữ liệu lỗi cũng rất nhiều.
Ở Việt Nam, nhân viên chưa có kinh nghiệm cho tới dưới 1 năm kinh nghiệm có thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Chuyên viên có từ 1-3 năm kinh nghiệm: 15 - 25 triệu đồng/tháng. Chuyên viên 3-5 năm kinh nghiệm: 25 - 35 triệu đồng/tháng. Với chuyên viên trên 5 năm kinh nghiệm sẽ đạt thu nhập từ 35 triệu đồng/ tháng trở lên. Để trở thành chuyên viên phân tích dữ liệu, người học có thể tìm hiểu chương trình học tại các trường đại học như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM, ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội,...
Kỹ sư AI
Kỹ thuật AI tập trung vào việc phát triển các công cụ, hệ thống và quy trình cho phép ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thế giới thực. Bất kỳ ứng dụng nào mà máy móc bắt chước các chức năng của con người, chẳng hạn như giải quyết vấn đề và học tập, đều có thể được coi là trí tuệ nhân tạo.
Công việc chính của kỹ sư AI xoay quanh việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật khác nhau để có thể xử lý dữ liệu, cũng như phát triển và bảo trì các hệ thống AI, hoạt động cho các công ty công nghệ thông tin hoặc ứng dụng vào quản lý và vận hành doanh nghiệp, giảm bớt một phần chi phí nhân sự. Công việc này yêu cầu có hiểu biết sâu sắc về lập trình, công nghệ phần mềm và khoa học dữ liệu.
Ngành kỹ sư AI đang được đưa vào chương trình đào tạo của các trường đại học ngày càng nhiều.
Trên thế giới, kỹ sư AI là nghề có thu nhập thuộc mức "khủng". Ở Việt Nam hiện nay, kỹ sư AI cũng là những vị trí được trả lương hậu hĩnh nhất trong ngành công nghệ thông tin, có thể vượt ngưỡng 500 triệu đồng mỗi năm. Theo đó, kỹ sư AI mới ra trường có mức lương trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng, trên 20 triệu đồng/tháng với người từ 1 - 3 năm kinh nghiệm và từ 5 năm kinh nghiệm sẽ trên 40 triệu đồng/tháng. Ngành này hiện đang có chương trình đào tạo tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học FPT,...
Chăm sóc sức khỏe
Dù bất kỳ thời điểm nào thì sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt với cuộc sống hiện đại, mọi người chú trọng vào việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy nên, hiện nay ngành chăm sóc sức khỏe luôn nằm trong khối những ngành nghề "hot" và cần nhân lực chuyên môn cao.
Chuyên viên chăm sóc sức khỏe là những người có hiểu biết chuyên sâu về cơ thể con người, sẽ hỗ trợ thúc đẩy mọi người thực hiện lối sinh hoạt lành mạnh. Từ đó, con người sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện từ thể chất đến tinh thần, đồng thời hỗ trợ nâng cao tuổi thọ. Công việc chính trong ngành này có thể kể đến như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, tư vấn dinh dương hay chăm sóc đặc biệt,...
Mức thu nhập của ngành nghề này sẽ đa dạng tùy thuộc vào vị trí tư vấn, hay trực tiếp chăm sóc sức khỏe, cũng như bằng cấp, kinh nghiệm. Tuy nhiên, mức lương thưởng của chuyên viên sức khỏe thường tương đối cao so với ngành nghề khác.